Lựa chọn sách giáo khoa mới: Nhiều việc cần làm

Thu Hương 20/08/2019 08:00

Trong khi Bộ GDĐT đang thực hiện biên soạn sách giáo khoa (SGK) thì Hội đồng thẩm định SGK cũng đang tiến hành thẩm định 5 bộ SGK đầy đủ và một số môn có 6 cuốn. Dự kiến, cuối tháng 9 tới Hội đồng có thể thẩm định xong để công bố trên cả nước. Sau đó, các địa phương sẽ thành lập Hội đồng lựa chọn SGK cho riêng địa phương mình.

Lựa chọn sách giáo khoa mới: Nhiều việc cần làm

Việc lựa chọn SGK nào để giảng dạy sẽ là một bài toán đối với các địa phương. Ảnh: Hữu Thái.

Đảm bảo tính độc lập của Hội đồng thẩm định

Theo lộ trình, năm học 2020 - 2021 Bộ GDÐT chính thức thay SGK lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới. Đến thời điểm này, đã có 3 nhà xuất bản nộp bản thảo 5 bộ SGK lớp 1 và một số môn của các nhóm tác giả khác.

Ngày 15/7, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định thành lập 9 hội đồng thẩm định SGK lớp 1. Hiện các hội đồng đang tích cực làm việc để đến thời gian dự kiến là ngày 30/9 có thể công bố các bộ SGK đạt yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới rộng rãi trên toàn quốc. Các bước tiến hành cụ thể bao gồm: các hội đồng đánh giá theo 3 mức: đạt, đạt nhưng phải sửa chữa, bổ sung và không đạt. Bộ sách nào đạt yêu cầu sẽ được công bố. Các bộ sách còn lại có quyền được đề nghị thẩm định lần 2, quy trình thẩm định lần hai có các bước thực hiện như thẩm định lần đầu.

Đến thời điểm này, sau khoảng 1 tháng tiếp cận bản thảo những bộ SGK được thẩm định, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Cơ bản các SGK đã cụ thể hóa được tinh thần của chương trình 2018. Nhưng để làm cho thật chặt chẽ, thật tốt không còn “sạn”, Hội đồng thẩm định đã có đánh giá chung và đưa ra yêu cầu cần phải sửa chữa, sau đó, gửi lại cho hội đồng tiếp tục thẩm định lần thứ hai”. Những phần tác giả không tiếp thu thì giải trình bằng văn bản, không tranh luận trực tiếp.

Chia sẻ thêm với riêng môn Toán lớp 1, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Hội đồng thẩm định nhận được 6 quyển SGK của 6 nhóm tác giả. Với số lượng 13 thành viên, Hội đồng phải mở từng trang, đọc từng dòng của mỗi cuốn SGK. Sự cẩn trọng, tỉ mỉ khi thẩm định là yêu cầu không thể thiếu khi đánh giá mỗi một cuốn sách SGK vì đây trước hết là tâm huyết của các nhóm tác giả đối với nền giáo dục nước nhà. Những người tham gia viết sách gồm các nhà khoa học, các giáo viên giỏi trực tiếp giảng dạy chương trình... Trong số đó, có những người tham gia viết SGK không phải vì lợi nhuận mà mang mục đích cống hiến cho xã hội, cho thế hệ sau những tri thức, tình cảm và tâm huyết của mình. Vì thế, cần sự đánh giá kỹ lưỡng, khách quan và công bằng đối với những sản phẩm giáo dục này.

Địa phương lựa chọn SGK

Ông Thái Văn Tài- quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết, theo Luật Giáo dục 2019 (sửa đổi), UBND các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ lựa chọn SGK. Bộ GDĐT cũng đang xây dựng thông tư hướng dẫn các địa phương lựa chọn SGK. Hiện nay, đang trong quá trình soạn thảo thông tư. Dự kiến trong năm 2019 thông tư này sẽ được ban hành.

Cụ thể, sắp tới, Bộ GDĐT sẽ ban hành thông tư hướng dẫn thành lập Hội đồng lựa chọn SGK cho mỗi địa phương. Theo đó, Hội đồng sẽ tham vấn cho UBND tỉnh quyết định lựa chọn SGK. Thành phần Hội đồng dự kiến gồm: Các nhà khoa học, cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy ở địa phương. Số giáo viên trong hội đồng lựa chọn phải giữ tỷ lệ ít nhất là 1/3 số thành viên hội đồng. Vì họ là những người hiểu về chương trình và thực dạy nên sẽ lựa chọn được bộ SGK phù hợp nhất. Về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam góp ý khi một một số bộ sách được thẩm định “đạt” thì việc lựa chọn dạy học bộ sách nào là quyền của các địa phương. Như vậy, trách nhiệm trước hết đặt lên vai các Hội đồng thẩm định cần làm việc nghiêm túc, chặt chẽ để có được những bộ SGK chất lượng nhất.

Về vấn đề này, tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học mới của Sở GDĐT Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh, địa phương sẽ không chờ đến năm 2020-2021 mà ngay từ bây giờ sẽ thực hiện ngay cho việc chuẩn bị lựa chọn SGK. Cụ thể, ông Chung đề nghị lãnh đạo Sở GDĐT, lãnh đạo các phòng giáo dục, đặc biệt ban giám hiệu hệ thống các trường trong toàn TP, sớm thành lập hội đồng thẩm định do Giám đốc Sở GDĐT làm chủ tịch, mời cả chuyên gia trong và ngoài nước cùng để đánh giá SGK mới. Sau khi đánh giá sẽ có tham mưu, đề xuất cho Thành uỷ, UBND TP triển khai. Ông Chung cho rằng, điều quan trọng phải đánh giá thực tiễn, các vùng cho phù hợp vì Hà Nội cũng có một số con em đồng bào dân tộc nên lựa chọn làm sao để đạt mục tiêu giáo dục. Mục tiêu đặt ra là sản phẩm giáo dục phải đảm 3 yếu tố: sức khoẻ, đạo đức và kiến thức.

Rõ ràng, việc lựa chọn SGK nào để giảng dạy sẽ là một bài toán đối với các địa phương. Ở đó, trách nhiệm của Sở GDĐT là tham mưu cho UBND tỉnh, thành lập hội đồng thẩm định của tỉnh, thành để chọn ra bộ sách phù hợp. Một cơ sở quan trọng trong việc lựa chọn đó là căn cứ vào kết quả quá trình dạy thực nghiệm các bộ SGK ở các vùng miền khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lựa chọn sách giáo khoa mới: Nhiều việc cần làm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO