Lỗ hổng lớn trong cuộc chiến chống dịch

Bắc Phong 21/08/2020 08:30

Trong khi Chính phủ, ngành Y tế liên tục đưa ra những giải pháp quyết liệt, thì thật đáng tiếc và đáng lo ngại một bộ phận không nhỏ người dân, kể cả chính quyền cấp cơ sở lại lơi lỏng, chủ quan. Nếu tình hình này vẫn tiếp diễn thì đó chính là lỗ hổng lớn trong cuộc chiến chống dịch.

Chiều tối ngày 19/8, thông tin cụ ông 87 tuổi, người Phú Thọ về Hà Nội khám bệnh rồi bị phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 khiến người dân lo lắng. Đến sáng hôm sau, có tin xét nghiệm lần 2 cụ ông này lại cho kết quả âm tính. Thế rồi ngong ngóng mong thời gian mau qua để đến chiều xem kết quả thế nào trong lần xét nghiệm thứ 3, thứ 4...

Kể từ ngày 25/7, khi Đà Nẵng chính thức có ca Covid-19 trong cộng đồng mà không rõ nguồn lây nhiễm, mối lo dịch bệnh đã thực sự quay trở lại. Từ tâm dịch Đà Nẵng, khoảng 1,4 triệu người đã từng đến đây trong thời gian có thể lây bệnh đã tỏa đi các địa phương. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là nhiều nhất, mỗi thành phố có tới trăm ngàn người từng “dính líu” đến vùng dịch.

Chiến dịch truy vết, xét nghiệm, cách ly bắt đầu.

Tiếp đó, một số địa phương lân cận Đà Nẵng xuất hiện các ca Covid-19. Rồi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng có Covid-19 trong cộng đồng mà rất khó xác đinh nguồn lây. F0 coi như mất dấu. Từ đó F1,F2 chyển sang tình trạng bệnh chính thức.

Rồi đến thành phố Hải Dương với các ca bệnh cực kỳ nguy hiểm ở một quán bia có tên Thế giới bò tươi mà mức độ lây lan rất lớn đã lập tức đẩy Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh vào tình thế nguy hiểm. Cứ chiều tối đến, người ta lại đợi xem thông báo từ cơ quan chức năng xem hôm nay mấy ca nhiễm mới, người ở đâu. Sáng sớm hôm sau, mở mắt ra cũng lại đợi thông báo mới.

Để ngăn chặn và dập tắt không để Covid-19 lây lan rộng trong cộng đồng, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt. Chỉ thị 19 và Chỉ thị 16 với các cấp độ tăng dần trong các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng ở nhiều địa phương.

Hải Phòng, nơi tiếp giáp gần với Hải Dương đã áp dụng biện pháp cách ly tập trung những người đến từ vùng dịch Hải Dương, từ ngày 19/8. Những người đang làm việc tại Hải Phòng được khuyến cáo không về Hải Dương. Các huyện của Hải Phòng tiếp giáp với tỉnh Hải Dương như An Dương, An Lão, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng đóng cửa các đường mòn, lối tắt, đò ngang kết nối với tỉnh Hải Dương và bố trí lực lượng kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hồ Chí Minh (HCDC) cũng gấp gáp đề xuất kiểm tra y tế, xét nghệm, cách ly với những người ở địa phương có dịch khi đến thành phố này...

Trong khi Đà Nẵng đang có dấu hiệu sáng lên khi số ca lây nhiễm giảm dần, số ca âm tính với SARS-CoV-2 tăng dần thì nhiều địa phương khác tình hình lại rất khẩn trương.

Riêng về xét nghiệm truy vết SARS-CoV-2 cũng không hề đơn giản do số người cần phải xét nghiệm quá lớn. Trong khi đó Bộ Y tế và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 trung ương thống nhất trong giai đoạn hiện nay không cho phép xét nghiệm Covid-19 dịch vụ theo yêu cầu. Các phòng xét nghiệm phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc và khẳng định theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo.

Về kết quả xét nghiệm cũng lại là vấn đề lớn, không chỉ do sức ép số lượng mà còn do xuất hiện những trường hợp âm tính 3,4 lần nhưng khi tái khám vẫn lại bị “phán” mắc Covid-19. Về việc này, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung- Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương có 2 nguyên nhân: Thứ nhất là dù bệnh nhân đã mắc Covid-19 nhưng virus chưa nhân lên đủ nồng độ để cho kết quả dương tính. Nguyên nhân thứ hai rất quan trọng là nguyên nhân kĩ thuật. Kĩ thuật lấy mẫu phải đảm bảo chuẩn, mẫu có chất lượng. “Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta lấy mẫu thật tốt thì chắc chắn chúng ta sẽ làm tốt. Với nguyên nhân thứ nhất, những người có kết quả xét nghiệm Real-Time PCR có kết quả âm tính vẫn cần cách ly 14 ngày sau khi tiếp xúc gần với người bệnh, người nghi nhiễm”- PGS Nhung lưu ý...

Tất cả những câu chuyện trên cho thấy tình hình lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng là rất nguy hiểm. Ấy thế nhưng những ngày qua người ta vẫn chứng kiến sự chủ quan của cộng đồng. Mới đây nhất, vào ngày đầu tháng Bảy âm lịch, nhiều nơi người dân vẫn nườm nượp đi lễ chùa. Còn các hàng quán (cụ thể là tại Hà Nội) dù UBND thành phố đã chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch một cách gay gắt, trong đó có việc chủ quán phải bố trí khách cách nhau ít nhất 1 mét, có tấm chắn... nhưng không mấy nơi thực hiện. Và cũng không thấy ai nhắc nhở. Tán chuyện về Covid-19 thì rất ồn ào nhưng bản thân mình thì lại hết sức chủ quan.

Đó là một thực tế nguy hiểm.

Cần nhắc lại, trong đợt chống dịch Covid-19 lần trước, ý thức người dân rất tốt khi mọi người đồng lòng chống dịch như chống giặc, nên cả nước đã có 99 ngày không xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Trong khi Chính phủ, ngành Y tế liên tục đưa ra những giải pháp quyết liệt, thì thật đáng tiếc và đáng lo ngại một bộ phận không nhỏ người dân, kể cả chính quyền cấp cơ sở lại lơi lỏng, chủ quan. Nếu tình hình này vẫn tiếp diễn thì đó chính là lỗ hổng lớn trong cuộc chiến chống dịch.

Không thể để những thành quả của cuộc chiến chống Covid-19 của đất nước bị phá hỏng bởi thái độ ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lỗ hổng lớn trong cuộc chiến chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO