Liên thông 3 trong 1: Tiện ích nhưng vẫn còn vướng mắc

Lan Hương 19/09/2016 06:12

Đây là một trong những đánh giá, nhận định của các địa phương sau 1 năm thực hiện Quyết định 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi”.

Liên thông 3 trong 1: Tiện ích nhưng vẫn còn vướng mắc

Ảnh minh họa.

Tiết kiệm và hiệu quả

Là một trong những thành phố lớn của cả nước, hiện TP Cần Thơ đã có 85/85 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 9/9 quận, huyện triển khai thực hiện quy trình liên thông các thủ tục hành chính (TTHC) 3 trong 1. Việc áp dụng quy trình này đã giúp cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ hơn thông tin nhân thân và cư trú của người dân, khắc phục tình trạng trẻ em đã được đăng ký khai sinh nhưng chưa được nhập hộ khẩu, cấp thẻ BHYT và tình trạng người đã chết nhưng chưa được xóa tên trong hộ khẩu.

Ngoài ra, việc áp dụng quy trình liên thông đã giải quyết công việc cho người dân thuận lợi hơn, tiết kiệm công sức, chi phí và thời gian đi lại, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, sự hài lòng của người dân.

Tương tự, nhận thấy liên thông thủ tục hành chính “3 trong 1” đã tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho người dân, ngay khi có Quyết định, tỉnh Bắc Giang đã nhanh chóng triển khai mô hình 3 trong 1. Và chỉ sau 1 năm triển khai toàn tỉnh đã có 229/230 xã, phường, thị trấn thực hiện liên thông thủ tục hành chính “3 trong 1” giải quyết trên 40 nghìn lượt hồ sơ đăng ký thủ tục hành chính liên thông.

Đánh giá hiệu quả của mô hình 3 trong 1 đem lại, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang cho biết, khi thực hiện liên thông 3 thủ tục, người dân chỉ cần đến một nơi (bộ phận một cửa của UBND xã, phường, thị trấn) nộp hồ sơ và nhận 3 kết quả (3 loại giấy tờ cá nhân đầu tiên của mỗi trẻ em: Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu có ghi tên trẻ và thẻ bảo hiểm y tế) cùng tại nơi này.

Chính từ việc triển khai mô hình liên thông này đã tạo ra sự gắn kết giữa các cơ quan có liên quan khi giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu của người dân thay vì trước đây các thủ tục này được thực hiện riêng lẻ, khép kín trong từng ngành.

Vẫn còn những vướng mắc

Có thể thấy việc triển khai mô hình 3 trong 1 đã đem lại lợi ích rất lớn cho cả người dân với cơ quan nhà nước. Tuy nhiên ý kiến phản ánh từ nhiều địa phương cho biết, việc triển khai mô hình liên thông 3 trong 1 gặp nhiều khó khăn.

Một trong những khó khăn được các địa phương đề cập nhiều là thủ tục đăng ký thường trú còn một số phức tạp, rườm rà như phải ghi rất nhiều nội dung không cần thiết trong phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, do đó việc hướng dẫn người dân ghi hết tất cả nội dung trong phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu gặp rất nhiều khó khăn.

Theo quy định, trong trường hợp hồ sơ chưa đúng quy định, sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký cư trú thông báo cho UBND cấp xã để hoàn thiện hồ sơ, sau đó UBND cấp xã phải thông báo cho người dân đến bổ sung hồ sơ, rồi tiếp tục chuyển đến cho cơ quan đăng ký cư trú.

Như vậy, quy trình hoàn thiện hồ sơ cũng bị kéo dài vì người dân phải đi lại nhiều lần. Cũng theo quy định, nếu trẻ em không đăng ký thường trú cùng cha mẹ mà đăng ký thường trú cùng với người khác thì phải có sự đồng ý của chủ hộ. Do đó, nếu chưa tìm hiểu rõ quy định này, người dân phải đi lại lần thứ 2 để có sự đồng ý của chủ hộ trong tờ khai đăng ký thường trú, dẫn đến quá trình thực hiện liên thông 3 thủ tục này chưa thật sự thuận lợi.

Theo Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang, trong quá trình thực hiện cũng phát sinh một số bất cập, như: Cán bộ thực hiện phải hướng dẫn cho công dân hiểu và cùng lúc kê khai theo 3 thủ tục của 3 ngành khác nhau gây khó khăn, mất nhiều thời gian cho cả cán bộ và công dân.

Việc bố trí cán bộ tại UBND cấp xã để giải quyết 3 thủ tục chưa hợp lý, hiện tại phần lớn các địa phương giao cho cán bộ công chức tư pháp-hộ tịch tiếp nhận lập hồ sơ, đăng ký khai sinh và phối hợp với cán bộ chính sách thực hiện thủ tục cấp thẻ BHYT cho trẻ, trong khi cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch đã phải “gánh” rất nhiều “đầu việc” khác.

Hơn nữa, với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, việc đi đến cơ quan bảo hiểm xã hội để hoàn tất thủ tục cho công dân đúng thời gian quy định rất khó khăn, tốn kém về thời gian, công sức...mà chưa có sự hỗ trợ hợp lý cho người thực hiện. Mặc dù đã xây dựng quy chế phối hợp, tuy nhiên trong giai đoạn đầu triển khai, sự phối hợp này cũng chưa thực sự nhịp nhàng.

Xuất phát từ những khó khăn trên, ý kiến nhiều tỉnh, địa phương cho rằng, chỉ nên quy định việc liên thông 2 thủ tục: đăng ký khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bởi lẽ, việc liên thông được cấp đăng ký thường trú gặp nhiều bất cập trên thực tế.

Cụ thể là do công chức ở bộ phận một cửa cấp xã thường không nắm được quy định về cư trú của cơ quan công an, nên người dân phải gặp trực tiếp cán bộ hộ tịch để được hướng dẫn, phát sinh nhiều việc khiến công chức tư pháp-hộ tịch cấp xã nhiều nơi bị quá tải dẫn đến sai sót.

Do đó thủ tục nhập hộ khẩu nên để người dân trực tiếp đến cơ quan công an cấp xã, cấp huyện thực hiện hoặc chuyển hồ sơ thông qua bưu điện, giảm áp lực cho công chức xã trong thực hiện liên thông.

Bên cạnh đó, thời gian chuyển hồ sơ từ cán bộ cấp xã qua bộ phận “một cửa” của Công an huyện tương đối lâu, mất nhiều thời gian trong khi trên thực tế số lượng công chức hộ tịch ở mỗi phường, xã chỉ từ 1- 2 người, chưa kể việc các công chức này ở nhiều địa phương thường xuyên được điều chuyển sang vị trí công tác khác, ảnh hưởng đến việc thực hiện liên thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên thông 3 trong 1: Tiện ích nhưng vẫn còn vướng mắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO