Livestream phim chiếu rạp: Vui mình, hại người

Trần Kim Anh 16/07/2017 08:30

Tính năng livestream (phát trực tiếp trên Facebook) mang lại nhiều tiện ích. Nhưng khi sử dụng để thỏa mãn vài ý thích cá nhân, việc livestream phim chiếu rạp không chỉ vô tình “giết chết” bộ phim ngay từ lúc mới trình làng mà còn làm phương hại đến nền điện ảnh cũng như văn hóa, trình độ thưởng thức của khán giả.

Phim “Xóm trọ 3D” bị quay lén sau 5 ngày ra rạp.

Phát tán phim qua Facebook

Không loại trừ khả năng phim bị phát tán do ý đồ của những đối thủ cạnh tranh nhau nhằm gây thiệt hại đến đối phương nhưng việc livestream phim ngay từ khi mới ra rạp hoặc thậm chí ngay tại suất chiếu sớm thường là do những người ý thức kém.

Thể hiện ta “đi trước thời đại”, “khoe mẽ” rằng mình đi xem phim hay đơn giản chỉ là để câu like, câu view khi bộ phim đang hot, đó chính là lý do một số bạn trẻ đưa điện thoại ra và phát trực tiếp phim mình đang xem cho “cả làng” Facebook cùng xem.

Mới nhất, “Xóm trọ 3D” sau 5 ngày công chiếu đã bị quay lén đưa lên mạng đã nổ bùng lên mối quan ngại và báo động về việc phản đối, tẩy chay livestream phim chiếu rạp. Trước đó, bộ phim “Em chưa 18” của đạo diễn Lê Thanh Sơn cũng bị khán giả đưa lên mạng.

Dù đã “cảnh giác cao độ”, biết chắc chắn sẽ bị tình trạng tương tự và xây dựng hẳn một clip tuyên truyền nhưng sự “cẩn thận không thừa” này cũng “không lại” được với những “anh hùng thích chơi trội”.

Đến nỗi nhà sản xuất của phim là đạo diễn Charlie Nguyễn chỉ có thể thở dài vì ý thức kém của người xem. Có lẽ anh biết rằng đành phải “chấp nhận” vấn nạn này vì đến như “đả nữ” Ngô Thanh Vân đã từng phản ứng gay gắt về việc “Tấm Cám- Chuyện chưa kể” bị quay rồi đưa lên mạng như cũng chẳng “xi nhê” gì.

Chẳng riêng gì những phim gần đây mà hầu hết các phim mang tính hot, được khán giả đón đợi như “Chạy đi rồi tính”, “Bụi đời Chợ Lớn”, “Vòng eo 56”, “4 năm, 2 chàng, 1 tình yêu”, “Lô tô”… cũng bị vi phạm bản quyền ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Ê-kíp làm phim “Em chưa 18” làm cả poster tuyên truyền khán giả nói không với quay lén và livestream.

Vui nhỏ, hại lớn

Với những “thủ phạm” phát tán phim thì sự việc “mua vui cũng chỉ được một vài chấm like” rồi mọi thứ cũng nhanh chóng chìm lấp đi trong trùng trùng tin tức mới của mạng xã hội. Rồi họ lại nhanh chóng đi tìm những sự kiện khác để khuấy động “làng face”. Chỉ còn nhà sản xuất, ekip thực hiện bộ phim là đau đầu, tức giận, uất nghẹn mà chẳng làm được gì.

NSND Hồng Vân chỉ biết bức xúc chia sẻ trên Facebook: “Mọi người ơi, để làm ra một tác phẩm cả 100 con người phải vắt kiệt sức lực, đổ mồ hôi thậm chí cả máu và nước mắt. Sao bạn lại có thể cướp công sức của bao nhiêu con người bằng hành động quay lén như vậy. Khán giả iu quý của “Xóm trọ 3D” ơi hãy tẩy chay hành động này giúp Vân và tập thể xóm trọ nhé”.

Nghệ sĩ hài Hồng Vân nói không sai. Để một bộ phim ra đời đâu phải đơn giản. Nó không chỉ là bài toán kinh doanh mà còn là tâm huyết, là nghệ thuật, là thông điệp gửi gắm tới khán giả. Xem một bộ phim không phải chỉ là để biết nội dung, để thỏa mãn sự tò mò mà còn là thưởng thức nghệ thuật, là chiêm nghiệm cuộc sống và nhận ra những cái hay, cái đẹp mà người làm phim muốn lan truyền tới khán giả.

Vậy mà bằng hình thức phát tán qua mạng xã hội, phim quay lại đương nhiên chất lượng xấu, tiếng và hình không rõ nét, người xem chỉ có thể “lờ mờ” biết được nội dung chứ không được thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm nghệ thuật. Và đương nhiên đã “xem chùa” qua Facebook rồi thì ít ai bỏ tiền ra mua vé đi xem ngoài rạp nữa.

Điều đó ảnh hưởng tới nhà sản xuất, đương nhiên. Nhưng nó cũng ảnh hưởng chính tới người xem. Nghe ra thì có vẻ lạ, nhưng thực chất là thế.

Nếu cứ chỉ “rình” xem để biết nội dung phim như thế nào, có cảnh nóng gì không, hot girl hot boy kia xuất hiện váy áo yêu đương ra sao thì cho đến bao giờ trình độ thưởng thức điện ảnh mới lên cao được?

Cứ như thế, thị hiếu của khán giả không lên thì một số người làm phim cũng không dám “vượt trần”, chỉ làm ra những thứ tầm tầm, bao giờ cho điện ảnh Việt Nam tiến xa hơn nữa?

Trong khi đó, muốn điện ảnh Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc thì khán giả cũng là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy người làm phim phải nỗ lực tìm tòi, sáng tạo hơn nữa. Một vòng luẩn quẩn kìm hãm lẫn nhau sẽ khiến nghệ thuật thứ bảy chẳng những dậm chân tại chỗ mà còn thụt lùi, tụt hậu vì chính những điều nhỏ nhặt, tưởng chừng chẳng đáng là gì ấy.

Coi chừng phạm luật

Hầu hết khi phát hiện được khán giả quay lén và phát tán phim trên mạng thì đơn vị phát hành, sản xuất phim chỉ có thể mời ra khỏi rạp, lập biên bản, yêu cầu gỡ bỏ nội dung đã phát.

Theo Điều 27, Nghị định 131/2013/NĐ-CP) về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, người thực hiện hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình sẽ bị phạt tiền từ 15-35 triệu đồng).

Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả); nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự (theo Điều 225 của Bộ luật Hình sự 2015).

Dù vậy nhưng hầu như chưa có trường hợp nào bị phạt, bị xử “tới nơi tới chốn” mà chỉ là cảnh cáo thôi. Điều đó tạo nên sự “nhờn luật” cho những người vi phạm. Vả lại, hầu hết các trường hợp quay, phát trên mạng là do ý thích cá nhân, do không hiểu biết mà vi phạm. Vì thế, khó lại càng thêm khó.

Trong khi chưa thể xử lí một cách triệt để, nghiêm khắc với những biện pháp mạnh, cách tốt nhất hiện nay vẫn chỉ là tuyên truyền, nâng cao ý thức của các bạn trẻ, những người làm chủ công nghệ nhưng thiếu hiểu biết hoặc cố tình chiều theo cái tôi cá nhân mà bất chấp nó tổn hại đến nhiều người khác.

Bạn trẻ, thay vì livestream chứng tỏ mình sành điệu, hãy bình luận, bày tỏ cảm nhận của mình về bộ phim. Đó mới là hình thức xem phim một cách có văn hóa và thể hiện mình thưởng thức phim thực sự chứ không phải chỉ xem cho nó “ra vẻ”.

Hành động đó của bạn có thể sẽ được ít like hơn nhưng tạo ra hiệu ứng tốt, kích thích người khác xem phim để cùng bàn luận. Đó mới tạo ra động lực thúc đẩy nền điện ảnh đi lên. Và khi đó, chính bạn cũng sẽ được lợi khi được thưởng thức những bộ phim mãn nhãn, có chất lượng của điện ảnh Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Livestream phim chiếu rạp: Vui mình, hại người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO