Lời khấn nguyện

CHÂU NHI 03/04/2022 19:54

Trên là giời cao, dưới là đất sâu và ở giữa cái khoảng kỳ diệu ấy là sự sống phong phú, nơi có cuộc sống của con người. Giời đất muôn thuở mà tự hồng hoang đến nay dường như chưa bao giờ con người hết sợ hãi và ngừng ước vọng.

Ảnh: Hà Thu.

Có thể vì thế mà những lời khấn nguyện ra đời và được lưu truyền cho đến giờ, bất chấp mọi lý do nó được hình thành và hoàn thiện bởi chính sự thành kính của người thực hiện nghi lễ trong các không gian thiêng, trong tâm thức, thậm chí người ta đã không cần cả một không gian hay lễ vật mà chỉ với lời khấn nguyện thành tâm cũng được coi là đủ để bày tỏ ước nguyện tới những vị thần linh thiêng. Nói chung lời khấn nguyện có thể ăn sâu vào tâm trí bằng cách “người trước nói sao, người sau cũng nói vậy”, cũng có thể lời khấn nguyện được nhập tâm trong các không gian thờ phụng của tư gia hay rộng hơn là ở các nơi như đình, đền, chùa, lăng miếu...

Tất cả đã cùng bồi đắp đức tin trong mỗi con người, tạo nên một miền tâm hồn lung linh, cho con người cảm nhận gần gũi hơn sự bảo bọc, chở che của những đấng cao cả, thiêng liêng, những vị thần linh và những người thân đã xa khuất. Cùng với các nghi thức cúng tế, phụng thờ, khấn nguyện là một cách trao truyền niềm tin tôn giáo, lệ tục, tín ngưỡng...

Tôi có người bạn vong niên, ông quý tôi như con cháu trong nhà, thậm chí còn hơn, vì tôi vốn học Ngữ văn có thể hầu chuyện ông về thơ phú, “Truyện Kiều”, hát chèo, hát văn... Nhiều lần ông nhắc tôi theo học lớp hát văn, vì ông đã già, sợ sau này làng xã không còn người hát nữa nên có dạy một nhóm, ông muốn tôi học cùng lớp ấy luôn.

Nhưng tôi không có năng khiếu, chỉ tham dự vài buổi rồi thôi. Ông khiếm thị từ độ tuổi thanh xuân, khi vốn Hán học đã kha khá, thật tiếc. Chính vì thế nên ông không đi đâu xa, không vì việc quan trọng ông chỉ loanh quanh từ nhà ra vườn. Nhưng vì các lớp học hát miễn phí nên người làng xa, xóm gần đến theo học rất đông, nhà lúc nào cũng có người ra người vào trong vùng biết tiếng, cũng nhiều người đến nhờ ông xem ngày cưới hỏi cho con, cháu hay động thổ, cất nóc nhà... Người cẩn thận, còn đến xin ông bài cúng để về biết đường khấn bẩm trong các sự kiện quan trọng.

Xưa, chưa có đánh máy và tiện in ấn như bây giờ, mọi người thường đến nhờ ông đọc và ngồi ghi chép, chắc hẳn những bài cúng này sẽ là “tài sản” trong nhà của những người đó.

Giờ đây mỗi khi tôi thấy thông tin các lễ hội “thất thủ”, hay đền chùa, lăng tẩm quá tải vì khách thập phương đến cầu cúng quá đông, tiền lễ rải cùng với bao hệ lụy từ việc cầu cúng, xin xỏ, “hối lộ” Phật, Thánh tôi lại nhớ đến bài cúng của ông mà tôi đã nhớ được từ lâu, rất lâu, quãng chừng đã hơn 30 năm.

Những lời ước nguyện ấy thật đẹp, trong trẻo. Có nhiều lần tham dự lễ tại gia cùng gia đình, tôi đã từng chứng kiến ông lễ. Lời ông khấn nguyện vang vọng, rành mạch, có đầu cuối, thưa bẩm, thành kính và chân thành, mộc mạc. Lễ vật đơn giản chỉ là hương, đăng, thanh thủy (hương, đèn, nước) và hoa trái theo mùa. Lời khấn ấy có lời cầu xin, ước nguyện là:

- ...Xin cho gia chủ sức khỏe, mọi sự hanh thông, xin được mát như nước mưa, thơm như lúa mùa, dẻo như cơm nếp, lộc tài chi hết, trời đất ban hành, tín chủ lòng thành (xin được) chứng minh công đức.

Tôi nghe đấy mà nghĩ sao ông không xin tấn tài, tấn lộc, xin làm ăn được phát đạt, mua được xe máy, xây được nhà trong quê, mua được nhà ngoài thị xã hay thủ đô. Cuộc sống sung túc, tiện nghi đầy đủ thật hấp dẫn, sao ông không xin những điều đó, chắc hẳn xung quanh tôi mọi người cũng ước muốn thế và có điều gì sai đâu? Rồi có lần tôi hỏi ông về điều đó, tôi hỏi cả ông về việc trả thù người đã hại mình, đã bội bạc hoặc lừa gạt, làm ác với mình. Ông cười hiền, không né tránh mà trả lời thẳng vào câu hỏi:

- Có sức khỏe để sống, làm việc và hưởng thành quả lao động của mình không chỉ vui mà là phúc, tự mình làm ra hơn ai hết mình biết quý sức mình, biết chi dùng, đối đãi theo thực lực là nhàn thân, thanh thản, không phải chạy đua ai. Ăn ở về lâu về dài nên thế, chẳng nên xin không điều gì. Được cho không, thường day dứt như mắc nợ.

- Sao ông chỉ xin mát như nước mưa, thơm như lúa mùa, dẻo như cơm nếp - Tôi hỏi lại.

- Đất hanh khô cần mưa, người khát cần nước, mưa xuống cây cối mùa màng được tưới tắm, thuận giời đất, được mùa, người vui thu hoạch. Chẳng mùi hương nào bằng hương lúa, thơm ấy báo rồi sẽ no ấm. Mùa về, có gạo nếp thơm cúng thần linh, tiên tổ, tiền nhân rồi thưởng, ngon nào hơn. Mà nếp đã thơm lại dẻo, ấy cũng là nhắc con người cách cư xử với nhau. Cứ được như thế, chặng gần, chặng xa hay gian khó thế nào cũng qua hết, hay chí ít chẳng phải nuối tiếc.

Còn về oán hận, không phải lời ước nguyện không có lời dành cho những kẻ gian ác, bội bạc, nhưng hận thù ám ảnh dẫn đến trả thù rất gần. Nên có câu thế này “Xin cho con thoát khỏi nạn chó điên, rắn độc”. Nói đến hai loài kia đấy, nhưng cũng là nói đến loại người tà tâm, điên rồ và độc ác. Thoát vừa là gặp rồi mà thoát không bị chúng hại đến thân, bị cắn, có thể gây chết người. Nhưng lời xin cao hơn thế “thoát nạn” là mong đời này, kiếp này không gặp phải loại người như thế, thoát nạn cũng lại còn được hiểu là lòng mình không phải vướng bận. Những người bản tính thế, sống được với ai? Thế cũng là đã bị trừng trị...

Tôi nghe những lời ông nói trong những ngày chuyển mùa xuân sang hạ, hoa bưởi lứa cuối vẫn thơm ngát suốt từ vườn vào nhà. Những cơn gió còn đưa hương hoa đi xa nữa thì phải, nên ngõ làng cũng thơm, hương ấy còn theo luồng gió ra đê, đến sông và bãi cũng còn thơm nồng. Mà có khi là hương hoa mộc, hoa xoan ngoài đó chứ gió tản làm sao mà thơm suốt thế được.

Lúa cuối mùa xuân thơm trong nắng mới, tôi nghe trong đất trời vang vang lời ông khấn nguyện. Lời ấy tan vào hương gió, hương nắng, lời ấy khiến lòng tôi như nắng thinh không. Bao cảm xúc đẹp trở về, hoặc là tìm đến với tôi.

Năm tháng trôi qua, tôi khôn lớn và trưởng thành và có gia đình riêng của mình. Mỗi lần thắp hương, khấn nguyện, tôi lại nhớ về bài cúng của ông mà tôi đã thuộc từ khi nào không rõ. Tôi soạn sửa lòng mình thanh sạch, thư thái tâm tư, đôi khi tôi cũng muốn khấn bẩm những ước nguyện cụ thể trong cuộc sống và tôi cũng khe khẽ cất lời. Nhưng tôi không bao giờ quên lời ước nguyện xin được mát như nước mưa, thơm như lúa mùa, dẻo như cơm nếp... Ước nguyện chân thực trong trẻo, ảnh hình tươi đẹp, thơm mát.

Sau này những bài cúng được in ấn và tiện lan truyền tiện lợi hơn bởi photo coppy và mạng internet, tôi được biết thêm nhiều bài cúng được sưu tầm bởi các nhà nghiên cứu hay những nhà sư. Có những bài dành riêng cho từng ngày in thành từng quyển, chữ to rất tiện dụng nhưng với tôi bài khấn của ông - người bạn vong niên tôi kính trọng - vẫn là gốc của những ước nguyện trong tôi.

Cuối mùa xuân năm đó ông về trời, tôi và đám học trò cùng những người làng xa, xóm gần, trong tổng, trong vùng buồn lắm. Ai cũng cất giữ những kỉ niệm về ông và những lời ông dạy. Tôi cũng vậy, tôi còn nhớ mãi những câu chuyện đậm chất liêu trai khi uống trà ông có nói với tôi. Bài khấn cổ “luyện âm binh” nghe rờn rợn. Tôi vẫn nhớ cả.

Tôi cũng đã hiểu, khấn nguyện khởi tự tâm hay cất lên lời trước là gửi đến đấng thiêng liêng, sau cũng là để soi mình trong đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lời khấn nguyện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO