Lòng tốt không có 'màu'

Tinh Anh 08/10/2020 09:00

Ở xã hội chúng ta, người tốt nhiều lắm, họ chỉ khác nhau về cách thể hiện thiện tâm mà thôi. Song, những người toàn tâm toàn ý “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như ông Đoàn Ngọc Hải (TP HCM) không nhiều, có thể gọi là trường hợp hiếm gặp. Lòng tốt của ông cần được ghi nhận, trân trọng, chớ nên “ném đá” là “làm màu”. Thiện tâm thì đâu có “màu”!

Ông Đoàn Ngọc Hải cùng xe cứu thương tại khuôn viên của BV Ung Bướu Đà Nẵng để chờ đưa bệnh nhân về quê. Nguồn Kênh 14.vn.

Mẫn cán trong công vụ

Ông Đoàn Ngọc Hải “nổi tiếng” từ khi còn đương chức Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP HCM) với câu nói đầy ấn tượng: “Không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn”. Trong chiến dịch giành lại vỉa hè, ông Hải luôn có thái độ kiên quyết, không khoan nhượng với bất cứ trường hợp vi phạm trật tự đô thị nào trên địa bàn. Dù người vi phạm có là ai, quen ông “cốp” cỡ nào thì ông Hải vẫn không hề e ngại, xử lý nghiêm khắc đúng quy định của pháp luật. Chẳng thế mà nhiều xe ô tô biển ngoại giao, biển xanh công vụ đỗ sai quy định cũng bị ông cho cẩu về trụ sở, vọng gác ngân hàng lấn chiếm vỉa hè cũng bị ông dẹp bỏ.

Lúc đương chức Phó Chủ tịch UBND quận 1, ông Đoàn Ngọc Hải khẳng định sẽ kiên quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, không làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” như những lần “ra quân” trước. Mục tiêu là xây dựng khu vực quận 1 sạch đẹp như Singapore. Đó chính là lý do mà ông Hải tuyên bố: Lấn vỉa hè thì một tấc cũng đập. Nói là làm, trong quá trình làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, phát hiện một bức tường lấn chiếm vỉa hè trên đường Huỳnh Thúc Kháng, ông Đoàn Ngọc Hải kiên quyết chỉ đạo đập bỏ. Nhiều lần có những trường hợp vi phạm xin bỏ qua, nhưng ông Đoàn Ngọc Hải không chấp nhận mà kiên quyết xử lý.

Trước thái độ “nhu nhơ, lờ vờ” của lãnh đạo một số phường trên địa bàn quận 1, ông Đoàn Ngọc Hải không ngại gay gắt, yêu cầu hạn chế họp hành để tập trung vào công việc. Ông Đoàn Ngọc Hải đã tỏ thái độ nghiêm khắc với lãnh đạo phường Bến Thành: “Bỏ hội họp vô nghĩa đi. Dân trông mình làm việc chứ không chờ mình họp! Tôi cần những việc làm cụ thể chứ không phải những cuộc họp hay kế hoạch. Người dân đang kỳ vọng vào chính quyền, mà mình cứ đủng đỉnh sao xã hội phát triển được...”. Chính vì thái độ “rắn” của ông Hải mà trật tự đô thị tại quận 1 đã được lập lại trong một khoảng thời gian.

Với ông Đoàn Ngọc Hải thì việc giành lại vỉa hè không có “vùng cấm”. Điều đó đã được ông thể hiện trong buổi trao đổi với lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM, khi dẹp vọng gác của đơn vị này lấn chiếm vỉa hè: “Tôi đang thực thi công vụ, quyết tâm lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Nhiệm vụ của tôi hết sức nặng nề, hết sức đụng chạm. Chúng ta cùng nhau hợp tác, đồng thuận và chia sẻ để giải quyết vấn đề. Không có cơ quan nào được đứng trên pháp luật, tất cả đều thượng tôn pháp luật. Tôi phải công bằng và làm nghiêm...”. Không vì sự can thiệp của bất cứ ai, cơ quan nào khiến ông Hải phải chùn bước, bó tay không dám làm nghiêm.

Dám từ chức khi “trái tay”

Sau đó một thời gian, người dân quận 1 không còn thấy ông Đoàn Ngọc Hải “xuống đường” kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự quản lý đô thị nữa. Trước thực trạng tái chiếm vỉa hè quận 1 sau khi ông Đoàn Ngọc Hải ngưng “xuống đường”, người dân quan tâm, ủng hộ chiến dịch “giải cứu” vỉa hè trước đây hồ hởi, hy vọng bao nhiêu, giờ càng cảm thấy thất vọng bấy nhiêu. Nhiều người đoán già, đoán non, không hiểu có phải ông Hải “có phốt” bị cấp trên khiển trách, kỷ luật hay không mà không còn thấy đi dẹp vỉa hè nữa. Trả lời báo chí, ông Hải khẳng định không phải bị ngã lòng vì tình trạng bắt cóc bỏ đĩa khi dẹp vỉa hè, mà bị “trói tay, trói chân” bởi các văn bản của cấp trên.

Ông Hải cho biết, Quận ủy và UBND quận 1, mỗi đơn vị có một văn bản yêu cầu ông ngưng xuống đường nên ông buộc phải chấp hành, không còn cách nào khác. Ông Hải khẳng định mình làm đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ. Những vật cản trên lòng lề đường là phải giải tỏa ngay, nhường đường cho người đi bộ, tránh tai nạn giao thông. Ông Đoàn Ngọc Hải cảm khái: Lãnh đạo các phường cứ ngồi nhìn và chờ đợi cấp trên thì làm sao xong việc được? Biết bao giờ vỉa hè mới thông thoáng, khi ai cũng nghĩ phần đường dành cho người đi bộ là của riêng mình? Ông Hải phải đích thân làm là vì vậy. Nếu muốn được lòng tin của nhân dân thì mọi cán bộ phải quyết tâm hơn nữa, đừng ngại đụng chạm, cũng đừng lợi ích nhóm.

Không còn được “xuống đường” tiếp tục chiến dịch giành lại vỉa hè, không thực hiện được việc lập lại trật tự đô thị phong quang như Singapore, ông Đoàn Ngọc Hải nộp đơn xin từ chức, vì không thực hiện được lời hứa với nhân dân. Trong đơn, ông Hải đã thẳng thắn chỉ ra rằng: Từ tháng 1/2017 đến tháng 10/2017, công tác lập lại trật tự lòng, lề đường quận 1 đã tạo hiệu ứng lớn cho cả nước, Thủ tướng Chính phủ đánh giá tốt và chỉ đạo các địa phương khác cùng thực hiện. Song, việc xử lý hành vi lấn chiếm lòng, lề đường đã động chạm đến lợi ích rất to lớn hàng nghìn tỷ đồng của các nhóm lợi ích, như các bãi giữ ô tô, xe máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền... có sự cộng sinh của một bộ phận không nhỏ cán bộ trong đó. Có lẽ đó là lý do mà nhiều người phản ứng, không muốn cho ông Hải “xuống đường” giành lại vỉa hè.

Sau đó, UBND TP HCM điều động ông Đoàn Ngọc Hải về công tác tại Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH một thành viên, giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc. Khi nhận quyết định bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn, ông Hải cho rằng bản thân không có bằng cấp chuyên môn, cũng không có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực này nên khó lòng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Song, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong lại khẳng định, việc điều động, bổ nhiệm ông Hải là đúng quy trình, chuyên môn. Ông Phong còn khẳng định, mức lương của ông Hải tương đương lương phó giám đốc một sở. Tuy nhiên, sau đó ông Hải vẫn có đơn xin từ chức.

Làm dân thường vẫn có thể cống hiến

Sau khi từ chức, ông Đoàn Ngọc Hải tiếp tục có đơn xin nghỉ trước tuổi. Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH một thành viên đã quyết định đồng ý cho ông Hải nghỉ việc theo nguyện vọng của cá nhân. Vậy là từ Phó Chủ tịch UBND quận 1, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn, ông Hải trở về làm thường dân áo vải. Song, dù lúc đương chức hay khi đã nghỉ, tinh thần vì dân, mong muốn xây dựng một xã hội công bằng, văn minh trong ông Hải vẫn vậy không hề thay đổi. Cuối năm 2019, ông Hải đã nhờ một cửa hàng bán hộ ông chiếc đồng hồ siêu sang và điện thoại Vertu để làm từ thiện.

Đây là hai vật phẩm cá nhân mà trong thời gian đi giành lại vỉa hè, nhiều người đã “soi” và cho rằng nếu không tham nhũng tiêu cực sao ông Hải lại có tiền để sắm những vật dụng đắt tiền đến vậy. Lúc đó ông Hải im lặng, nhưng đến khi nghỉ việc ông mới tiết lộ đó là đồ ông được người thân tặng chứ không phải bỏ tiền ra mua. Sau khi bán được hai vật dụng trên cho một doanh nhân ở Quảng Ninh được khoảng 2 tỷ đồng, ông Hải mua căn hộ giúp đỡ những người vô gia cư có nơi tá túc qua đêm miễn phí. Đó, phẩm chất cao đẹp của con người tự nhiên sẽ tỏa ánh hào quang, đâu cứ phải đi thanh minh, phân bua với thiên hạ?

Chưa hết, tới đầu năm 2020, ông Hải đã bỏ ra khoảng 700 triệu đồng mua một chiếc ô tô đăng ký thành xe cứu thương rồi tự lái để chở người bệnh nghèo về quê miễn phí. Với ông Hải, một chuyến xe chở bệnh nhân từ TP.HCM về Hà Nội chi phí khoảng 21 triệu đồng, về miền Trung khoảng 15 triệu, về miền Tây khoảng 10 triệu đồng... số tiền trên là quá lớn đối với nhiều bà con nghèo. Do vậy, việc ông Hải mua xe cứu thương, chở miễn phí bệnh nhân nghèo về quê là mong muốn phần nào giúp gia đình họ bớt khó khăn hơn. Không chỉ có vậy, dọc đường đi, ông Hải còn lo cơm, nước và phòng nghỉ cho bà con trên xe.

Nhìn cái cảnh ông Hải lúc thì ngồi vỉa hè gặm bánh mì chờ bệnh nhân nghèo tới xin giúp đỡ, lúc thì tất tả ngược xuôi chở bệnh nhân và người thân về quê miễn phí, ai có thể không cảm động, ai có thể không muốn góp một tay giúp đỡ? Ấy vậy mà vẫn có kẻ nói rằng ông Hải đang “làm màu”, PR cho bản thân... Thật hết biết nói với những người vô tâm, ác khẩu đến vậy. Giờ, ông Hải đã nghỉ việc, đâu còn cần thăng quan tiến chức gì để mà PR cho bản thân đây? Mà liệu có ai vì “làm màu” mà ngủ vạ vật trên đường, bữa ăn tạm bợ, thêm vào đó là mất tiền xăng, hao mòn xe, tiền bao nơi ăn chốn ngủ cho bệnh nhân nghèo trên đường về, cộng thêm vất vả lao lực đường dài không? Vậy nên, hãy chung tay cùng ông Đoàn Ngọc Hải giúp đỡ người nghèo, nhất là người bệnh, đừng “chọc ngoáy” nữa!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lòng tốt không có 'màu'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO