Loại bỏ ‘virus trì trệ’, đề cao ‘vaccine ý thức’

Nam Việt 13/04/2021 06:10

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi chưa thể tiêm phòng Covid-19 cho tất cả mọi người bằng vaccine y tế thì vẫn hiện hữu một loại vaccine khác hiệu quả. Đấy chính là “vaccine ý thức”. Đó cũng chính là chủ trương “5K + vaccine” ở giai đoạn mới trong cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam.

Được biết, trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 60 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) sẽ chuyển giao 30 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca và 30 triệu liều vaccine phòng Covid-19 từ COVAX (Liên hợp quốc).

Tới nay, chúng ta đang triển khai tiêm chủng 117.600 liều cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tại 13 tỉnh/thành phố. Kể từ đầu năm 2020 tới nay, Việt Nam đã trải qua 3 đợt bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng. Cả 3 lần ấy, chúng ta đều đã vượt qua bằng rất nhiều quyết tâm, quyết đoán, nỗ lực và sự đồng thuận, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Đó là bài học vô cùng quý giá để chúng ta tiếp tục đối diện với khó khăn, thách thức.

Điều đặc biệt quan trọng là với quyết sách sáng suốt vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế, hơn 1 năm qua nền kinh tế nước nhà đã không gẫy đổ, không suy sụp. Trong khi thế giới rơi vào khủng hoảng, âm GDP toàn cầu 4% trong năm 2020 thì Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%; xuất siêu hơn 19 tỉ USD. Một vấn đề cực kỳ quan trọng nữa là không người Việt Nam nào bị bỏ lại phía sau trong đại dịch. Ai cũng được chăm sóc y tế, hỗ trợ kinh tế để không bao giờ rơi vào bi kịch - điều mà nhiều quốc gia không làm được.

Trước Tết Nguyên đán, những ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Hải Dương, Quảng Ninh và một số địa phương khác khiến cả nước lo lắng. Nhưng rồi, bằng rất nhiều biện pháp tổng hợp, chúng ta đã nhanh chóng truy vết, khoanh vùng, phong tỏa, dập dịch một cách triệt để. Tâm dịch vùng Hải Dương cũng đã trở lại cuộc sống bình thường như trước dịch. Tới nay, đã 20 ngày cả nước không xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng (đợt bùng phát dịch thứ 3). Đó là thành công rất lớn.

Nhưng, ở đây, cũng rất cần nói đến việc liệu chúng ta có chủ quan không khi đã có có nhiều thành công và tiêm chủng vaccine ngừa Covdi-19 đã và đang được triển khai, cũng như tiến độ sản xuất vaccine Covid-19 trong nước đang được đẩy nhanh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho dù vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm chủng tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu. “Không được chủ quan trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 ngay cả khi số ca mắc mới có thể giảm và vaccine ngừa đại dịch này đang được lưu hành trên toàn thế giới”- cảnh báo từ WHO.

Đáng chú ý, theo WHO, trong vòng 6 tuần qua (trong vòng 100 ngày thế giới bắt đầu tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19) thì số người nhiễm SARS-CoV-2 vẫn tăng, số ca tử vong không giảm. Các nước châu Âu vẫn chưa vượt thoát đỉnh dịch, ngay đến nước Pháp thì cũng lại phải tái phong tỏa trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, Ấn Độ, quốc gia tỉ dân, đứng thứ hai toàn cầu chỉ sau Trung Quốc thì số ca nhiễm mới phát hiện vẫn gia tăng.

Trong tình thế đó, Việt Nam cũng không thể “vô can”. Chính vì thế, việc tiếp tục những biện pháp phòng dịch vẫn rất cần thiết. Nhưng, điều đó có vẻ như mâu thuẫn với việc mở cửa nền kinh tế, trong đó có việc nối lại các đường bay thương mại quốc tế và du lịch.

Về việc nối lại các đường bay thương mại quốc tế, một số ý kiến cho rằng trong khi thế giới vẫn vùng vẫy bởi đại dịch, thì chưa nên mở cửa bầu trời. Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng, vào thời điểm này nếu chúng ta không mạnh dạn nối lại các đường bay thương mại quốc tế, thì sẽ chậm chân. Cũng có nghĩa là cơ hội bứt phá sẽ đi qua. Việc nối lại các đường bay thương mại quốc tế gắn chặt với hoạt động du lịch: “Xoay trục” khai thác khách nội địa là đúng nhưng nếu tiếp tục bỏ qua du khách quốc tế thì cũng không phải là cách làm hay.

Cho tới nay, dù dịch Covid-19 được chúng ta khống chế tốt (không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, các ca xâm nhập từ bên ngoài lập tức được cách ly, số ca bệnh nặng Covid-19 ít, số ca tử vong rất ít), nhưng giới chuyên gia y tế vẫn tiếp tục khuyến cáo: Vẫn phải tiếp tục thực hiện chủ trương 5K + vaccine.

Nói điều này để thấy, gần đây không ít địa phương sốt ruột mở cửa nên đã lơ là (kể cả bỏ qua) các biện pháp chống dịch. Không bó tay thúc thủ mặc cho cơ hội đi qua, nhưng cũng không thể tự tin thái quá là chúng ta đã yên hàn trước đại dịch, từ đó dẫn tới buông thả. Cả hai cách nghĩ, cách hành xử ấy đều không đúng.

Cho nên mới nói, cùng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, với “vũ khí” vaccine, thì còn một thứ vaccine khác để chống Covid-19: Xin được tạm gọi đó là “vaccine ý thức”. Nếu như chúng ta đã từng loại bỏ được “virus trì trệ” thì nay phải đề cao “vaccine ý thức” như một biện pháp cực kỳ quan trọng thời hậu Covid.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loại bỏ ‘virus trì trệ’, đề cao ‘vaccine ý thức’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO