Loay hoay trong ma trận điều kiện kinh doanh

Minh Phương 29/07/2017 08:00

Chia sẻ về con số 243 điều kiện kinh doanh, TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng phần lớn các điều kiện kinh doanh hiện nay đang trở thành rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp chứ không thấy thúc đẩy kinh doanh và như vậy là không đạt được mục tiêu quản lý nhà nước. “Tôi cho rằng cần phải loại bỏ đi 2/3 số điều kiện kinh doanh đang có hiện nay may ra mới cởi trói bớt giúp doanh nghiệp”- ông Cung nói.

* Phải loại bỏ 2/3 điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp mới dễ thở

Hàng loạt điều kiện kinh doanh khiến doanh nghiệp khó xoay sở.

Không chỉ dừng lại ở 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mỗi ngành nghề lại “đẻ” ra nhiều điều kiện kinh doanh “con, cháu”, từ đó lại sinh ra hàng ngàn giấy phép con. Quá nhiều điều kiện kinh doanh bó buộc, nhiều giấy phép con “trói”, đó là lý do tại sao các DN nhỏ dần và số DN công bố ngừng hoạt động gia tăng.

Lúng túng vì giấy phép con

Mặc dù Chính phủ có nhiều nỗ lực nhằm tạo “đường thông hè thoáng” cho môi trường kinh doanh, song thực tế thì DN vẫn đối diện với quá nhiều giấy phép con, hàng trăm quy định yêu cầu “được làm cái này không được làm cái kia”.

Nói về những điều kiện kinh doanh đang kìm chân DN, ông Nguyễn Thanh Tùng, chủ một DN kinh doanh ngành khí gas nhớ lại, trong suốt một thời gian dài, ông cùng các đồng nghiệp đã rất khổ sở vì các quy định, điều kiện được phép kinh doanh khí, ví dụ quy định về số lượng bình phải có 100 ngàn vỏ bình và diện tích bồn chứa tối thiểu 300m2, và để đáp ứng được quy định này, ông Tùng đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ đầu tư vào số lượng vỏ bình cũng như mặt bằng kho chứa vô cùng tốn kém.

Còn ở lĩnh vực giao thông vận tải, theo phản ảnh của nhiều DN kinh doanh taxi, quy định tại Nghị định 86 phải có tối thiểu 10 xe ôtô và đối với đô thị loại đặc biệt là 50 xe mới được phép kinh doanh taxi đã bó chân DN. Theo các DN hoạt động trong lĩnh vực này, với quy định buộc phải có 50 xe (DN hoạt động ở các đô thị) thì họ cần số tiền trên 10 tỉ đồng và phải có trên 50 lao động. Quy định này vô hình trung loại bỏ DN nhỏ, vì chỉ có những DN lớn mới đủ khả năng đáp ứng.

Một ví dụ nữa liên quan đến loại hình dịch vụ kế toán, chỉ riêng luật và nghị định đã đẻ ra hàng loạt điều kiện. Đơn cử Luật Kế toán quy định 3 điều kiện, tiếp đó đến Nghị định hướng dẫn thì quy định thêm điều kiện DN kinh doanh phải có ít nhất 2 thành viên và có đăng ký hành nghề mới được kinh doanh. Ngoài ra, tại các thông tư hướng dẫn cũng đưa ra một loạt các quy định dưới dạng giấy phép con... “Giấy phép mẹ đẻ giấy phép con” gây lúng túng, phiền hà cho DN.

Thui chột sự sáng tạo

Chia sẻ về con số 243 điều kiện kinh doanh đang “đè” lên vai DN, TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặt câu hỏi: “Mục tiêu đặt ra của các điều kiện kinh doanh là để làm gì? Nếu mục tiêu là để tạo điều kiện cho DN phát triển thì liệu đã đạt được mục tiêu đó hay chưa? Và chi phí để đạt được mục tiêu ấy là bao nhiêu? Theo vị chuyên gia này, phần lớn các điều kiện kinh doanh hiện nay đang trở thành rào cản kinh doanh đối với hoạt động DN chứ không thấy thúc đẩy kinh doanh và như vậy hoàn toàn không đạt được mục tiêu quản lý nhà nước.

“Tôi lấy ví dụ như có điều kiện đưa ra là DN muốn hoạt động một lĩnh vực A, yêu cầu đặt ra là chủ DN đó phải qua một lớp tập huấn do Bộ trực tiếp quản lý lĩnh vực A đó cấp phép. Đó là một quy định hết sức buồn cười”- ông Cung nhận định và nêu quan điểm: Cơ quan nhà nước chỉ nên đặt ra yêu cầu là anh phải có chuyên môn, trình độ về lĩnh vực đó, còn người ta thích học ở đâu thì học. Tại sao lại ép phải học do chính “anh bộ” tập huấn, làm như vậy là ép DN phải mua cái giấy phép, mua cái chứng chỉ đó. Hay quy định DN kinh doanh taxi muốn được cấp giấy phép kinh doanh phải có tối thiểu 10 xe ôtô, đối với đô thị loại đặc biệt phải là 50 xe, bây giờ kinh doanh không cần xe họ cũng làm được, tại sao lại đặt ra quy định đó? Tất cả những điều kiện đấy đều phi lý và nó ngăn cản sự hoạt động của kinh doanh.

Theo TS Cung, việc nhà quản lý đặt ra nhiều điều kiện như vậy đang tạo ra những khuyến khích... ngược, dập tắt sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng DN, làm phát sinh thêm chi phí gia nhập thị trường, như vậy thì chỉ có hại thêm cho nền kinh tế chứ hoàn toàn không có động lực gì. “Tôi cho rằng cần phải loại bỏ đi 2/3 số điều kiện kinh doanh đang có hiện nay may ra mới cởi trói bớt giúp DN”- ông Cung nhấn mạnh.

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, hiện nay hơn 90% số DN là DN vừa và nhỏ, khu vực DN này rất nhạy cảm với các chi phí, nên những chi phí tăng lên do rào cản sẽ tác động ngay lập tức đến DN nhỏ và vừa, khiến cho họ bị dập tắt ngay ước muốn kinh doanh ngay từ khi còn là ý tưởng, làm mòn ý muốn sáng tạo của DN. Nói rõ hơn, ông Phan Đức Hiếu- Viện phó Viện CIEM cho rằng, các điều kiện kinh doanh đang tạo ra rào cản, can thiệp thị trường. Việc can thiệp sâu vào hoạt động DN cũng dẫn tới việc hạn chế tính sáng tạo trong khi hiện nay rất nhiều hoạt động sản xuất đòi hỏi sự sáng tạo chứ không không nên bị áp đặt.

7 tháng, cả nước có gần 73.000 doanh nghiệp mới

Theo số liệu từ Cục Quản lý kinh doanh (Bộ KHĐT), trong tháng 7, có 11.677 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 94.543 tỷ đồng, tăng 8,7% về số doanh nghiệp và giảm 14,5% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, cả nước có 72.953 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 690.738 tỷ đồng, tăng 13,8% về số DN và tăng 39,0% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong 7 tháng qua là 720.772 lao động, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay trong ma trận điều kiện kinh doanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO