Loại bỏ thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp

Nguyên Khánh 02/05/2018 08:00

Chỉ trong tuần đầu tiên của quý II/2018, các bộ, ngành liên tục công bố phương án cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đã cho thấy mục tiêu Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), một Chính phủ lắng nghe, hành động, chính quyền vì dân phục vụ đã và đang trở thành hiện thực.

Loại bỏ thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp

Giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh vẫn cần được đẩy mạnh hơn.

Bộ Y tế cho biết, sẽ cắt giảm 1.151 ĐKKD đạt 68,51%. Bộ NNPTNT cắt giảm 131 ĐKKD, tức là trên 76%. Bộ GTVT công bố cắt giảm, đơn giản 384 điều kiện, tương đương 67%. Không chỉ công bố cắt giảm ĐKKD đúng hạn mà tỷ lệ cắt giảm đều vượt khá nhiều so với mức tối thiểu 50% mà Chính phủ đưa ra đã cho thấy nỗ lực vượt bậc của các bộ, ngành.

Đáng chú ý, các bộ, ngành đã mạnh dạn hơn trong danh sách cắt giảm các ĐKKD được coi là rào cản cho sự phát triển. Như Bộ GTVT đã đề xuất bỏ 4 ngành kinh doanh có điều kiện. Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ 5 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Bỏ một ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hàng loạt các ĐKKD đi kèm đương nhiên bị bãi bỏ. Một ĐKKD cắt giảm cũng đồng nghĩa rất nhiều TTHC được bãi bỏ. Những nỗ lực cải cách như vậy chắc chắn sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế khi các thủ tục này chính thức được cắt bỏ.

Để cắt giảm những ĐKKD này không hề đơn giản, bởi cắt thủ tục tức là các bộ ngành phải nhận cái khó về mình mà không thể đẩy cái khó cho DN, người dân như trước đây nữa. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 về quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP là một ví dụ sinh động về quyết tâm cắt, chặt những điều kiện được coi là gây khó cho DN.

Tuy nhiên, dù nhiều bộ ngành đã rất cố gắng cắt giảm ĐKKD nhưng vẫn chưa có sự đồng đều của nhiều cơ quan, đơn vị. Chẳng hạn, về yêu cầu rà soát, đề xuất cắt giảm 50% danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các Bộ quản lý chuyên ngành. Thế nhưng theo thông tin Bộ KHĐT nhận được cho đến nay, mới chỉ một số bộ rà soát và có phương án cắt giảm danh mục.

Cụ thể là Bộ Xây dựng cắt giảm và đề xuất cắt giảm 39 mặt hàng/64 mặt hàng thuộc 10 nhóm sản phẩm. Bộ Y tế cắt giảm 7 loại sản phẩm/802 mặt hàng; giảm 95% lô hàng phải kiểm tra ATTP. Bộ Khoa học và công nghệ cắt giảm 24/26 nhóm sản phẩm, hàng hoá. Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất cắt giảm 50/143 mặt hàng. Bộ NNPTNT đề xuất cắt giảm một số loại hàng hóa thuộc Danh mục vật thể kiểm dịch thực vật và 4 nhóm sản phẩm động vật trên cạn, 9 nhóm sản phẩm thủy sản thuộc Danh mục kiểm dịch động vật…Còn lại những Bộ quản lý chuyên ngành khác chưa có phương án cắt giảm.

Nhận định của Bộ KHĐT, những kết quả về rà soát, đề xuất cắt giảm danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành nêu trên chủ yếu là kết quả tổng hợp từ cuối năm 2017 và chưa có nhiều chuyển biến trong quý I-2018. Kết quả cũng còn thấp xa so với yêu cầu của Chính phủ. Số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành giảm chưa đáng kể so với mục tiêu là giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa (không phải là nhóm hàng hóa) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Điều đó chứng tỏ các bộ chưa quyết liệt triển khai nhiệm vụ này. Những vướng mắc trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành như danh mục mặt hàng nhiều, quản lý chồng chéo, quản lý không theo nguyên tắc rủi ro, chi phí kiểm tra chuyên ngành lớn,… vẫn đang gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Nói như PGS.TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế thì “Tôi đi địa phương nhiều có tình trạng trên trải thảm đẹp lắm nhưng dưới lại rải đinh nhiều. Đến tỉnh nào cũng nói kiên quyết phải nhổ từng cái đinh một, nhổ đến cái đinh cuối cùng. Nhưng đinh đóng rồi khó nhổ lắm, và còn phụ thuộc trên có cho nhổ hay không”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loại bỏ thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO