Loay hoay công nghiệp hỗ trợ

Hồ Luân 26/07/2015 09:50

Sở Công thương TP HCM vừa tổ chức lấy ý kiến góp ý cho đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử - công nghệ thông tin giai đoạn 2015 - 2020. Kết quả cho thấy, đến thời điểm này ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn loay hoay tìm hướng. Theo các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI), dù đã cố gắng tìm kiếm những DN trong nước có đủ điều kiện cần và đủ nhằm cung cấp nguyên phụ liệu song DN FDI vẫn không nhận được tín hiệu khả quan.

Nhiều ý kiến lo ngại DN Việt Nam sẽ không thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn như Samsung, Nokia, Intel… vì tỷ lệ nội địa hóa cực thấp. Đơn cử, với 100.000 lao động sản xuất tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội, TP HCM, Samsung trở thành nhà đầu tư ngoại lớn nhất Việt Nam. Hiện có đến 80 DN ngoại cung ứng linh kiện cho Samsung.

Để hỗ trợ DN trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Samsung chấp nhận cho tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam ở mức 35%. Nhận biết rõ tỷ lệ nội địa hóa mà Samsung ưu ái 254 DN Việt lên kế hoạch tiếp cận Samsung. Kết quả chỉ khoảng 9 DN có thể trở thành đối tác của Samsung. Nhưng đây vẫn chưa phải kết quả cuối cùng vì Samsung cho biết, trong 9 đối tác tiềm năng trên đang được Samsung xem xét lựa chọn ra 2 DN cung cấp linh kiện.

Không chỉ riêng Samsung, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam - một trong những tập đoàn lớn từng phân trần về khó khăn, nghe nhiều về sự cố gắng của các tỉnh - thành trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Với mong muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển nên Intel đã tập trung vào đầu tư và hy vọng vào tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam nhằm giảm chi phí song xem ra mọi chuyện nằm ngoài khả năng. Bản thân Công ty TNHH Công nghiệp Towa (Nhật Bản) cho biết, công ty đã đầu tư nhà máy sản xuất và lắp ráp bộ phận chi tiết máy chính xác chất lượng cao tại khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) được 20 năm. Nhưng việc tìm kiếm nhà cung cấp để tăng tỷ lệ nội địa hóa hoàn toàn không đơn giản chút nào.

Sự yếu kém về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở các ý kiến phàn nàn từ phía DN mà đại diện hiệp hội DN Mỹ, Ý, Nhật Bản, châu Âu… đều lên tiếng và bày tỏ mong muốn, Việt Nam sớm cải thiện tình trạng này càng sớm càng tốt. Bởi vì, tăng tỷ lệ nội địa hóa tốt cho DN FDI và tốt cho DN Việt nói riêng cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung. Nhằm phát triển nền công nghiệp hỗ trợ các bộ - ngành xây dựng nhiều cơ chế, chính sách song thực tế các giải pháp chưa thật sự đạt hiệu quả thiết thực.

Vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ có lẽ chỉ có thể thành công khi Chính phủ xem xét thành lập cụm nhà máy công nghiệp hỗ trợ với những ưu đãi hấp dẫn để thu hút đầu tư. Từ đó các nhà đầu tư có thể cung cấp nguyên vật liệu và các sản phẩm chất lượng tốt, giá cả hợp lý nhằm tăng khả năng cạnh tranh cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay công nghiệp hỗ trợ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO