Lo ngại bệnh học đường

Phương Linh 09/09/2018 09:00

Theo các chuyên gia y tế, bệnh học đường là bệnh mà học sinh mắc phải trong quãng thời gian đi học, có liên quan đến điều kiện vệ sinh, ánh sáng, độ chuẩn mực của phòng học, bàn ghế nơi các em học tập, chủ yếu là các bệnh, tật như: tật khúc xạ (chủ yếu là cận thị), cong vẹo cột sống, rối loạn tâm lý... Những năm gần đây, nguy cơ gia tăng bệnh học đường đang là nỗi lo của các bậc phụ huynh.

Lo ngại bệnh học đường

Ảnh minh họa.

Cong vẹo cột sống

Năm học mới đã chính thức bắt đầu. Áp lực sĩ số ở các thành phố lớn là vấn đề được nhắc đến nhiều trong những ngày qua. Ghi nhận tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội cho thấy, do số lượng học sinh quá đông nên ở nhiều lớp mỗi bàn học được bố trí đến 3 học sinh ngồi, bàn đầu thường được kê sát bục giảng, bàn cuối thì sát tường khiến các em gặp khó khăn khi viết bài cũng như tham gia các hoạt động của lớp. Nhiều em học sinh lớp 1, mới làm quen với trường lớp đã cảm thấy mệt mỏi, chân tay rã rời chỉ vì lớp quá đông, khoảng cách bàn ghế quá chật hẹp. Cùng với đó, bàn ghế học tập ở nhiều trường thường không đảm bảo tiêu chuẩn, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của học sinh.

Kết quả điều tra của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thời gian qua cho thấy, tỷ lệ học sinh Việt Nam bị mắc bệnh cong vẹo cột sống chiếm tỷ lệ 15% - 25%. Phần lớn nguyên nhân là do kích thước bàn ghế không phù hợp với chiều cao học sinh, ngồi học không đúng tư thế, học sinh thường nằm, quỳ, nghiêng khi học bài, mang vác cặp sách, ba lô nặng... gây áp lực lên cột sống khiến cột sống không phát triển bình thường.

Theo BS Lỗ Văn Tùng- Trưởng khoa Vệ sinh và Sức khỏe trường học (Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế) để phòng ngừa bệnh cong vẹo cột sống, cách tốt nhất là hướng dẫn học sinh ngồi học đúng tư thế, lưng thẳng, đầu ngẩng, không ngồi vẹo lệch sang một bên. Bàn ghế phải có kích thước phù hợp với trẻ (không cao quá hoặc thấp quá), hạn chế cho trẻ mang vác những vật nặng, tập luyện thể thao với cường độ cao. Ngoài ra, cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để hệ xương của trẻ phát triển chắc khỏe, nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và bổ xung canxi đều đặn.

Gia tăng tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ

Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra, hiện nhiều học sinh nước ta đang mắc tật khúc xạ (cận thị, loạn thị và viễn thị). Điều tra của Bệnh viện Mắt trung ương cho thấy: Việt Nam hiện có trên 3 triệu học sinh (độ tuổi 6 - 15) bị mắc các tật khúc xạ cần phải điều trị, trong đó 2/3 là bị cận thị, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị.

Thống kê mới đây của Bộ Y tế cho thấy, học sinh bị khúc xạ học đường tại Việt Nam chủ yếu bắt đầu từ 6 tuổi đến hơn 18 tuổi (chiếm hơn 70%). Đây cũng là độ tuổi mà cận thị phát triển nhanh nhất. Theo các chuyên gia, tật cận thị chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân khách quan và có thể phòng tránh được.

Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trên 3 giờ mỗi ngày, mắt sẽ có nguy cơ bị suy giảm thị lực 90%. Trong khi đó, theo thống kê tại Việt Nam, trung bình mỗi người hiện sử dụng màn hình các thiết bị điện tử gần 10 giờ một ngày (dùng máy tính bảng 5 giờ 10 phút, điện thoại 2 giờ 40 phút, xem tivi 2 giờ). Việc xem các thiết bị điện tử vượt gấp nhiều lần chuẩn cho phép được cho là nguyên nhân khiến tỉ lệ bị bệnh về tật khúc xạ học đường tăng cao.

Theo BS Phạm Ngọc Đông- Phó giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương, cho biết Tật khúc xạ do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó nguyên nhân chính là việc học sinh ngồi học thiếu ánh sáng, ngồi sai tư thế thời gian dài, dinh dưỡng chưa đáp ứng, thời gian học tập căng thẳng và liên tục, không cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn. Cùng với đó, việc nhiều trẻ lạm dụng máy tính, chơi game, xem tivi quá nhiều cũng khiến cho tật khúc xạ ngày càng tăng.

Theo khuyến cáo của BS Đông, khi đã mắc tật khúc xạ thì cần cho trẻ đeo kính, chỉnh kính đúng số và tái khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa mắt, tránh những biến chứng có thể xảy ra do việc không đeo kính hoặc đeo kính không chuẩn xác. Ngoài ra, để phòng tránh tật khúc xạ tuổi học đường, học sinh cần được thiết lập chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ 1 giờ phải nghỉ 10 - 15 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút/lần, không ngồi quá gần màn hình. Đồng thời việc điều chỉnh tư thế ngồi học ngay từ bậc tiểu học cần được đặc biệt chú ý, rèn giũa để thành thói quen ngay từ nhỏ.

Nguy cơ lây lan nhiều bệnh

Thời điểm năm học mới bắt đầu cũng là khoảng thời gian cao điểm của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó đáng lo ngại nhất là sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng và đau mắt đỏ. Tại Hà Nội, tính tới hết tháng 8-2018 đã ghi nhận khoảng 400 ca mắc sởi, tăng hơn 4 lần so với cả năm 2017. Cùng với đó, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng đang gia tăng nhanh với hàng chục trường hợp mắc mới được ghi nhận mỗi tuần. Đặc biệt, tại nhiều trường học ở Hà Nội những ngày đầu năm học mới số học sinh nghỉ học vì đau mắt đỏ khá nhiều.

Ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết bệnh tay chân miệng, thường tăng mạnh, bùng phát vào mùa tựu trường là do bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn thông qua việc tiếp xúc. Còn bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay; cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguời bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt…; dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối... Đặc biệt, cách lây nhiễm phổ biến là qua đường hô hấp. Khi người bệnh nói chuyện hoặc ho, nhảy mũi sẽ bắn ra những hạt nước có mang virus và lây cho người lành. Một lần hắt hơi có thể đem virus bệnh bắn xa tới 7 m. Đó là một trong những nguyên nhân lây bệnh.

Để phòng bệnh tay chân miệng, đau mắt đỏ, các cơ sở giáo dục phải vận động học sinh thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, rửa tay bằng xà phòng. Các trường học phải bố trí đủ bồn rửa tay có vòi nước và xà phòng ở những vị trí thuận lợi cho học sinh rửa tay. Đối với trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo ngại bệnh học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO