Loay hoay với điểm đen giao thông

Đoàn Xá 26/06/2017 09:05

Nhiều năm qua, các điểm đen giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc, kẹt xe, tai nạn… gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội tại TP. HCM dù đã được xác định vẫn có cách giải quyết, xóa bỏ triệt để.

Điểm đen kẹt xe ở nút giao Mỹ Thủy (quận 2) TP HCM nhiều năm chưa xóa được.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT thành phố cho biết, hiện TP đang tồn tại 37 điểm đen giao thông với nhiều nguy hiểm như ùn tắc, kẹt xe, tai nạn… Hầu hết các điểm đen này là giao lộ các tuyến đường với nhau như nút giao An Sương (huyện Hóc Môn), nút giao Mỹ Thủy (quận 2), nút giao ngã tư Thủ Đức (quận Thủ Đức), nút giao Trường Chinh-Cộng Hòa (quận Tân Bình), nút giao sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình)...

Do lưu lượng người xe lớn, các điểm này thường chịu áp lực lớn dẫn đến quá tải và ùn tắc. Nếu vài năm trước, các điểm đen chỉ quá tải ở những khung giờ nhất định thì hiện nay hầu hết các khung giờ và mức độ ùn tắc cũng gia tăng.

Về phương án giải quyết những điểm đen giao thông này, ông Cường cho biết, trước mắt sẽ tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát phối hợp với lực lượng CSGT tuần tra liên tục, phân luồng để giảm thiểu áp lực phương tiện. Về lâu dài, tùy từng điểm đen giao thông mà sẽ nghiên cứu những phương án thích hợp để giải quyết. Như các điểm kẹt xe quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thì đã cho xây dựng các cây cầu vượt để phân luồng.

Được biết, xây dựng cầu vượt sắt, cầu vượt bê - tông cũng là phương án chủ yếu để xử lý các điểm đen này của ngành giao thông. Ngoài ra, một số điểm đen khác còn được xây dựng, mở rộng hạ tầng giao thông cũng như đường song hành… để giảm áp lực phương tiện ở tất cả 37 điểm kể trên. Song song với đó, Sở GTVT cũng đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng giao thông công cộng như các cải tạo hệ thống các tuyến xe buýt, phát triển xe buýt nhanh (BRT), xe buýt đường thủy, các tuyến đường sắt đô thị (metro) cũng như đường trên cao.

Trong khi đó, tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, một chuyên gia hạ tầng giao thông đô thị lại cho rằng, giải quyết vấn nạn ùn tắc đô thị bằng chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông sẽ không lại hiệu quả như mong muốn. Ngoài việc hạ tầng giao thông thường không phát triển kịp so với số phương tiện giao thông thì khi hạ tầng được xây mới cũng kéo theo các phương tiện giao thông khác. Ví dụ như một tuyến đường mới được mở rộng, xây dựng thì số lượng các phương tiện qua đó sẽ tăng lên. Mà khi phương tiện giao thông tăng lên thì chắc chắn lại phát sinh thêm các điểm đen mới. Đó là chưa kể việc tăng phương tiện giao thông còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như chỗ gửi xe, bến bãi lưu động…

Cũng theo vị tiến sỹ này, về lâu dài việc phát triển hệ thống giao thông công cộng là phương thức duy nhất để cải tạo hệ thống giao thông đô thị. Và, muốn phát triển hệ thống giao thông công cộng, ngoài hạ tầng như đường sá, phương tiện thì còn phải kết hợp cả ý thức tham gia giao thông cũng như hạ tầng xã hội, việc làm. Người dân sẽ không thể đi lại bằng giao thông công cộng dù nó hiện đại, đúng giờ nếu họ có công việc bấp bênh, thiếu ổn định.

Có thể nói, giải quyết bài toán giao thông đô thị ở TP HCM hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến ngành giao thông mà rộng hơn, nó còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội khác. Nguyên nhân bởi nếu hạ tầng giao thông không đáp ứng được các đòi hỏi của xã hội, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của nền kinh tế, làm chậm phát triển, lưu thông hàng hóa, phương tiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay với điểm đen giao thông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO