Logistics sau đại dịch sẽ ra sao?

H.Hương 05/03/2022 07:30

Logistics là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa đang tăng mạnh trong bối cảnh bình thường mới, phát triển logistics vững mạnh là yêu cầu cần thiết.

Dư địa cho logistics Việt Nam vẫn rất lớn.

Doanh nghiệp logistics đang khó chồng khó

Thời gian qua, do tác động của dịch bệnh, hoạt động vận tải giao thông trên toàn cầu bị ảnh hưởng, chi phí logistics bị đẩy lên, ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Với sự phát triển của nền kinh tế và trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia 17 FTA, nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng lớn. Do đó, việc phát triển hạ tầng giao thông vận tải nói chung và đường biển nói riêng là yêu cầu cấp bách để giải phóng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Chỉ là một yếu tố cấu thành trong toàn ngành Logistics nói chung, song khi giá xăng tăng, chi phí xăng dầu của các đội xe cung cấp dịch vụ vận chuyển đã tăng đã đội lên từ 5-7%. Nhiều đơn vị phục vụ vận chuyển và các giải pháp logistics đã phải tính đến phương án điều chỉnh giá cước trong bối cảnh chẳng ai mong muốn.

Chưa hết, chi phí cảng biển tăng cao càng làm hoạt động logistics khó chồng khó. Theo ông Nguyễn Quang Sang - Phó Giám đốc Công ty thương mại - dịch vụ hàng hóa Phương Nam tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, đơn vị đang cung cấp giải pháp logistics cho biết, không tăng giá thì bản thân DN lỗ nặng.

Cùng với đó theo lịch trình ngày 1/4 tới đây, việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển tại một số địa bàn cũng được áp dụng. Như vậy, cùng với chi phí vận chuyển tăng, phí hạ tầng được áp dụng đã khiến nhiều DN xuất nhập khẩu lao đao. Mới đây nhất 7 hiệp hội ngành hàng đã cùng nhau kiến nghị về việc ngừng áp dụng phí cảng biển tại TP Hồ Chí Minh.

Khó khăn của DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, khó khăn của DN xuất nhập khẩu là việc phí chồng phí. Tại diễn đàn về logistics diễn ra vào hồi cuối năm 2021, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ, Logistics là ngành đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và là một ngành dịch vụ có nhiều tiềm năng đem lại giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên những điểm yếu cố hữu của ngành logistics Việt Nam đã bộc lộ rõ hơn như chi phí logistics vẫn ở mức cao, chiếm khoảng hơn 20% tổng GDP quốc gia, cao hơn nhiều so với chi phí logistics trung bình trên thế giới đang dao động ở mức 11% - 12% GDP.

Ngoài ra, theo phân tích hiện nay cơ sở hạ tầng phục vụ logistics tuy đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp nhưng còn thiếu tính kết nối và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hầu hết các doanh nghiệp logistics có quy mô nhỏ cả về lao động, tài chính, kinh nghiệm hoạt động, chưa vươn ra được thị trường logistics quốc tế. Việc chuyển đổi số trong các khâu của logistics còn hạn chế. Việc đào tạo chuyên sâu về logistics tại các cơ sở đào tạo chưa được quan tâm đúng mức.

Phải hướng tới số hóa

Bà Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng năm 2021 và ngay cả đầu năm 2022, logistics vẫn luôn là câu chuyện nóng. Điển hình như tình hình tắc nghẽn tại các chuỗi vận tải Á - Âu cũng như những tuyến khác xa hơn và gần đây nhất là tình hình tắc nghẽn tại biên giới đường bộ Việt - Trung.

Giới chuyên gia khẳng định, không nằm ngoài hướng đi chung của nền kinh tế, bản thân ngành logistics cũng phải số hoá, tích hợp phát triển, đặc biệt chuyển đổi mô hình logistics từ truyền thống sang logistics hiện đại.

GS.TS Trịnh Thị Thu Hương- Trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (Trường Đại học Ngoại thương) cũng cho rằng DN logistics đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc tăng hiệu quả kinh tế và tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng sản phẩm. Một số DN đã kịp thời áp dụng thành công các giải pháp công nghệ, từ đó mang lại những hiệu quả nhất định đến hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics, góp phần giảm đáng kể các chi phí liên quan.

Đơn cử như việc sử dụng dữ liệu lớn (Big data) nhằm xác định phương thức vận tải nào có thể sử dụng được để tối thiểu hóa chi phí cho một điểm đến cụ thể, trong khi vẫn đáp ứng thời gian giao hàng. Hay ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) để theo dõi hoạt động của các phương tiện vận tải; áp dụng công nghệ giám sát máy móc, tàu thuyền và giám sát điều kiện bảo quản hàng hóa của container lạnh.

Theo đó, việc ứng dụng chuyển đổi số đã giúp tăng doanh thu cho DN, phá vỡ sự trì trệ cũng như rút ngắn thời gian các khâu vận hành sản xuất, kinh doanh.

Ông Đặng Vũ Thành - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kho vận miền Nam, cho rằng các DN vẫn còn cơ hội khá tốt để đầu tư phát triển hạ tầng logistics ở Việt Nam. Do ngành dịch vụ logistics đang thiết lập một mặt bằng giá mới rất rõ ràng. Nếu đầu tư càng nhanh, càng có thể tạo dựng được lợi thế cạnh tranh trong tương lai. DN có thể lấy kho làm nền tảng để xây dựng mang lưới nhân lực, công nghệ xoay quanh kho; nắm bắt dòng dịch chuyển của hàng hóa, nhân sự, công nghệ để nắm bắt được những vị trí tốt nhất, ít nhất phải đáp ứng được 2 điều kiện một là phải tiện lợi từ góc độ kết nối vùng miền và các cửa ngõ quốc gia. Bên cạnh đó, phải đủ quy mô để có thể tận dụng lợi thế giảm giá thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Logistics sau đại dịch sẽ ra sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO