Loạt sai phạm tại các gói thầu của Bộ Y tế thời điểm 'đỉnh' dịch Covid-19

Quang Thành 03/01/2023 12:12

Theo kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ, một số gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine,... tại Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc có sai sót, vi phạm về trình tự thủ tục thực hiện, hồ sơ dự thầu, giá trị dự toán.

Một số gói thầu của Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc có sai phạm. Ảnh minh họa
Một số gói thầu thời điểm đỉnh dịch Covid-19 của Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc có sai sót, vphạm. Ảnh minh họa.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Văn Minh vừa ký ban hành thông báo kết luận thanh tra số 2323/TB-TTCP về việc mua sắm trang thiết bị, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế.

Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2020 đến 31/12/2021. Đây là giai đoạn dịch bùng phát nghiêm trọng, tác động đến tính mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngành y tế là lực lượng tuyến đầu đã vượt qua khó khăn, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để khống chế, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đưa Việt Nam trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo TTCP, bên cạnh những kết quả đạt được, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế và một số đơn vị thuộc Bộ còn có nhiều thiếu sót, sai phạm.

Nhiều gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế vướng sai phạm

Tại thông báo kết luận thanh tra, TTCP chỉ rõ, Bộ Y tế chưa thực hiện mua sắm tập trung đối với danh mục tài sản do Bộ ban hành theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ và Luật Đấu thầu; có thiếu sót khi ban hành Quyết định số 1367/QĐ-BYT ngày 23/2/2021 bãi bỏ danh mục tài sản mua sắm tập trung của Bộ nhưng không gửi các đơn vị trực thuộc và Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi, dẫn đến một số gói thầu bệnh viện trực tiếp mua sắm chưa được Kho bạc Nhà nước chấp nhận thanh toán, nhà thầu đề nghị tính lãi chậm trả. Sau khi Thanh tra Chính phủ dự thảo Kết luận thanh tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế báo cáo việc chi trả hợp đồng mua sắm 400 máy thở của BV Phổi TW đã được Bộ Tài chính phân bố kinh phí tại Văn bản số 5281/BTC-HCSN ngày 07/6/2022 và được Kho bạc giải ngân thanh toán.

Việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) sử dụng các hợp đồng mua sắm hàng hóa tương tự không đáp ứng thời hạn quy định để xây dựng giá gói thầu, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính (41 gói thầu của 04 bệnh viện). Việc thẩm định KHLCNT có trường hợp chưa theo đúng quy định của Bộ Y tế; một số trường hợp dự toán kinh phí giao chưa kịp thời theo quy định.

Việc thẩm định, phê duyệt giá gói thẩu và phê duyệt KHLCNT của Bộ Y tế đối với các gói thầu (gồm: Hệ thống nội soi phế quản, model CV-170 của hãng Olympus tại BVTW Huế, BVTW Thái Nguyên; Máy X-Quang di động kỹ thuật số, model FRD Nano/DR-XD1000 của hãng Fujifim tại BV Phổi TW, BVTW Huế) có dấu hiệu vi phạm Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo kết quả thanh tra, ngày 1/8/2021, Bộ Y tế có quyết định số 3658/QĐ-BYT, giao Bệnh viện K mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch với kinh phí bổ sung hơn 1.150 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, việc mua sắm chưa được thực hiện, có thể ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Việc đăng tải KHLCNT và kết quả lựa chọn nhà thầu còn nhiều trường hợp bị chậm, không đảm bảo theo khoản 1 Điều 8 Thông tư số 10/2015/TT- BKHĐT, khoản 1 Điều 17 Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ KH&ĐT và điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ làm ảnh hưởng đến việc công khai giá mua trang thiết bị y tế, việc tham khảo giá để mua sắm.

Việc mua sắm sinh phẩm, kít xét nghiệm tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, Bệnh viện Trung ương Cần Thơ để xảy ra lãng phí nguồn vốn mua sắm số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.

Quá trình Bệnh viên Trung ương Cần Thơ thực hiện mua sắm thiết bị y tế theo Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt tại Quyết định số 1301/QĐ-BYT ngày 22/03/2020 của Bộ Y tế (18 gói thầu) có một số dấu hiệu bất thưởng, trong đó có 2 gói thầu (Gói thầu số 7 mua 1 hệ thống ECMO, giá trị 3.482 triệu đồng và Gói thầu số 18 mua 2 máy điện tim ≥ 6 kênh, giá trị 125,9 triệu đồng) vi phạm hành vi bị cấm trong đấu thầu.

Sau khi TTCP gửi dự thảo Kết luận thanh tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và BV Trung ương Cần Thơ có văn bản báo cáo giải trình, bổ sung thông tin.

Theo đó, đối với Gói thầu số 07, do nhà thầu không nhập khẩu được phụ kiện theo đúng xuất xứ của hợp đồng đã ký, theo yêu cầu của Bệnh viện, nhà thầu đã khắc phục nhận lại máy và hoàn trả toàn bộ số tiền được thanh toán theo hợp đồng. Bệnh viện đã nộp vào Ngân sách Nhà nước (NSNN) số tiền 3.482 triệu đồng. Đồng thời, đối với các gói thầu thuộc Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt theo Quyết định số 1301/QĐ-BYT mua sắm thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, các nhà thầu có đề nghị và đã nộp vào NSNN phần lợi nhuận nhà thầu thu được từ các gói thầu với tổng số tiền 4.025 triệu đồng, trong đó nhà thầu đã nộp NSNN toàn bộ kinh phí Gói thầu số 18, số tiền 125,9 triệu đồng.

Bên cạnh đó, hầu hết danh mục hàng hóa nhập khẩu trong các hợp đồng vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm tại 5 đơn vị (Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Bệnh viện Trung ương Cần Thơ, Viện Pasteur TP HCM) khi nhận đều không có đầy đủ các tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa nhập khẩu…

Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc trúng nhiều gói thầu của các Bệnh viện thuộc Bộ Y tế với quy mô và giá trị lớn; sau khi trúng thầu, Công ty không trực tiếp mua từ đơn vị nhập khẩu hoặc đơn vị ủy quyền mà mua qua nhiều đơn vị trung gian để cung cấp cho các Bệnh viện, dẫn đến giá TBYT bị nâng cao (đa số đơn giá TBYT trong hợp đồng của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc với các Bệnh viện cao gấp khoảng từ 2 đến 3,1 lần đơn giá nhập khẩu sau thuế) có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để nâng giá bán cao bất thường.

Nhập nhằng một số gói thầu được viện trợ

Theo kết luận, gói thầu thiết bị TB03, TB04 thuộc Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Ứng phó khẩn cấp đại dịch Covid-19 của Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới viện trợ tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương có sai sót, vi phạm về trình tự thủ tục thực hiện, hồ sơ dự thầu; giá trị dự toán, nghiệm thu lắp đặt sai quy định (Gói thầu TB03 là 189 triệu đồng; Gói thầu TB04 là 122 triệu đồng).

Ngoài ra, cũng theo TTCP, Bộ Y tế quản lý không chặt chẽ việc tiếp nhận vaccine từ Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam và việc tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC), dẫn đến VNVC giữ lại 73.504 liều vaccine để tiêm chủng (đã tổ chức tiêm 58.974 liều cho 68.099 người) không có trong kế hoạch tiêm chủng được phê duyệt của Bộ Y tế, không có sự kiểm soát của Bộ Y tế về đối tượng, quy trình theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 và mục đích tiêm phi thương mại theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTW) có văn bản đồng ý để VNVC được giữ lại 73.504 liều vaccine và tiếp nhận, phân bổ 1.067.700 liều vaccine (có hạn sử dụng ngắn đến 31/3/2022) cho các tỉnh, thành phố có nhu cầu để triển khai tiêm chủng là chưa phù hợp với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 77/TB-VPCP ngày 19/3/2022.

Hai nội dung trên đang được Bộ Y tế tiếp tục báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hàng nhập khẩu dùng nghiên cứu khoa học (RUO) và dùng trong phòng thí nghiệm (LUO) chỉ được sử dụng cho nghiên cứu và thí nghiệm, không được sử dụng trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, theo TTCP, 7/13 viện, bệnh viện thuộc Bộ Y tế sử dụng hàng RUO và hàng LUO không đúng mục đích sử dụng hàng nhập khẩu theo hướng dẫn của Bộ Y tế (chỉ được sử dụng cho nghiên cứu, thi nghiệm, không được sử dụng trong lĩnh vực y tế).

Sau khi TTCP gửi dự thảo Kết luận thanh tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế có văn bản khẳng định trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, sinh phẩm RUO, LUO được sử dụng chẩn đoán vi rút Sars-CoV-2 theo khuyến cáo, tiêu chí của WHO và US.CDC (sử dụng trong lĩnh vực y tế), đảm bảo chất lượng xét nghiệm.

"Bộ Y tế chịu trách nhiệm trong khẳng định về chuyên môn, tuy nhiên, Bộ Y tế đã không kịp thời điều chỉnh quy định, hướng dẫn cụ thể việc quản lý cấp phép nhập khẩu hàng RUO, LUO, nên việc thực hiện của đơn vị sử dụng và doanh nghiệp nhập khẩu hàng RUO, LUO không đúng với các văn bản Bộ Y tế đã ban hành trước đó gửi Tổng cục Hải quan và hướng dẫn doanh nghiệp về quản lý, sử dụng hàng RUO, LUO nhập khẩu, trách nhiệm thuộc Bộ Y tế", TTCP nêu rõ.

Với những sai phạm đã nêu, TTCP kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm nêu tại phần kết quả kiểm tra. Rà soát, hoàn thiện quy trình thẩm định, phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đảm bảo chặt chẽ, rõ trách nhiệm để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, sai phạm đã nêu tại phần kết quả thanh tra.

Thực hiện rà soát, làm rõ số lượng 73.504 liều vaccine VNVC đã giữ lại; kiểm tra việc tổ chức tiêm 58.974 liều vaccine cho 68.099 người của VNVC theo đúng đối tượng, quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo miễn phí theo quy định, trường hợp phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định; khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết dứt điểm việc để VNVC giữ lại vaccine và việc chi đạo phân bổ để triển khai tiêm chủng số lượng đang đề nghị giảm giá bằng hình thức cung ứng bổ sung số lượng theo hợp đồng giữa VNVC và Viện VSDTTW.

TTCP cũng yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra, chịu trách nhiệm về tính xác thực đối với báo cáo của BV Trung ương Cần Thơ liên quan đến các gói thầu mua sắm thiết bị y tế và việc khắc phục, thực hiện của nhà thầu đối với các gỏi thầu thuộc Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt theo Quyết định số 1301/QĐ-BYT ngày 23/3/2020 của Bộ Y tế, trường hợp có vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định; đồng thời Bộ Y tế chỉ đạo chấn chỉnh quản lý, xem xét, xử lý hành chính nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến gói thầu mua sắm thiết bị y tế có sai phạm tại BV Trung ương Cần Thơ.

Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành y tế báo cáo, tổng hợp số liệu (về số lượng, giá trị) hàng RUO, LUO đã mua sắm sử dụng, cung cấp số liệu đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm các doanh nghiệp nhập khẩu hàng RUO, LUO trực tiếp hoặc bán cho doanh nghiệp khác cung cấp cho các cơ sở y tế sử dụng trong lĩnh vực y tế không đúng mục đích sử dụng của hàng hóa nhập khẩu.

Yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành y tế khi nhận hàng hóa nhập khẩu là vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm,... từ nhà thầu phải có đầy đủ tài liệu hợp pháp để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa nhập khẩu; chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, vi phạm phát hiện qua thanh tra về công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loạt sai phạm tại các gói thầu của Bộ Y tế thời điểm 'đỉnh' dịch Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO