Lộn xộn vỉa hè: Vì sao không dẹp được?

Hoài Vũ (thực hiện) 05/03/2017 09:05

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, dẫu rằng đây là vấn đề cần làm từ lâu. Trao đổi với ĐĐK, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng nguyên nhân chính là do chính quyền địa phương không nghiêm. “Tất cả là do chúng ta buông lỏng quản lý và một phần do thiếu tính chuyên nghiệp trong quản lý”- ông Liêm nói.

Ông Phạm Sỹ Liêm.

PV:Ông nhận định như thế nào về việc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ra quân dẹp các hành vi lấn chiếm lấy lại vỉa hè cho người dân? Theo ông việc lấy lại vỉa hè đã phải là biện pháp căn cơ chưa khi giải quyết vấn đề giao thông và quản lý đô thị?

Ông Phạm Sỹ Liêm: Đầu tiên là tôi hoan nghênh việc dẹp lại những hoạt động lấn chiếm vỉa hè như: xây trạm gác, hàng rào, biển quảng cáo của các quầy bán hàng. Dẹp vỉa hè, nói đúng hơn là lập lại trật tự trên vỉa hè.

Vỉa hè có 4 công dụng mà lâu nay ít người quan tâm đến. Thứ nhất, là tách luồng cho người đi bộ với giao thông cơ giới trên lòng đường. Thứ hai, là nơi chứa đựng và kết nối hạ tầng đô thị ngầm ở dưới đất như: hệ thống điện ngầm, cống ngầm, rồi trồng cây xanh. Thứ ba là không gian đệm giữa đường và nhà để tránh việc từ nhà xuống đường là gặp phải làn giao thông, hay là nơi đỗ xe vì phương tiện giao thông phải có chỗ đỗ. Thứ tư là không gian công cộng của đô thị, là nơi cho mọi người gặp nhau, trò chuyện giao tiếp, chờ đợi nhau.

Vậy phải bố trí thế nào để có ghế cho họ ngồi. Tóm lại khi lập lại trật tự thì phải làm sao cho 4 chức năng ấy không mâu thuẫn với nhau, tức là mặt nào cũng phải đáp ứng một cách thoải mái đừng để lộn xộn, đừng để chức năng này lấn át, cản trở chức năng khác.

Từ vấn đề lập lại trật tự trên vỉa hè tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề quy hoạch đô thị của ta hiện nay khi chưa gắn với quy hoạch giao thông?

- Quy hoạch là một chuyện, nhưng điều chuyển quy hoạch lại là một chuyện, và thực hiện quy hoạch lại là một chuyện khác. Những cái đó, trong Luật Quy hoạch đô thị đã quy định rõ ràng, có điều chúng ta làm không đúng, bây giờ phải làm nghiêm theo luật. Thứ hai, tuy luật pháp đã có quy định về quy hoạch nhưng chưa đầy đủ.

Chẳng hạn như khu đô thị mới mọi việc chưa phải là đã tốt vì khu đô thị mới bây giờ lại tạo thêm một luồng giao thông căng thẳng thêm khi đến khu đó. Còn xây dựng trong khu đô thị hiện nay tùy tiện dù rằng có quy hoạch.

Tôi nói ví dụ như bây giờ quy hoạch lại khu vực triển lãm Giảng Võ. Đó là “miếng đất vàng” nhưng quy hoạch miếng đất ấy phải kết hợp với cải tạo của toàn bộ khu Giảng Võ, chứ không phải lấy một miếng đất của triển lãm Giảng Võ để quy hoạch lại. Bởi đấy là phản lại quy hoạch. Không ai quy hoạch từng công trình một, mà quy hoạch từng khu vực phải cân đối các nhu cầu trong khu vực đó.

Tóm lại, quy hoạch vẫn chạy theo dự án chứ không phải điều hành dự án. Còn tại sao lại “chạy” theo, cái đó đã rõ.

Ông nghĩ sao khi lập lại trật tự vỉa hè, cấm các hộ kinh doanh không được bày bán trên vỉa hè, nhưng còn việc bán hàng rong trên vỉa hè vì đằng sau nó là vấn đề mưu sinh của người dân...

- Không phải Luật quy định tất cả mọi thứ được. Nhưng tôi cho anh kinh doanh ở trong nhà thì tại sao anh lại bày bán ra vỉa hè? Kinh doanh là việc của anh còn vỉa hè của công cộng chứ không phải là nơi anh bày hàng ra để bán hàng.

Còn hàng rong cũng không được phép cản trở người đi lại. Đằng sau mỗi gánh hàng rong là cuộc sống của mỗi hộ gia đình. Do đó không phải ở đâu cũng cho phép bán hàng rong trên vỉa hè, nhưng chúng ta có thể cho phép bán ở trong ngách, nơi có ngách từ phố chính.

Việc dựng barie để giành vỉa hè cho người đi bộ nhưng lại không được người dân đồng tình.

Thực tế nhiều nơi trên thế giới họ cũng cho phép việc đó. Tại sao lại nghĩ hàng rong là cái đáng tiêu diệt? Hàng rong là cách sinh sống, và chỉ ở một số phố chứ không phải tất cả các phố. Bên cạnh đó hàng rong lại là đặc điểm của phố cổ. Nếu không có hàng rong sẽ làm giảm đi bản sắc. Do đó cần bố trí như thế nào cho hợp lý thôi vì tại một số phố cổ của các nước họ cũng cho phép bán nhưng không cho xả rác mà phải có thùng đựng rác thì mới cho bán, nếu không sẽ phạt.

Tôi nói những chuyện đó để thấy rằng chúng ta nên lập lại trật tự trên vỉa hè để cho 4 chức năng của vỉa hè được thực hiện, nhưng quan trọng 4 chức năng không được cản trở lẫn nhau mà thôi. Vì thế dẹp vỉa hè là một chủ trương đáng hoan nghênh, và cần phải làm. Nhưng không những cần quyết tâm mà cần phải có kiến thức, trong đó cần am hiểu về tình hình kinh tế và xã hội.

Chính ra chúng ta phải lập lại trật tự trên vỉa hè từ lâu nhưng không thực hiện. Vậy để cho những vi phạm tồn tại trong thời gian qua theo ông trách nhiệm thuộc về ai?

- Tại sao thời gian qua không dẹp được? bởi đến dẹp xong, có khi cho cái “phong bì” xong lại thôi. Đó là do chính quyền địa phương không nghiêm. Tất cả là do chúng ta buông lỏng quản lý và một phần do thiếu tính chuyên nghiệp trong quản lý. Do đó về mặt cán bộ, chúng ta phải tăng thêm tính chuyên nghiệp, không đưa “con ông cháu cha, quen biết” vào bộ máy mà cần những người có kiến thức. Thứ hai, ngoài kiến thức thì muốn làm được phải có đạo đức công vụ.

Vậy ai kiểm tra kiến thức và đạo đức công vụ? thì HĐND, các đại biểu dân cử cần lấy ý kiến nhân dân, rồi kiểm tra, kiểm soát thấy người dân có ý kiến ở chỗ nào thì phải yêu cầu chính quyền nơi đó phải sửa. Nếu không, tôi không bầu ông làm Chủ tịch UBND nữa. Như thế công cụ và trách nhiệm mới rõ ràng.

Quy hoạch đô thị cũng gắn với vấn đề văn hóa, du lịch. Theo ông tại các đô thị lớn hiện nay chúng ta có nên quy hoạch thành các tuyến phố đường sách, đường hoa?

- Đường sách, hay đường hoa không phải mở bất kỳ ở đâu cũng được. Do đó cái này cần phải tính toán cụ thể, và chi tiết thêm. Nhưng theo tôi những chỗ có điều kiện thì tại sao lại không mở? Và mở cũng phải gắn với quy hoạch, trong đó có quy hoạch giao thông.

Trân trọng cảm ơn ông!

Vỉa hè là để dành cho người đi bộ. Với khách du lịch, họ muốn ngắm thành phố, hay xem dọc phố có hàng hóa gì thì mua. Về tổng quát, vỉa hè có nơi rất rộng nhưng có nơi lại rất hẹp cho nên cần thì tùy theo điều kiện rộng-hẹp mà xử lý. Ví như có thể cho xe máy vào đỗ, vì đó là nhu cầu nhưng lâu nay không ai lập trật tự mà cứ để cho đỗ ngang, đỗ dọc. Nghĩa là có dẹp, có lập lại trật tự. Dẹp là dẹp những cái xây dựng cố định, còn lập lại trật tự là để cho các chức năng không mâu thuẫn với nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lộn xộn vỉa hè: Vì sao không dẹp được?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO