Lời giải biên chế

Lục Bình 14/11/2015 09:45

Sau Quảng Ninh, việc TP HCM với những quyết sách táo bạo “không loại trừ ai”, “không phân biệt thân sơ”, chỉ có người được việc mới trụ lại cơ quan nhà nước đã khiến dư luận bớt lo lắng phần nào về chất lượng của bộ máy Nhà nước.

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet).

Sẽ không có trường hợp ngoại lệ trong tinh giản biên chế. Đối tượng cần tinh giản tại TP Hồ Chí Minh sẽ gồm cả Chủ tịch quận/huyện, Giám đốc Sở/ ngành, tiến sĩ, thạc sĩ…nếu họ không được việc. Những động thái cương quyết của đầu tầu TP Hồ Chí Minh trong tinh giản biên chế hy vọng sẽ tạo một cú hích lớn cho công cuộc giảm công chức “cắp ô” được cho là lắm gian nan, nhiều thách thức này.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Lê Văn Làm khẳng định, “giai đoạn từ năm 2015-2021 sẽ giảm 14.000 người đang làm việc tại các đơn vị công lập và sự nghiệp. Không có đối tượng nào là ngoại lệ trong đợt tinh giản biên chế này”.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng vừa có công văn yêu cầu các các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc TP rà soát lại bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị để kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, UBND quận, huyện theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu của đô thị đặc biệt…Sự quyết liệt của TP Hồ Chí Minh đang đang được kỳ vọng sẽ bước đầu giải được bài toán quá rối rắm khiến dư luận bất an trong suốt thời gian qua.

Và dư luận không bất an sao được khi mà suốt một thời gian rất dài, ai cũng ý thức được, hiệu quả công việc của cán bộ công chức (CBCC) là rất thấp. Trong nền công vụ, có ít nhất 30% CBCC “cắp ô”. Thế mà cơ quan chịu trách nhiệm chính về biên chế là Bộ Nội vụ chẳng thể tìm ra ai là người không được việc (chỉ có 1% CBCC không hoàn thành nhiệm vụ). Phải tinh giản, cơ cấu lại bộ máy cho tinh gọn, hiệu quả, đó là việc làm cấp bách.

Thế nhưng, sau 5 năm thực hiện Nghị định 132 về chính sách tinh giản biên chế, tính đến hết năm 2012, tổng số CBCC từ Trung ương đến cấp huyện là 388.480 người (tăng hơn 42.000 biên chế); cán bộ, công chức cấp xã là 257.675 người (tăng hơn 14.000 biên chế). Kết quả là, đến năm 2013, sau 10 năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế không những không giảm, mà còn tăng thêm 20%, làm cho bộ máy ngày càng phình to.

Trước kết quả tinh giản biên chế là những con số âm như vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39 với quyết tâm rất cao: Giảm ít nhất 10% biên chế từ nay đến năm 2021. Thế nhưng, trước những kết quả đáng buồn của tinh giản biên chế của những năm trước đây, ai dám tin, lần giảm biên chế này, bộ máy hành chính nhà nước sẽ thực sự hiệu quả, sẽ tìm đúng đối tượng cần giảm?

Không cần chờ đến năm 2021, việc tinh giản biên chế mới có đáp số. Hiện, rất nhiều địa phương đã lên dây cót, quyết liệt thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Bộ Chính trị.

Địa phương đi đầu trong công cuộc tinh giản không thể không kể đến Quảng Ninh. Phó Bí thư Thường trực tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng cho biết: Thực hiện chủ trương tỉnh giản, cơ cấu lại đội ngũ của Bộ Chính trị, Đề án 25 đã được xây dựng. Ngay năm đầu thực hiện Đề án 25, Quảng Ninh đã giảm được 1.097 biên chế trong ngành giáo dục - đào tạo do sắp xếp tại tổ chức bộ máy, bố trí kiêm nhiệm các chức danh, các nhiệm vụ; 1.380 biên chế sự nghiệp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước do tăng cường tự chủ kinh phí, do chuyển đổi mô hình từ hoạt động đơn vị sự nghiệp sang hình thức hợp tác công-tư; 372 biên chế cán bộ, công chức cấp xã; 1.164 những người thực hiện không chuyên trách…

Nhờ vậy, năm 2014, Quảng Ninh đã tiết kiệm được khoảng 300 tỉ đồng, trong khi công việc vẫn “chạy” tốt. Số tiền trên - bằng khoảng 11,5% tổng quỹ lương của toàn tỉnh và bằng tổng số thu ngân sách nội địa của 6 huyện - được dành cho việc sắp xếp, tinh giản bộ máy và chi cho các công trình phúc lợi, cho đào tạo hoặc đào tạo lại đội ngũ công chức.

Năm 2015, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu nâng tổng số các đơn vị sự nghiệp tự chủ từ 20 - 100% kinh phí lên 66/153 đơn vị, tăng gấp đôi so với năm 2014. Năm 2016, 153 đơn vị sự nghiệp sẽ phải tự chủ 100% kinh phí. Mạnh mẽ hơn, tỉnh Quảng Ninh đặt vấn đề nhất thể hóa một số cơ quan tham mưu giúp việc của khối Đảng với khối chính quyền có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp. Việc hợp nhất các tổ chức này cũng sẽ giảm một số lượng không ít người hưởng lương từ ngân sách, bà Hoàng nói.

Sau Quảng Ninh, việc TP HCM với những quyết sách táo bạo “không loại trừ ai”, “không phân biệt thân sơ”, chỉ có người được việc mới trụ lại cơ quan nhà nước đã khiến dư luận bớt lo lắng phần nào về chất lượng của bộ máy Nhà nước.

Nhiều người kỳ vọng, với đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm “nói được, làm được”, được minh chứng bằng hiệu quả thiết thực trong việc đẩy mạnh công tác xây dựng chính quyền như: “thủ tục hành chính đến tận nhà dân”, “nói và làm”, “lắng nghe trao đổi”, “đối thoại cùng chính quyền thành phố”… của TP HCM trong suốt thời gian qua, chắc chắn sẽ tìm ra lời giải, tạo cú hích thực sự cho công cuộc tinh giản biên chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lời giải biên chế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO