Lò xo bị nén sẽ bật lên mạnh mẽ

Nguyên Khánh 26/04/2020 08:00

Phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, kể từ ngày 23/4, cả nước tạm ngừng giãn cách xã hội. Tại thời điểm này, cùng với phòng dịch bệnh thì nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là phục hồi kinh tế. Phải đưa ra các giải pháp căn cơ để kinh tế đất nước như “lò xo bị nén sẽ bật lên mạnh mẽ”.

Lò xo bị nén sẽ bật lên mạnh mẽ

Trong khó khăn do dịch bệnh gây ra, thì các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn tiếp diễn. Ảnh: Quang Vinh.

Không sợ hãi

Thế là cuộc tổng tấn công “rượt đuổi” giệt “giặc Covid-19 đã đem lại hiệu quả nhất định khi mà cả hệ thống chính trị đồng lòng vào cuộc. Tuy nhiên, còn một cuộc “rượt đuổi” thời gian để phát triển kinh tế cũng không kém phần quan trọng. Bởi hai cuộc rượt đuổi này, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “nếu chưa đồng tốc thì đất nước chưa hết lâm nguy”.

Không thể để nền kinh tế bị đứt gẫy, ngay từ tháng 1 khi chúng ta quyết liệt đưa ra các giải pháp đánh “giặc” Covid thì Thủ tướng cũng đã yêu cầu thành lập các đội phản ứng nhanh để duy trì đà phát triển của nền kinh tế. Bởi nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp vực dậy nền kinh tế dẫn đến sự đổ vỡ, thất nghiệp, cùng nhiều hệ lụy khác có thể xảy ra.

Ngày 10/4, khi chủ trì cuộc họp Chính phủ với địa phương, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh đến yêu cầu, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập các Ban Chỉ đạo để kịp thời biến nguy cơ thành thời cơ, nhất là đối với các tỉnh, thành phố là động lực, đầu tàu phát triển của các vùng và cả nước.

Tình thế đã rất cấp bách. Đầu tàu TP Hồ Chí Minh, nơi luôn dẫn đầu cả nước về GDP, nhưng quý I năm nay đã xuống thấp ở mức chưa từng có trong nhiều năm, khi chỉ tăng 0,42% với 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu của Thành phố đều ở mức tăng trưởng âm. “Rất lo khi nhìn số tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh quý I chỉ đạt 0,42% so với cùng kỳ, cùng kỳ tăng hơn 7%”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân quả quyết, “trong quý II khôi phục lại sản xuất kinh doanh. Kết quả phòng, chống dịch của cả nước và TP Hồ Chí Minh ngày càng tốt hơn, theo đó điều kiện phục hồi sản xuất, thương mại sẽ từng bước tốt hơn”.

Đầu tàu Hà Nội, kinh tế tăng trưởng 3,72%, bằng hơn một nửa so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động tăng 36%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 18,1%… Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ hứa “sẽ đưa kinh tế bật lên đúng như Thủ tướng nói là “như chiếc lò xo đang bị nén”, đi lên theo hình chữ V chứ không phải theo hình chữ U”. Ông Huệ cho biết Hà Nội đang cố gắng “nạp năng lượng” để duy trì tăng trưởng và sẵn sàng phục hồi mạnh sau khi dịch kết thúc. Thủ đô sẽ phấn đấu tăng trưởng ít nhất là cao gấp 1,3 lần tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.

Nhắn nhủ các địa phương “đừng ngủ quên trong nỗi sợ”, Thủ tướng khẳng định, “có sự hợp lực mạnh mẽ của các địa phương thì nền kinh tế đi lên. Địa phương mạnh, Trung ương sẽ mạnh”.

Trong suốt 4 năm giữ cương vị Thủ tướng, thường trực nỗi trăn trở với việc thiết lập các chính sách phân cấp mạnh, tạo điều kiện tối đa cho địa phương phát huy nội lực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn tin các địa phương sẽ không phụ lòng ông.

Đã bắt đầu những dấu hiệu đồng tốc của hai cuộc rượt đuổi. Bốn tháng đầu năm 2020, sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn tăng 4%, ước đạt hơn 215,3 triệu tấn. Trong đó, Quảng Ngãi là khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông quan tăng 61%, cao nhất cả nước; Quảng Trị tăng 46%; một số khu vực cảng biển như Nam Định, Cần Thơ, Đà Nẵng cũng ghi nhận mức tăng tương đối cao, từ 27 - 36%...

Tháng 5 này, Hải Phòng sẽ có hàng loạt các dự án, công trình trọng điểm dự kiến khánh thành, khởi công. Hải Phòng cũng là địa phương thành công cả hai cuộc rượt đuổi. Địa phương này chưa từng có ca nhiễm bệnh nào và tăng trưởng kinh tế quý I của Hải Phòng đạt 14,9%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 23%, đều gấp 3,9 lần so với bình quân chung cả nước…

Vươn lên mạnh mẽ

Tại các cuộc họp bàn đưa ra các giải pháp chống dịch Covid-19 cũng như tìm giải pháp thúc đẩy phục hồi sản xuất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn khẳng định: Các bộ ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp toàn diện để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh và chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận các cơ hội sau dịch bệnh, như “chiếc lò xo bị nén lại để bung ra”.

Trong cuộc làm việc trực tuyến với các địa phương, nhấn mạnh tinh thần “dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba”, Thủ tướng cho biết sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn hoãn nợ, cho chậm nộp, kể cả thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Do đó nhiều gói hỗ trợ chưa từng có trong lịch sử đã và đang được triển khai mạnh mẽ để “cứu” doanh nghiệp, để hỗ trợ người dân, người lao động đồng lòng cùng Chính phủ vượt qua đại dịch và nỗ lực phục hồi sản xuất, để Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực cũng như trên thế giới.

Về các kịch bản phục hồi kinh tế, xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết. Bộ trưởng Dũng chỉ ra một số việc cần triển khai ngay trong thời gian tới, trong đó chú trọng giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.

Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Tiếp tục giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung giảm các loại phí, giá dịch vụ; mở rộng đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất... Đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thương mại trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu các kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong đó chú trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững.

Lò xo bị nén sẽ bật lên mạnh mẽ - 1

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Kịch bản trúng, đúng để vực dậy kinh tế sau đại dịch

Phải chủ động chuẩn bị kịch bản đúng và trúng, khi đó nhất định chúng ta sẽ vượt qua thách thức và vực dậy nền kinh tế sau đại dịch. Thế giới đang thay đổi, nền kinh tế Việt Nam đang thay đổi rất nhiều. Sau dịch bệnh, chúng ta sẽ thấy rằng vấn đề giao thương giữa con người với nhau, giữa các quốc gia với nhau sẽ thay đổi toàn diện. Do đó, việc tái đào tạo và đào tạo mới cho cán bộ nhân viên, nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế mới là vô cùng quan trọng. Cần có sự điều chỉnh các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phải đa dạng hóa thị trường, dù hiện nay cũng khó nói đa dạng hóa thị trường khi cả thế giới đóng băng. Nhưng kịch bản cho đa dạng hóa thị trường là cần thiết, để tránh bài học của quá khứ khi quá tập trung vào một thị trường lớn. Bên cạnh đó cũng cần thực hiện những hành động gọi là chớp thời cơ. Tôi lấy ví dụ như là trong dịch bệnh vẫn có những cơ hội, ngành dệt may thì chuyển sang may khẩu trang chẳng hạn…phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh; tránh ngăn sông cấm chợ cực đoan ở một số địa phương.

Đặc biệt, cần ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chi trả kịp thời bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc; trợ cấp cho người nghèo, cá nhân và hộ kinh doanh gặp khó khăn. Cần ban hành những chính sách mới hỗ trợ có hiệu quả theo hướng tổng thể và đồng bộ, qua đó, để tạo sức bật cho những đầu tầu của nền kinh tế, các doanh nghiệp tiếp tục trụ vững và phát triển sau đại dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lò xo bị nén sẽ bật lên mạnh mẽ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO