Lơ là quản lý

Vi Cầm 23/08/2019 08:30

Trước thềm năm học mới 2019 - 2020, sự cố về quản lý đào tạo văn bằng 2 tại Trường ĐH Đông Đô hiện là mối quan tâm lớn của dư luận. Câu hỏi được đặt ra lúc này là trong khi chưa được Bộ GDĐT cho phép nhưng Trường ĐH Đông Đô vẫn ngang nhiên tuyển sinh rầm rộ, đào tạo, cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh trong khoảng thời gian dài như thế thì trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GDĐT ở đâu?

Lơ là quản lý

Trường ĐH Đông Đô đào tạo, cấp văn bằng 2 không đúng quy định.

Khi ghi nhận ý kiến xung quanh vụ việc này, nhiều chuyên gia có chung quan điểm rằng họ đồng tình ủng hộ khi cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát hiện ra và xử lý sai phạm trong việc Trường ĐH Đông Đô đào tạo, cấp văn bằng 2 không đúng quy định. Theo đó, cần làm rõ tất cả những trường hợp cá nhân có liên quan đến sai phạm trên. Liên quan đến đâu thì phải xử lý đến đó. Kể cả giả sử phát hiện Bộ GDĐT có những sai phạm hoặc Thanh tra Bộ có những sai phạm thì cũng cần phải xử lý sai phạm; cần kiểm tra xem Bộ GDĐT, Thanh tra Bộ GDĐT có nắm được tình hình này không…

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), việc trường đào tạo sai quy định nhưng lại không được phát hiện là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cho thấy thiếu sự phối hợp giữa các bộ phận. Việc quản lý lỏng lẻo nên bộ phận tuyển sinh của Vụ Giáo dục ĐH không nắm được. Như thế, việc cấp phôi bằng hiện nay vẫn có những kẽ hở. Nếu như trước kia, nếu các trường muốn cấp phôi bằng tốt nghiệp ĐH thì phải có chuyên viên của Vụ Giáo dục ĐH xác nhận, lãnh đạo Vụ ký rồi mới xuống Văn phòng Bộ mua phôi. Nhưng sau này, Vụ Giáo dục ĐH không tham gia công đoạn này, mà do Văn phòng Bộ làm. Nếu các bộ phận không ăn nhập với nhau sẽ rất dễ xảy ra sai sót. Như vậy các trường chỉ cần đến Văn phòng Bộ mua phôi bằng là được…

Cùng với đó, thực tế cũng cho thấy không chỉ quá trình cấp phôi bằng, mà ngay cả quá trình thanh tra hiện nay cũng đang… có vấn đề, khi năm nào Bộ GDĐT cũng có những đợt thanh tra đầu năm học, nhưng lại không phát hiện ra sai sót của các trường. TS Hoàng Ngọc Vinh cho hay, như hiện nay cả nước có hàng trăm trường ĐH thì không thể thanh tra hết. Do đó, mới có chuyện vẫn thường xuyên kiểm tra, nhưng lại không thể phát hiện. Đó là còn chưa kể đến việc thanh tra phụ thuộc vào cả sự liêm chính của cán bộ thanh, kiểm tra. Có người làm nghiêm thì kết quả lại khác, có người xuê xoa lại khác…

Giờ đây dư luận cũng đang rất muốn biết là hiện nay trên cả nước bao nhiêu trường đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh nói riêng và những ngành khác được coi là hợp pháp? Người học cũng đang rất cần Bộ GDĐT công bố danh sách các trường được cấp phép đào tạo văn bằng 2 bởi đây cũng là yêu cầu thực hiện công khai đối với cơ sở GDĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo tinh thần Thông tư của Bộ GDĐT: Các cơ sở giáo dục ĐH, trường CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm phải thực hiện công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát, đánh giá cơ sở GDĐT theo quy định của pháp luật.

Trước các luồng ý kiến khác nhau về đào tạo văn bằng 2, theo các chuyên gia, những hình thức đào tạo kiểu vừa học vừa làm, văn bằng 2, liên thông… trong hơn nửa thập niên qua đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng tinh thần học tập suốt đời trong xã hội, mở rộng cơ hội học tập và nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho rất nhiều người mà vì điều kiện và hoàn cảnh gia đình, công việc buộc phải gián đoạn việc học. Khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đi vào cuộc sống, Bộ GDĐT sẽ trao quyền tự chủ gần như tuyệt đối cho các trường thì những vấn đề nảy sinh về chất lượng đào tạo, sai phạm trong tuyển sinh, cấp bằng... phải nằm ở hiệu trưởng. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, xã hội về chất lượng đào tạo, cam kết của trường với xã hội. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, những sai phạm nảy sinh từ Trường ĐH Đông Đô đến từ nhiều nguyên nhân. Nhưng quan trọng nhất, chính là xu hướng trọng bằng cấp trong tuyển dụng, xét nâng bậc lương, vị trí trong xã hội vẫn rất nặng nề. Thứ hai là nhu cầu tự thân của chính xã hội với các quy định, thể chế hành chính (dùng chứng chỉ, văn bằng như một tiêu chí xét) đã gián tiếp tạo cơ hội cho cái sai có đất nảy sinh. Vì vậy, để giải quyết thực trạng này, trước hết phải bắt nguồn từ chính các cơ sở đào tạo, kế đến là sự tự giác của người học và cuối cùng là vai trò hậu kiểm của Bộ GDĐT.

Với xu thế tự chủ, yêu cầu về công khai và minh bạch thông tin của các cơ sở đào tạo lại càng quan trọng. Kiểu “công khai nửa vời” như hiện nay đang đi ngược lại với chủ trương đổi mới và cho thấy sự buông lỏng quản lý nhà nước của ngành chức năng. Còn với “đầu ra”, giờ đây trong một số khu vực kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động và trọng dụng người thực sự có năng lực cho vị trí của họ, chứ họ không chú trọng vào bằng cấp của người được tuyển dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lơ là quản lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO