Luân chuyển

Việt Thắng 15/07/2017 08:05

Cán bộ lãnh đạo được ví như “cột nhà”, cột có vững thì nhà mới chắc. Phẩm chất người đứng đầu gói gọn trong 3 chữ: “tâm, tầm, tài”. Đây là vấn đề đã được đặt ra từ lâu, trong đó việc luân chuyển cán bộ như một thử thách. Nhưng trong số cán bộ luân chuyển, không phải trường hợp nào cũng hiệu quả; một số trường hợp lại được coi là “bình phong” để thăng quan, tiến chức.

Cán bộ là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong công tác quản lý của bộ máy nhà nước. Trong 4 khâu cơ bản của công tác cán bộ là: đánh giá cán bộ; quy hoạch cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thì luân chuyển cán bộ được coi là khâu đột phá trong công tác cán bộ. Bởi luân chuyển còn có ý nghĩa “phá vỡ thế trận khép kín, cục bộ địa phương trong công tác cán bộ để tránh tình trạng “một người làm quan, cả họ được nhờ”.

Khi người lãnh đạo được trải qua nhiều vị trí, công tác ở nhiều địa phương sẽ có điều kiện đề xuất các quyết sách nâng cao năng lực điều hành và thực thi trong các điều kiện thực tế khác nhau. Từ rèn luyện, thử thách sẽ tạo nên những động lực mới, công việc mới, cách tư duy mới, môi trường và điều kiện mới.

Cán bộ là gốc của công việc. Đường lối chủ trương chính sách đúng thành bại hay không là do cán bộ quyết định. Tìm được cán bộ đúng thì bộ máy hành chính nhà nước sẽ trơn tru, thành công. Nhưng trước khi được bổ nhiệm việc kinh qua cấp cơ sở để “nắm bắt nhân tình thế thái” là việc được Đảng điều động, và lựa chọn. Mà trong đó người cán bộ lãnh đạo được ví như “cột nhà”, cột có vững thì nhà mới chắc. Đây là vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng thực tế thì việc luân chuyển đối với một số trường hợp lại dễ dãi, bị xem nhẹ; có khi trở thành bức bình phong để thăng quan tiến chức mà Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ điển hình.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 11-NQ/TW về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2007/NĐ-CP quy định rõ 21 vị trí công tác phải thường xuyên luân chuyển. Nghị quyết Trung ương 6 khóa IX cũng khẳng định việc luân chuyển cán bộ ở các cấp, các ngành phải được tiến hành tích cực, thận trọng, kết hợp giữa việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý với việc ổn định đội ngũ chuyên gia trên các lĩnh vực, chuẩn bị tốt cả nơi cán bộ đi và đến, không làm ồ ạt, tràn lan.

Thế nhưng công tác luân chuyển cán bộ hiện vẫn bộc lộ những bất cập. Tại Hội nghị về công tác luân chuyển cán bộ do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức cách đây tròn 3 tháng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã chỉ ra công tác luân chuyển cán bộ thời gian qua còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế về tư duy, cách làm còn chậm đổi mới.

Đó là: Chưa có phương pháp đánh giá chính xác đối với cán bộ luân chuyển thông qua các tiêu chí; chưa xây dựng được các quy định về công tác luân chuyển cán bộ một cách đầy đủ, đồng bộ và chặt chẽ. Một số mục tiêu, yêu cầu đặt ra đối với công tác luân chuyển cán bộ chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa hiệu quả. Trong 5 năm từ 2011-2016 đã có hơn 3.000 lượt cán bộ không phải người địa phương được luân chuyển kết hợp với bố trí chức danh lãnh đạo; trong đó 53 cán bộ luân chuyển giữ chức danh Phó Bí thư và Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Nhiều cán bộ trong số này đã phát huy được vai trò, vị trí trong và sau luân chuyển; nhưng cũng không ít cán bộ chưa thực sự phát huy được vai trò, vị trí ngay trong thời gian luân chuyển.

Nhìn lại quá trình từ Đại hội X, nhà báo Nhị Lê- Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, 15 năm qua công tác luân chuyển cán bộ có thể đánh giá trên 3 mặt. Một là giải quyết công việc nơi cán bộ cần phải đến được cái gì hay đưa về đấy lại hỏng, làm rối phong trào? Hai là mức độ trưởng thành của cán bộ, luân chuyển trở về có khá hơn không hay lại làm hỏng cán bộ? Ba là hậu luân chuyển, luân chuyển xong có được về hay không hay đi xong về thì không phát triển được? Tựu trung được ông Nhị Lê nhắc đến là sau khi luân chuyển xong trở về cái được nhất là “được ở sự trưởng thành nhưng không ai tính đến” mà chỉ tính đến “sự phát triển trong thang bậc quan lại”.

Từ đó mới tạo nên phức tạp trong quá trình luân chuyển: Chọn ai? Đi đâu? Giữ chức vụ gì? Từ đó mới sinh ra “chạy” luân chuyển. “Các cán bộ thuộc diện luân chuyển, không ai nghĩ rằng, đến đó giúp được cơ sở cái gì mà nhiều người chỉ nhăm nhăm nghĩ rằng quay về thì giữ chức gì? Lên quan lên chức thế nào? Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn nói rằng chúng ta chưa tính toán đến điều kiện cần và đủ cho một cuộc luân chuyển. Có nơi thì bàn bạc dân chủ; có nơi thì áp chế đưa về. Thế là “chết” cán bộ”- theo ông Nhị Lê.

Và vẫn theo ông Nhị Lê, sắp tới cần phải định hướng được luân chuyển, định tính luân chuyển, định danh luân chuyển và định vị luân chuyển. Tất cả cái đó phải được lượng hóa. Phải nắm được sở trường của người được luân chuyển, chứ “chưa nặn Bụt đã nặn bệ”, gieo vào trong đầu người được luân chuyển tâm lý làm quan. Thế là hỏng luôn đại cuộc, tạo ra ảo tưởng đi rồi về phải có chức cao hơn là nguy hiểm, làm hỏng cả cán bộ, hỏng cả thế bố trí cán bộ chiến lược của Đảng, hỏng cả phong trào.

Suy cho cùng, công tác luân chuyển cán bộ chỉ có thể phát huy tác dụng, trở thành khâu đột phá khi kết hợp chặt chẽ, đồng bộ với các khâu của công tác cán bộ. Vì đánh giá cán bộ là tiền đề, quy hoạch cán bộ là nền tảng, luân chuyển cán bộ là đột phá, còn đào tạo cán bộ là khâu vừa cấp bách vừa lâu dài. Khi các khâu có sự đấu nối, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau mới thành sợi xích, trong đó mỗi mắt xích đều chắc, thì mới thúc đẩy phát triển.

Chính vì lẽ đó, tại Hội nghị về công tác cán bộ bàn về phương hướng, giải pháp thực hiện công tác luân chuyển cán bộ trong nhiệm kỳ 2016-2021, nhiều đại biểu đã đề nghị, công tác luân chuyển cán bộ, bố trí cán bộ phải đảm bảo cơ cấu cán bộ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, không thể để xảy ra hiện tượng khép kín, cục bộ, mất đoàn kết nội bộ, lợi ích nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luân chuyển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO