Liên Kết Việt lừa 45.000 người, chiếm đoạt 1.900 tỷ đồng

Đức Sơn 21/02/2016 23:06

Giả danh doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và đưa ra mức hoa hồng “cao ngất” đánh vào tâm lý hám lợi của nhiều người nên Công ty Liên Kết Việt dễ dàng đưa hàng chục nghìn người “sập bẫy” đa cấp để chiếm đoạt 1.900 tỷ đồng

Liên Kết Việt lừa 45.000 người, chiếm đoạt 1.900 tỷ đồng

Ông Lê Xuân Giang- Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt (mặc quân phục)
nhận bằng chứng nhận giải thưởng “Thương hiệu Việt Nam tin dùng năm 2015”.

Hàng chục nghìn người “sập bẫy”

Như báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với 3 lãnh đạo Công ty CP liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt) gồm: Lê Xuân Giang - Chủ tịch HĐQT; Lê Văn Tú, Nguyễn Thị Thủy cùng là Phó Giám đốc Công ty cùng 4 thuộc cấp về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Thành lập từ 2010 nhưng mãi đến năm 2014, Công ty Liên Kết Việt mới được ngành chức năng cấp phép kinh doanh đa cấp với các mặt hàng như: Dưỡng Cốt Vương, Bổ Não Vương, máy khử độc Ozone, Ngũ linh đông trùng hạ thảo… Các sản phẩm trên được Công ty Liên Kết Việt quảng cáo là mua của Công ty CP tập đoàn thiết bị y tế BQP và Công ty CP Biovaccine Việt Nam.

Để quảng bá thương hiệu công ty, tháng 8/2015, Công ty Liên Kết Việt đã tung lên mạng nhiều đoạn Clip với nội dung rất câu khách như: “Khách hàng chỉ cần bỏ ra 9,3 tỷ đồng, sẽ thu về 450 tỷ đồng. Tỉ suất lợi nhuận là 4.800%”.

Thủ đoạn chính mà Lê Xuân Giang áp dụng để lừa đảo là Giang đặt ra quy định mỗi nhà phân phối tham gia vào hệ thống bán hàng của Công ty Liên Kết Việt đều phải nộp tối thiểu số tiền 8,6 triệu đồng. Sau đó họ sẽ được cấp mã kinh doanh và được quyền mua một mã hàng gồm 1 máy Ozone và 4 loại thực phẩm chức năng của Công ty.

Nhà phân phối mua càng nhiều mã hàng hoặc giới thiệu được càng nhiều người tham gia nộp tiền vào công ty thì được nhận tiền hoa hồng càng cao. Nhà phân phối nếu bỏ ra 8,6 triệu đồng, chỉ sau 5 năm sẽ được hưởng 449 triệu đồng tiền hoa hồng, lãi, thưởng. Nếu mời thêm một người tham gia, Công ty Liên Kết Việt sẽ trả hoa hồng 8%, mời càng nhiều người tham gia, số tiền hoa hồng càng lớn hơn.

Tuy nhiên, thực chất hầu hết những người mua hàng sau khi đã nộp tiền mua hàng đều không được nhận hàng, vì theo quy ước của công ty, nếu nhận hàng thì sẽ bị giảm số tiền hoa hồng. Với thủ đoạn tinh vi đó, Lê Xuân Giang cũng chẳng mất hàng hóa mà chỉ ngồi thu tiền về túi của mình.

Mới đầu, các nhà phân phối trong hệ thốngkinh doanh đa cấp với Lê Xuân Giang được nhận tiền hoa hồng. Tuy nhiên, từ tháng 9-2015, không thấy được tiếp tục trả tiền nên một số nhà phân phối trong hệ thống đã đến chi nhánh Công ty Liên Kết Việt tại thành phố Hải Phòng và trụ sở Công ty tại thành phố Hà Nội để đòi tiền thì phát hiện công ty không còn hoạt động nữa. Biết bị lừa nên nhiều nhà phân phối của Công ty Liên Kết Việt đã trình báo cơ quan cơ quan công an.

Vào cuộc điều tra, Cơ quan CSĐT- Bộ Công an tiến hành xác minh tại ngân hàng, lúc này số dư trên tài khoản của Lê Xuân Giang chỉ còn hơn 45,5 tỷ đồng.

Theo Cơ quan CSĐT xác định, chỉ trong hơn 1 năm hoạt động, Lê Xuân Giang cùng đồng bọn đã lừa đảo hơn 45.000 người ở hơn 20 tỉnh, thành phố với số tiền trên 1.900 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh đa cấp. Lê Xuân Giang được xác định là người đứng đầu, lập ra Công ty Liên Kết Việt, đồng thời đối tượng này cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP.

Mạo danh doanh nghiệp Bộ Quốc phòng

Theo điều tra, để dễ dàng lôi kéo hàng chục nghìn người tham gia, Công ty Liên Kết Việt còn cả gan mạo danh doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng để dễ bề lừa đảo. Theo đó, từ tháng 4-2014, Lê Xuân Giang đã thuê Nguyễn Thị Thủy làm Trưởng nhóm “Quản lý, phát triển kinh doanh của doanh nghiệp”. Nhóm này có trách nhiệm tổ chức phát triển hệ thống kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt, tư vấn thu hút khách hàng, tổ chức sự kiện; tư vấn thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại...

Sau một thời gian thấy Thủy làm việc hiệu quả, Giang ký quyết định bổ nhiệm Thủy làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt.

Một trong những chiêu trò lừa đảo của công ty này là trích thưởng rất cao bằng các chương trình thi đua thưởng nhà, thưởng xe ô-tô, chi hoa hồng lên tới 65% vượt mức quy định của Chính phủ là 40%. Nhưng thực chất những khoảng thưởng khổng lồ đó chỉ là hình thức lấy tiền của người nộp sau vào hệ thông để trả hoa hồng cho người nộp tiền trước.

Từ khi trở thành Phó Tổng giám đốc Công ty, Thủy tiến hành tuyên truyền, quảng cáo, thuyết trình rầm rộ hơn và đã dựng kịch bản dể mạo danh Công ty Liên Kết Việt là Công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng, tổ chức hoành tráng sự kiện đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định ảnh và bằng khen trên là giả mạo.

Ngoài ra, đối với 2 sản phẩm mà Công ty Liên Kết Việt kinh doanh gồm máy vật lý trị liệu Great-12 in tem nhãn và logo sản phẩm của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và máy khử độc Ozone dán mác đơn vị lắp ráp là Công ty BQP hợp tác với Công ty Thanh Hà - Bộ Quốc phòng nhưng thực tế hai đơn vị trên không hợp tác gì với Công ty Liên Kết Việt.

Bởi vậy, ngoài hành vi lừa đảo, cơ quan chức năng xác định Lê Xuân Giang và đồng bọn còn có dấu hiệu sản xuất hàng giả, làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức. Hiện, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án và xác minh làm rõ hành vi lửa đảo của các đối tượng liên quan.

Sau khi các lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt bị bắt, trụ sở Công ty Liên Kết Việt tại tầng 4, tòa nhà 29T1, đường Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, các cửa ra vào bị khóa kín mít. Bên trong trụ sở công ty không còn thấy biển hiệu, không còn bất cứ cán bộ, nhân viên nào làm việc. Ngay cả trang web của Công ty Liên Kết Việt là www.lkv.com.vn cũng có dấu hiệu ngừng hoạt động. Các thông tin đăng trên trang Web bị xóa gần hết. Các tài khoản cũng ngừng hoạt động và không thể liên lạc được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên Kết Việt lừa 45.000 người, chiếm đoạt 1.900 tỷ đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO