Lo ngại cúm A/H1N1

Ngọc Hải 19/09/2018 13:00

Cúm A/H1N1 lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Lo ngại cúm A/H1N1

Tại Trà Vinh vừa có thêm một trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 vào ngày 14/8. Đây là trường hợp tử vong thứ 2 do nhiễm cúm A/H1N1 trên địa bàn tỉnh. PGS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, các ca bệnh cúm A/H1N1 có sự gia tăng hơn các năm trước, nguyên nhân là do tỷ lệ tiêm ngừa thấp…

Theo ông Nguyễn Văn Lơ- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh, bệnh nhân tử vong là Nguyễn Thị Mừng (82 tuổi, ngụ xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần). Đây là trường hợp tử vong thứ 2 do nhiễm cúm A/H1N1 trên địa bàn tỉnh. Bà Mừng khởi bệnh với triệu chứng sốt cao, bí tiểu. Ngày 30/7, bà nhập viện Đa khoa Trà Vinh với chẩn đoán ban đầu viêm phổi, nhồi máu cơ tim. Đến ngày 9/8, bệnh nhân diễn biến bệnh nặng, người nhà xin đưa bệnh nhân về nhà và bà Mừng tử vong chiều cùng ngày. Theo kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TPHCM, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Nguyễn Thị Mừng dương tính với cúm A/H1N1.

Theo ông Lơ, ngay sau khi xuất hiện trường hợp nhiễm cúm A/H1N1, đơn vị phối hợp với địa phương thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phun hóa chất Cloramin B tại nhà bệnh nhân và cấp hóa chất Cloramin B, xà phòng cho những hộ xung quanh, hướng dẫn cách pha hóa chất khử trùng đồ vật trong nhà. Đồng thời, vận động người dân vệ sinh các đồ vật trong nhà hàng ngày bằng các hóa chất thông thường, rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân nghi cúm.
Trước đó, trong tháng 6-2018, liên tiếp 2 chùm ca bệnh cúm A/H1N1 xuất hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh).

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 230.000 trường hợp mắc cúm gồm các chủng A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Số ca mắc cúm tập trung chủ yếu ở miền Bắc - nơi có khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của cúm mùa với 131.000 trường hợp - nhưng số người tử vong lại nhiều ở miền Nam.

Mặc dù chưa ghi nhận sự biến đổi về độc lực của chủng virus cúm A/H1N1 nhưng với hàng trăm ca nhiễm cúm, trong đó gần 10 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam, giới chuyên môn cho rằng đây là hiện tượng rất cần được lưu tâm. Nếu trước đây, cúm mùa thường dễ mắc và lây lan vào mùa đông xuân thì những năm gần đây, bệnh xuất hiện quanh năm.

Về nguyên nhân gia tăng bệnh cúm A/H1N1, PGS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, do tỷ lệ tiêm ngừa thấp. Hiện tỷ lệ tiêm ngừa cúm của Việt Nam chỉ đạt dưới 1% tổng dân số.

Cúm A/H1N1 lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ.

Theo các bác sĩ, đa số các trường hợp bệnh cúm có các dấu hiệu nhẹ như sốt cao trên 38 độ C, ho, đau họng, đôi khi cảm thấy mệt mỏi, sổ mũi, đau nhức đầu, đau cơ. Nếu không có nguy cơ diễn biến nặng, người bệnh có thể được điều trị tại nhà và tự khỏi trong vài ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo ngại cúm A/H1N1

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO