Logistics hàng không và áp lực cạnh tranh

Quang Minh - Lam Hồng 27/05/2017 09:35

Thị trường hậu cần vận tải hàng không (logistics hàng không) được cho là có triển vọng tăng trưởng tốt nhưng cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn. Trong khi đó, giá cước vận chuyển hàng không vẫn là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), logistics hàng không là thị trường hứa hẹn đem lại tăng trưởng, lợi nhuận cao và đóng góp thiết thực cho nền kinh tế Việt Nam cũng như các nhà đầu tư. Bởi lẽ, vận tải hàng không ở Việt Nam đang phát triển mạnh. Sự gia tăng số lượng hãng hàng không bay đến Việt Nam, cũng như gia tăng số sân bay, điểm đến tiếp nhận hàng hoá và gia tăng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hàng không.

Tính đến nay, đã có 58 hãng hàng không vận chuyển ở Việt Nam, điều này cũng cho thấy mức độ nhộn nhịp của lĩnh vực logistics hàng không. Nhất là trong bối cảnh thuận lợi khi lượng hàng hoá lưu thông ở Việt Nam ngày càng tăng. Hơn nữa, phía Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động về logistics đến năm 2025.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, kế hoạch hành động về logistics đã đặt ra nhiệm vụ tăng cường năng lực vận chuyển và xử lý hàng hoá bằng đường hàng không, sẽ mang lại luồng gió mới cho sự phát triển cho lĩnh vực logistics nói chung và logistics hàng không nói riêng ở Việt Nam, cũng như hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cũng thừa nhận còn những khó khăn trong lĩnh vực này tại Việt Nam khi chưa phát huy được lợi thế vị trí địa lý để phát triển dịch vụ quá cảnh, trung chuyển. Mặt khác, quy mô của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics còn nhỏ và công nghệ cũng chưa phát triển.

Chia sẻ với giới doanh nghiệp logistics tại hội thảo quốc tế về hậu cần vận tải hàng không vừa diễn ra tại TP HCM, ông Rodrigo Reyes, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho rằng, lĩnh vực vận chuyển hàng không ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 3,8% trong năm 2017.

Theo ông Rodrigo Reyes, sự bất thường của giá dầu, phát triển thương mại điện tử, các yếu tố về cung cầu… đã và sẽ ảnh hưởng lớn đến mức tăng trưởng của lĩnh vực logistics hàng không. Dự báo của IATA thời gian qua cho thấy, ngành hàng không Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,3% trong giai đoạn 20 năm tới, và đây là con số tương đối cao so với thế giới và các khu vực lân cận như khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Philippines hay Indonesia. Hơn nữa, trong 5 năm qua, giá trị vận tải hàng không ở Việt Nam đã đạt CAGR ở mức 16,3%.

Còn theo quan điểm của ông Huseyin Ceyhan - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng hàng không Turkish Airline, sự đầu tư vào ngành hàng không ngày càng lớn đang làm cho mức độ cạnh tranh vận chuyển hàng không ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ trở nên căng thẳng hơn.

Tại Việt Nam, lĩnh vực logistisc hàng không được cho là vẫn đứng sau vận tải biển và vận tải đường bộ. Ông Đỗ Xuân Quang- Tổng giám đốc VietJet Air Cargo, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, năng suất vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không ở Việt Nam vào năm 2016 đã đạt 1,4 triệu tấn. Và, theo dự báo, đến năm 2020, năng suất này sẽ tăng gần gấp đôi, đạt 2,5 triệu tấn. Điều đó có nghĩa là mức tăng trưởng của logistics hàng không ở Việt Nam mỗi năm sẽ tăng 10 - 12% về mặt tải trọng. Kéo theo đó, các loại máy bay hàng đầu về vận chuyển hàng không như Boing, Airbus cũng sẽ tăng mạnh về số lượng. Đơn cử như Vietjet Air (đối thủ cạnh tranh chính với Vietnam Airlines) dự tính sẽ chi hàng tỷ USD để mua một loạt máy bay mới từ Boeing trong vài năm tới.

Về cơ cấu hàng hoá trong lĩnh vực logistics hàng không của Việt Nam, khoảng 30% là hàng hoá may mặc, đứng sau đó là các sản phẩm về điện tử, rau củ quả… Các tuyến vận chuyển nhộn nhịp nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc.

Ông Đỗ Xuân Quang cho rằng để thúc đẩy sự tăng trưởng vận chuyển hàng hoá qua đường hàng không ở Việt Nam trong tương lai thì cần có sự đầu tư của những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh. Yêu cầu đặt ra là ngành logistics hàng không cần có một lộ trình đúng hướng nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và trên thế giới, cũng như cần tương thích với chuẩn mực quốc tế nhiều hơn.

Bà Anna Phạm- Giám đốc điều hành Công ty TAM Logistics & Trading cho biết, thông thường nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu muốn tiết kiệm chi phí nên sẽ sử dụng dịch vụ vận tải biển, chỉ khi muốn xuất hoặc nhập hàng gấp thì họ mới cần đến vận chuyển hàng không. Cũng theo bà Anna Phạm, hiện nay doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn các hãng hàng không để vận chuyển hàng hoá. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận giá cước vận chuyển hàng không ở Việt Nam vẫn là cao chứ không phải là thấp và có sự gia tăng.
Điều đó có nghĩa là các công ty xuất nhập khẩu mong chờ giá cước vận chuyển hàng không sẽ giảm xuống để giá thành sản phẩm sẽ giảm. Thế nhưng điều mâu thuẫn là nền kinh tế đi lên, cước vận chuyển cũng lên theo, nên giá vẫn cứ tăng chứ không hề giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Logistics hàng không và áp lực cạnh tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO