Logistics – bao giờ nhẹ gánh?

Duy Phương 25/03/2021 07:30

Xoài, thanh long, vải, cá tra, ba sa, tôm… cùng nhiều sản phẩm nông, lâm thủy sản khác của Việt Nam đã tiếp cận được nhiều nước trên thế giới.

Mới đây nhất, thông tin từ cơ quan quản lý cho hay, xoài Việt xuất khẩu sang thị trường Mỹ vừa tăng về cả lượng và giá, cho thấy, tiềm năng xuất khẩu nông sản của chúng ta rất lớn. Tuy nhiên, điểm yếu của xuất khẩu hàng hóa hiện nay vẫn là câu chuyện về logistics.

2,1 ngàn tấn xoài trị giá 4,61 triệu USD là sản lượng và giá trị xuất khẩu trái xoài của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt được trong năm 2020. Con số này tăng tới 66% về lượng và hơn 70% về giá trị so với năm 2019. Tăng cả lượng và giá trị xuất khẩu, đó là tín hiệu vui cho hàng hóa của Việt Nam khi vươn ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính, có nhiều tính quy chuẩn cao như Hoa Kỳ. Và khi đạt được các quy chuẩn ở thị trường khó tính này, sản phẩm, hàng hóa của các DN Việt sẽ dễ dàng thâm nhập vào nhiều thị trường khó tính khác trên thế giới.

Tuy nhiên, tỷ trọng của xoài Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ vẫn còn thấp, chỉ chiếm 0,3% tổng lượng xoài nhập khẩu của nước này. Điều này cho thấy, dư địa của các DN xuất khẩu trái xoài đến thị trường này vẫn còn rất lớn.

Không chỉ trái xoài, nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản khác của Việt Nam có lợi thế xuất khẩu rất lớn. Chúng ta có “vựa nông sản” lớn như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đó là lợi thế của chúng ta. Thêm vào đó, Việt Nam nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới, nên rất thuận lợi để phát triển các sản phẩm trái cây, rau củ quả mà không phải nước nào cũng có được.

Tuy nhiên, một điểm nghẽn lâu nay vẫn chưa được giải tỏa, làm kéo giảm năng lực cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa Việt khi xuất khẩu ra thị trường thế giới, đó là gánh nặng về chi phí logistic đang là áp lực lớn trên vai các DN xuất khẩu. Quả thực, lợi thế là vậy, song thiệt thòi của các DN vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi đây chưa có một cảng biển lớn để xuất khẩu. Trong khi đó, nếu vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường hàng không, DN phải bỏ ra một khoản chi phí không hề nhỏ. Đơn cử, một DN xuất khẩu nông sản cho biết, nếu vận chuyển bằng đường hàng không, chi phí vận chuyển lên tới 14.000 đồng cho một kg trái cây.

Theo Hiệp hội Logitstics Việt Nam, hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu đang bị giảm sức cạnh tranh do phải “đội” thêm khoản chi phí về logistics lớn. Đơn cử, gạo là 28.80%, rau củ quả 29.50%, mỹ nghệ 22.8%, đồ uống 19.80%...

Báo cáo logistics Việt Nam của Bộ Công thương chỉ rõ, vận tải hàng hóa bằng đường bộ chiếm tỷ lệ hơn 76% trong khi chi phí đường bộ không hề rẻ. Bên cạnh đó, vận tải đường biển và thủy nội địa, hai phương thức phù hợp với lợi thế địa lý Việt Nam chỉ chiếm 4,9% và 18%. Vận tải hàng không chiếm phần rất nhỏ (0,03%).

Giảm gánh nặng cho các DN xuất khẩu hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay, yếu tố quan trọng là phải xóa được những rào cản, giảm thiểu chi phí logisitics cho cộng đồng DN. Hay nói cách khác, năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam có được nâng lên hay không phụ thuộc rất lớn vào việc có thể giảm thiểu được những gánh nặng về chi phí logistics hay không (?).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Logistics – bao giờ nhẹ gánh?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO