Lo mất thương hiệu khi thoái vốn

Hồ Hương 16/09/2016 06:30

Mục tiêu của Chính phủ trong năm nay là thoái vốn nhà nước tại một số “con gà đẻ trứng vàng” Vinamilk, FPT, nhựa Bình Minh... Tiêu chí của Chính phủ đưa ra là thu về lợi nhuận cao nhất mà không để thất thoát vốn.

Lo mất thương hiệu khi thoái vốn

Bán vốn Nhà nước tại Vinamilk trong năm 2016.

Thị trường chờ “hàng nóng”

Theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc bán vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Bia rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng công ty cổ phần Bia rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)...

Bản thân lãnh đạo các bộ Tài chính, Công thương, Kế hoạch - Đầu tư, Tư pháp, lãnh đạo SCIC thống nhất cao về các vấn đề liên quan tới việc xác định giá trị doanh nghiệp, định giá cổ phiếu, phương thức bán cổ phần, việc bảo toàn các thương hiệu sau khi bán vốn…

Việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này được Nhà nước đang bán đi “gà đẻ trứng vàng”. Các doanh nghiệp được đưa ra bán đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Do vậy, thị trường rất săn đón các thông tin về đợt bán vốn vô tiền khoáng hậu này.

Về lộ trình bán vốn, việc triển khai bán vốn của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) sẽ được thực hiện ngay trong năm 2016. Ngoài Vinamilk, sẽ có thêm 9 doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả được thoái vốn vào cuối 2016 hoặc đầu năm 2017.

Cụ thể Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)đã lên kế hoạch và sẽ bắt đầu bán vốn của Vinamilk ngay trong năm 2016. Còn lại 9 doanh nghiệp khác cũng thực hiện trong năm nay và đầu năm sau.

Nhưng có một câu hỏi mà thị trường luôn quan tâm là Nhà nước sẽ bán bao nhiêu cổ phần, nếu như chỉ bán ra số cổ phần thấp sẽ không giúp cho các đợt IPO thành công như mong đợi vì bản chất việc cổ phần hóa không làm thay đổi nhiều về phương diện quản lý điều hành doanh nghiệp.

Hiện nay, tại đại gia sữa Vinamilk, nhà nước vẫn nắm giữ tới 45,06% cổ phần tương ứng 795 tỷ. Về việc bán một phần hay bán hết cổ phần tại Vinamilk. Do Vinamilk là doanh nghiệp có quy mô vốn lớn và có thể tác động mạnh tới thị trường nên khi tiến hành bán vốn phải tránh gây bất ổn thị trường.

Ngoài Vinamilk, câu chuyện thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng nhận được nhiều sự quan tâm.

Không làm mất thương hiệu doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng điều quan trọng nhất và các nguyên tắc trong quá trình bán vốn được đưa ra, theo các quy luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.

Được biết hiện nay cũng đã có nhiều “cá mập lớn” săn các doanh nghiệp của Việt Nam. Đơn cử, cổ phần tại các hãng bia Việt Nam như Habeco và Sabeco đang nằm trong tầm ngắm của những đại gia như Thai Beverage và Singha Group của Thái Lan, Kirin Holdings và Asahi Group Holdings của Nhật Bản, Heineken của Đan Mạch và Anheuser-Busch InBev của Bỉ.

Khi đấu giá công khai thì không thể có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thậm chí nếu bán cho doanh nghiệp trong nước, họ cam kết giữ cổ phần trong 3 năm, nhưng sau đó không có gì chắc chắn về việc họ không bán lại cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài khi được giá hay không muốn nắm giữ nữa.

Song vẫn có cách thức để Nhà nước có quyền phủ quyết việc thay đổi thương hiệu dù không nắm lượng lớn cổ phần thông qua những rào cản kỹ thuật. Kinh nghiệm tại một số doanh nghiệp trên thế giới cho thấy, họ sử dụng hình thức “cổ phần vàng”, đây là những cổ phần có quyền biểu quyết một số vấn đề như về thương hiệu.

Chúng ta xây dựng điều lệ doanh nghiệp theo hướng khi thay đổi thương hiệu phải được chấp thuận bởi “cổ phần vàng”, đây là đặc quyền của mỗi doanh nghiệp. Điều này đã có quy định và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong khi đó ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà tài chính Việt Nam cũng cho rằng, bất kể nhà đầu tư nào, dù nhà đầu tư tài chính hay nhà đầu tư chiến lược…, không ai có ý định hủy hoại thương hiệu DN khi mua CP cả.

Vì một trong những thứ quan trọng họ nhắm đến khi mua DNNN là thương hiệu. Đơn cử, như Vinamilk, DN này đã có một thương hiệu bền vững, giá trị, ai dại gì mà mua rồi hủy hoại.

Báo cáo mới nhất từ Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết trong 8 tháng đầu năm 2016 đã có 48 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Về tình hình thoái vốn trong 8 tháng đầu năm 2016, các đơn vị đã thoái được 2.921 tỷ đồng, thu về 5.767 tỷ đồng. Trong đó các Tập đoàn, Tổng công ty đã thoái được 381 tỷ đồng, thu về 424 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (Chứng khoán, Bảo hiểm, Ngân hàng – Tài chính, Bất động sản, Quỹ đầu tư). Riêng SCIC đã bán 1.277 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 3.374 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo mất thương hiệu khi thoái vốn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO