Lo bùng phát dịch trong khu công nghiệp ở Bình Dương

H.Vũ 01/07/2021 07:34

Ngày 30/6, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo đã họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Nhiều ý kiến đã bày tỏ lo ngại nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 diện rộng tại tỉnh Bình Dương liên quan tới khu nhà trọ của công nhân lao động và khu công nghiệp.

Xuất hiện lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Ngọc Hà cho biết: Trong ngày 29/6 địa phương này đã xuất hiện ổ dịch mới tại một Công ty Wanek với hơn 100 ca mắc. Tính đến thời điểm hiện tại, trong đợt dịch lần thứ 4, Bình Dương đã ghi nhận hơn 300 ca mắc Covid 19, trong đó số F0 xuất hiện tại 32 công ty, trong khu công nghiệp đã ghi nhận 39 F0. Có 3 ổ dịch lớn tại địa phương và đã lây lan ra 10 phường của 3 huyện và thành phố.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhận định, nguy cơ lây nhiễm dịch ra diện rộng là rất cao, nhất là đối với các khu vực nhà trọ của công nhân và khu công nghiệp, vì đang ở xen kẽ. Bên cạnh đó, đã xuất hiện tình trạng lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung. Bình Dương đã chuẩn bị các trang thiết bị và cơ sở điều trị cho các kịch bản lây nhiễm cao hơn.

Từ đó, theo ông Hà, xác định xét nghiệm diện rộng là quan trọng nên Bình Dương tập trung chỉ đạo tăng cường xét nghiệm. Từ 30/6 sẽ xét nghiệm diện rộng, trong vòng 14 ngày ở 24 phường, có 450 đội lấy mẫu xét nghiệm, xét nghiệm cho 1 triệu người với 100 nghìn mẫu gộp.

Trước tình hình trên, nhiều ý kiến cho rằng Bình Dương cần phải khoanh thật chặt và truy vết thật nhanh, coi tất cả các công nhân đều là F2 để có các biện pháp chủ động phòng ngừa tại ngay chỗ làm việc và nhà trọ, chưa yêu cầu cách ly. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải lập được danh sách của công nhân về nơi ở, số điện thoại để giám sát. Bên cạnh đó, cần có chiến lược tách riêng những nhóm đối tượng cách ly để hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm chéo.

Đề xuất Bình Dương thí điểm F1 cách ly tại nhà

Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP. Hồ Chí Minh đã ký công văn về việc đề xuất thực hiện các biện pháp bổ sung công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Bình Dương. Theo đó, Bộ Y tế đánh giá, tại tỉnh Bình Dương có nhiều trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh được thực hiện cách ly y tế tập trung.

Bộ Y tế cũng đề xuất Bình Dương triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà, tại doanh nghiệp/ký túc xá doanh nghiệp (nếu có điều kiện) để sẵn sàng áp dụng khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

Bộ phận thường trực của Bộ Y tế đã triển khai tập huấn, hướng dẫn cho Sở Y tế, CDC và Trung tâm y tế cấp quận, huyện về công tác phòng lây nhiễm chéo trong khu cách ly, đồng thời cũng đã chuyển giao phần mềm quản lý các khu cách ly tập trung trên toàn tỉnh. Do đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo việc thành lập các Tổ giám sát phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tuyến tỉnh và Tổ giám sát tuyến huyện. Mỗi khu cách ly phải đảm bảo yêu cầu thực hiện việc kiểm tra giám sát 1 lần/ngày. Kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo không để xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt trong các khu cách ly tập trung.

Đối với công tác điều trị, Bộ Y tế cho rằng, Bình Dương cần rà soát máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc điều trị Covid-19 (máy ECMO, máy thở) để bổ sung kịp thời trong trường hợp dịch bùng phát quy mô lớn. Kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu dự phòng thành lập cơ sở thu dung, điều trị ban đầu bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng nằm tại khu ký túc xá trường đại học, cao đẳng để dự phòng trong trường hợp dịch bùng phát diện rộng.

Thí điểm doanh nghiệp tự thực hiện test nhanh

Đối với phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp, Bộ Y tế cho rằng, tỉnh Bình Dương cần thành lập 100 tổ/đoàn (3-4 người/đoàn) triển khai hướng dẫn, kiểm tra đánh giá công tác phòng, chống dịch cho các khu công nghiệp và các doanh nghiệp lớn ngoài khu công nghiệp. Yêu cầu trong vòng 5 ngày thực hiện xong hướng dẫn, đánh giá an toàn cho các doanh nghiệp và tái kiểm tra 1 tuần/lần để chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.

Bộ Y tế cũng đề nghị thí điểm doanh nghiệp tự triển khai test nhanh Covid-19 cho công nhân và giao CDC hướng dẫn thí điểm cho các doanh nghiệp. Xem xét bắt buộc hoặc khuyến khích các doanh nghiệp tự trả chi phí mua test nhanh và xét nghiệm cho người lao động 1 lần/tuần trong thời gian có dịch.

Phát biểu khi làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu, cần phải chia làm 2 mũi xét nghiệm, phân công đơn vị rõ ràng. Mũi 1 tầm soát trong cộng đồng ở tần suất và khu vực hợp lý. Mũi 2 là những nhóm đối tượng nguy cơ, cần tăng cường đội lấy mẫu và cố gắng trong 24h phải được xét nghiệm và cố gắng phải thực hiện cả realtime PCR mẫu gộp.

Từ thực tế phần mềm quản lý giám sát, truy vết công nhân và triển khai tại Bắc Giang hiệu quả, Bộ phận thường trực của Bộ Y tế đã đề nghị Bình Dương nghiên cứu áp dụng phần mềm này vào quản lý công nhân, truy vết khi có xuất hiện ca F0 trong khu công nghiệp. Đồng thời thành lập tổ an toàn Covid trong các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo bùng phát dịch trong khu công nghiệp ở Bình Dương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO