Loại lực cản, tăng sức cạnh tranh

Nguyên Khánh 10/06/2017 08:00

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 26/CT-TTg về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp. Trước đó, ngày 3/6 NQTƯ 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cũng chỉ rõ: Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển DN và đội ngũ doanh nhân Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng sức cạnh tranh của DN trong nước. Thậm chí có một Nghị quyết riêng, Nghị quyết số 35/NQ-CP với nhiệm vụ riêng biệt, hỗ trợ và phát triển DN.

Sau hơn một năm kể từ khi ban hành đã tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức của bộ máy công quyền với tinh thần phục vụ và hỗ trợ phát triển DN. Từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN cũng như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, dù đã thu được những kết quả đáng khích lệ như vậy nhưng “vẫn còn khoảng cách giữa chính sách và thực thi ở nhiều lĩnh vực nổi cộm như, thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu, thuế, hải quan, giấy phép con, tiếp cận đất đai, vốn, tài nguyên, công tác thanh tra kiểm tra DN còn chồng chéo... khiến DN vẫn gặp khó khăn.

Không khó sao được khi mà thủ tục thuế được coi là một trong những ngành ghi điểm cao về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính vẫn bị DN đánh giá là họ chưa hài lòng.

Đánh giá cải cách thủ tục hành chính năm 2016 có tới 34% DN khi được hỏi đã trả lời rằng, họ mất nhiều khoản chi cho các chi phí không chính thức. 53% DN khẳng định bị cơ quan thuế yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ. Có 39% DN cho biết, họ bị kéo dài thời gian làm thủ tục và có 16% cho rằng thái độ của cán bộ thuế không văn minh lịch sự.

Một vấn đề gây bức xúc với cộng đồng DN nữa đó là tình trạng thanh kiểm tra chồng chéo của các cơ quan chức năng khiến DN “mướt mồ hôi”.

Trong 2 năm, có DN phải tiếp đến 30 đoàn đến thanh, kiểm tra từ rất nhiều ban ngành, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 trong đó nhấn mạnh mỗi năm chỉ được thanh tra, kiểm tra DN một lần.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa XII, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg tiếp tục loại bỏ lực cản gây khó cho DN. Chỉ thị đã phân rõ từng việc cho cơ quan, ban ngành cụ thể nhấn vào những điểm còn gây khó dễ cho DN và yêu cầu các cơ quan này phải có thời hạn rõ ràng để khắc phục những điểm hạn chế đang là rào cản gây khó dễ cho DN.

Chẳng hạn, Bộ Tài chính phải rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các bộ, cơ quan liên quan để giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí thực hiện cho DN, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch xây dựng dự án Luật sửa các luật về thuế trong Quý III/2017”.

Bộ này cũng phải đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành theo nguyên tắc quản lý rủi ro; áp dụng chế độ ưu tiên trong kiểm tra; chuyển thời điểm kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa (kể cả kiểm tra hiệu suất năng lượng và an toàn thực phẩm) đang trong giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau thông quan (trừ kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu có độ rủi ro cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ảnh hưởng đến môi trường và an ninh, quốc phòng)...

Tất cả những vấn đề này sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý III/2017. Vấn đề chi phí chính thức lẫn không chính thức đang đè nặng DN cũng được người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo rốt ráo.

Với tinh thần “năm 2017 là năm giảm phí cho DN”, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các khoản phí có liên quan trực tiếp đến chi phí của DN để xem xét giảm mức phí, chi phí đầu vào cho DN. Việc giảm phí thế nào, giảm bao nhiêu, với loại phí nào sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát trong tháng 7-2017.

Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nêu rõ: “Thực hiện nhất quán một chế độ pháp lý kinh doanh cho các DN, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế. Mọi DN thuộc các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật. Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển DN và đội ngũ doanh nhân Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế”.

Theo đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đầu tư, kinh doanh, nhất là về đầu tư công, đấu thầu; bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh của các chủ thể kinh tế đã được Hiến pháp quy định; Xóa bỏ các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh;Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Hoàn thiện các quy định liên quan để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động khởi nghiệp.

Đón nhận tin vui từ những thể chế, chính sách với tinh thần ưu tiên tối đa cho DN phát triển, TGĐ công ty cổ phần cơ điện lạnh REE Nguyễn Thị Mai Thanh cho rằng: Nghị quyết 35, Chỉ thị 26 là món quà của Chính phủ đem đến cho DN.

“Chúng tôi tin rằng những cam kết mà Thủ tướng đã khẳng định với DN sẽ biến thành hành động, như bình đẳng, công bằng với mọi thành phần kinh tế, không phân biệt DN công - tư, giảm mọi loại thuế phí đè nặng DN, giảm thanh tra, kiểm tra “hành” DN… Chắc chắn DN sẽ yên tâm đầu tư, tiếp tục dấn thân vì Việt Nam giàu mạnh”.

Sở dĩ DN có niềm tin bởi những Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ được ban hành sẽ biến thành hành động. Tất nhiên, điều này có tác động rất lớn đến đội ngũ công quyền trong hành xử, làm việc với DN. Bởi Nghị quyết, Chỉ thị nêu rõ: “Những cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm, chậm trễ, gây phiền hà cho DN sẽ bị xử lý nghiêm minh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loại lực cản, tăng sức cạnh tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO