Loay hoay đề mở

Thanh Hồng 13/06/2018 08:55

Đến nay, đã có những địa phương công bố điểm thi vào lớp 10 PTTH năm học 2018-2019. Trước mỗi mùa thi, những người quan tâm đến môn Ngữ văn đều mong chờ một điều gì đó mới mẻ từ cách ra đề. Nhưng thật buồn là đã lâu rồi, đề thi vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Vẫn là những dạng đề hoặc là theo cấu trúc của những năm trước: lặp lại yêu cầu các câu hỏi trong hai phần của đề thi; những dạng đề học sinh được làm nhiều, quen dạng, an toàn. Chỉ cần học sinh học thuộc là làm được. Hoặc là những dạng đề kinh điển, nặng tính lý luận mang tính đánh đố học trò. Còn đáp án thì đóng khung bởi những điểm lẻ tới từng 0,25 điểm.

Mặc dù có những đáp án tưởng rằng “mở”, nhưng lại đưa ra những yêu cầu không “mở”. Nhiều năm làm công tác chấm thi, chúng tôi nhận thấy ngay cả đáp án cho câu Nghị luận xã hội, một câu được coi là mở nhất trong đề thi ấy vẫn có những công thức nhất định. Việc ra đề và đáp án như thế phải chăng là để giáo viên tự chấm giáo viên? Chấm xem thầy cô nào, lò luyện nào ôn trúng, ôn tủ cho trò. Đáp án của thầy cô nào ăn điểm…Và đương nhiên, kết quả sau mỗi kì thi ấy dù có cao thì vẫn không đánh giá được thực chất năng lực người học, không phát huy được tính sáng tạo của học sinh và độ phân hóa học sinh sẽ không cao.

Từ năm học 2014-2015 chúng ta đã thực hiện việc kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực người học với cách thức xây dựng đề thi/kiểm tra và đáp án theo hướng mở, tích hợp kiến thức liên môn, giải quyết vấn đề thực tiễn. Khi ra đề theo hướng này, học sinh sẽ có nhiều cách để tiếp cận kiến thức, thể hiện tối đa sự sáng tạo của mình. Huy động và vận dụng kiến thức đã học cùng khả năng ngôn ngữ của mình để trình bày, lí giải vấn đề theo chính kiến của bản thân. Và như vậy, đề văn mở phải mở cả nội dung, tư tưởng và cấu trúc. Không bó buộc một vấn đề nào đó trong những tác phẩm đã được học trong chương trình THCS, mà những nội dung được học ấy phải được hiểu như là một ví dụ để học sinh và giáo viên cùng khám phá, từ đó bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh. Nhưng, để ra được đề theo hướng phát triển năng lực học trò lại không chỉ phụ thuộc vào người ra đề mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: sách giáo khoa, chương trình, người dạy, người học…

Do đó, để thực sự đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học thì phải bắt đầu từ việc lựa chọn tác phẩm trong chương trình. Không có một căn cứ nào để đánh giá tác phẩm này tác phẩm kia là hay nhất, đáng học nhất. Hãy mở từ việc cho học sinh tự lựa chọn tác phẩm mình thích. Chúng ta chỉ có quyền cảm thụ tác phẩm, chứ không có quyền xếp hạng tác phẩm. Ngoài ra, khi ra đề kiểm tra phải có tính phân hóa rõ rệt. Một đề văn mở sẽ là đề văn mà trò thuộc nhóm đối tượng nào cũng làm được nhưng các nhóm ấy làm được bài ở các mức độ kiến thức khác nhau. Và khi đánh giá học sinh, nên đa dạng. Với phân môn Tiếng Việt nên đánh giá theo định lượng (điểm); còn cảm thụ tác phẩm văn học thì đánh giá theo định tính: xuất sắc, đạt, chưa đạt… Bởi với môn Văn, học sinh còn phải bộc lộ năng khiếu của mình. Điểm 9, 10 đôi khi chỉ đánh giá là thuộc bài chứ chưa phải thể hiện năng khiếu bộ môn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay đề mở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO