Loay hoay bài toán giá

Hải Nhi - Minh Phương 15/04/2020 08:00

Thịt lợn mỗi ngày một giá. Giá lợn hơi ngày 14/4 tiến sát mốc 90.000 đồng/kg. Câu hỏi đặt ra là tại sao Chính phủ đã chỉ đạo nhiều mà giá thịt lợn vẫn cố thủ ở mức cao? Trong khi đó, giá rau xanh cũng tăng.

Loay hoay bài toán giá

Loại nạc nọng của Meat Deli có mức giá 416.900/kg.

Thịt lợn: Bao giờ giá đi xuống?

Nhằm kéo giảm giá thịt lợn, mấy ngày qua, các siêu thị cũng đã có động thái giảm giá thịt lợn xuống từ 3-25% theo cam kết “đưa giá thịt lợn xuống mức hợp lý cho người tiêu dùng”, nhưng giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao. Như tại siêu thị BigC Thăng Long, mặc dù đã được giảm giá từ 8 - 11%, nhưng giá thịt nạc dăm và thịt nạc thăn là 149.000 đồng/kg, sườn non giá 169.000 đồng/kg. Đây là mức giá không rẻ, cao hơn giá thịt lợn tại các chợ dân sinh khoảng 15.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại.

Lý giải thực tế trên, theo bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Co.op Mart Hà Nội, hiện mức bán ra tại siêu thị không quá chênh lệch với giá lấy vào. Trong điều kiện kinh doanh khó khăn do dịch bệnh, hầu hết các mặt hàng đều được bán với giá bình ổn, lợi nhuận không cao nên chúng tôi chưa có đủ điều kiện để bỏ tiền túi để bù đắp. Bởi vậy, hiện Co.op Mart Hà Nội chỉ có thể giảm giá thịt lợn theo mức giảm của đầu mối cung cấp.

Ngày 14/4, ở nhiều tỉnh phía Bắc, giá lợn hơi tiến sát mốc 90.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Hà Nội thương lái báo giá lợn hơi ở mức 89.000 đồng/kg, giá lợn hơi ở Thái Nguyên đạt 88.000 đồng/kg. Từ đó dẫn đến giá thịt lợn vẫn neo rất cao: Bắp giò không xương 242.900đ/kg; Nạc dăm (nạc vai): 244.900đ/kg; sườn sụn: 309.900đ/kg; Sườn thăn: 289.900đ/kg… cá biệt loại nạc nọng giá lên tới 416.900đ/kg.

Theo TS Nguyễn Ngọc Hòa- nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, muốn kiểm soát giá thịt heo cần phải làm song song chiến lược 2 đầu: ngay tại cửa chuồng và đầu ra bán lẻ. Như vậy, người tiêu dùng mới có cơ hội được tiêu dùng thịt heo đúng giá, đúng chất lượng như mong muốn.

Còn theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê): Vì mặt hàng thịt lợn không thuộc diện bình ổn theo Luật Giá, cũng không phải mặt hàng kê khai giá nên DN sẽ tự chịu trách nhiệm. Lãi cao thì sẽ nộp thuế, chỉ là khâu kiểm soát về thuế anh nộp có đúng hay không theo thị trường. Cần có những giải pháp quản lý về giá, để không những có sự chia sẻ về lợi ích của DN, lợi ích của người dân mà còn là ổn định kinh tế vĩ mô.

Với vai trò quản lý, Bộ NNPTNT cũng đề nghị Chính phủ xem xét, sớm đưa mặt hàng thịt lợn vào diện hàng bình ổn giá để có cơ chế điều chỉnh giá, dự trữ quốc gia. Theo Bộ NNPTNT, vì không thuộc mặt hàng bình ổn giá, lại nằm trong cơ cấu bữa ăn của gia đình Việt Nam đến 70%, nên mặt hàng thịt lợn thường xuyên có biến động lớn, lúc giá hạ phải “giải cứu”, lúc lại cần phải kêu gọi hạ giá và thịt lợn còn là mặt hàng bị sự chi phối của các thương lái nhiều nhất.

Rau xanh: Giá đang nhích lên

Chị Trương Thu Trà (Pháo Đài Láng, Hà Nội) cho biết, ở nhà mấy ngày không ra chợ vì đã tích sẵn đồ ăn trong khoảng 3 ngày, đến khi hết đồ ăn, tính ra chợ mua ít rau củ quả về làm bữa lẩu cho cả nhà “cải thiện”. Ra đến nơi lượn một vòng chợ dân sinh ở khu Pháo Đài Láng mà thấy rau xanh tăng chóng mặt. Cà chua vọt lên thêm 5.000 - 6.000 đồng/lạng. Rau sống, các loại mùi tàu, rau thơm cũng lên gấp rưỡi so với trước. “20.000 đồng tôi chỉ mua được 3 cây rau sà lách với 3 mớ rau mùi. Các loại rau củ quả khác cũng tăng chóng mặt. Su hào có giá 8.000 đồng/củ”- chị Trà cho hay.

Khảo sát tại chợ truyền thống như chợ Nhân Chính, Cầu Giấy, chợ Hôm và một số chợ dân sinh khác trên địa bàn Hà Nội, ngày 14/4, giá các mặt hàng rau xanh đều nhích cao hơn hẳn so với thời điểm trước đó. Đơn cử, giá rau muống ở mức 15.000 đồng/mớ; các loại rau cải xanh, cải bắp, cải cúc có giá 10.000 -15.000 đồng/kg; dưa leo 20.000 đồng/kg; cà chua 30.000 đồng/kg…

Bà Trần Thị Tuyết, một tiểu thương bán rau, củ quả tại chợ Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, việc giá rau nhích lên không phải do khan hiếm nguồn cung, chủ yếu do người tiêu dùng đi chợ ít hơn, trước đi hàng ngày, giờ 3,4 ngày mới đi một lần nên từ đó đẩy nhu cầu rau xanh, thực phẩm lên cao, khiến giá thành có chút tăng nhẹ, nhưng không đáng kể.

Còn tại siêu thị, giá bán các mặt hàng rau, củ quả luôn neo ở mức cao. Khảo sát tại một số siêu thị như Vinmart, Big C, giá rau củ quả được niêm yết luôn cao hơn ngoài thị trường 1-2 giá. Theo đó, rau muống có giá 22.000 – 25.000 đồng/bó/kg; cải chíp có giá từ 38.000 – 40.000 đồng/kg; cải ngọt 18.000 – 20.000 đồng/kg; cải cúc từ 20.000 – 24.000 đồng/kg; dưa leo từ 22.000 – 24.000 đồng/kg…

Nêu lên câu chuyện về sự chênh lệch giữa giá rau trong siêu thị và giá rau ngoài thị trường, chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú cho rằng, có nhiều nguyên nhân để giá hàng hóa ở siêu thị cao hơn giá ở chợ, về mặt khách quan có thể do chi phí bảo quản hàng hóa của hệ thống siêu thị cao hơn ở chợ, cộng thêm thuế VAT khi bán ra… Nhưng yếu tố chính đẩy giá hàng hóa tại các siêu thị lên cao, đó là các chi phí để các mặt hàng nông sản đưa gửi vào siêu thị là không hề thấp, chiết khấu luôn ở mức 20-30%. Ngoài ra, còn những chi phí “khó nói” khác đã đẩy giá bán hàng nông sản và rau quả ở một số siêu thị lên cao so với giá ngoài chợ dân sinh. Ông Phú cho rằng, đáng lẽ, với thế mạnh về doanh số cũng như những thuận lợi khi đàm phán, làm việc với các nhà cung ứng hàng hóa, giá cả các mặt hàng thiết yếu, trong đó có mặt hàng rau xanh tại các siêu thị phải thấp hơn giá ngoài thị trường, như vậy mới hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay bài toán giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO