Luẩn quẩn Brexit

Thế Tuấn (theo AP Reuters) 24/09/2019 07:00

Hôm 23/9, trước khi rời London(Anh) sang New York (Mỹ) đàm phán với lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) trong khuôn khổ kỳ họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc,Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo không nên kỳ vọng đạt được đột phá Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh  châu Âu-EU).  “Brexit không thỏa thuận không thể chốt lại trong 1 ngày 24/9”- ông B.Johnson nói.

Luẩn quẩn Brexit

Vẫn chưa rõ lối thoát cho Brexit. (Nguồn: Reuters).

Nội dung gây tranh cãi nhất

“Tôi cảnh báo đừng cho rằng cuộc họp hôm 24/9 sẽ rất quan trọng. Tôi không hy vọng sẽ đạt được bước đột phá về Brexit “-ông B.Johnson nói. Điều đó cho thấy, bản thân ông B.Johnson cũng không nắm chắc được điều gì sẽ tới Brexit, trong khi Nghị viện Anh vẫn chưa hoạt động trở lại. Ông B.Johnson còn cho biết vẫn còn có những bất đồng và khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận bất chấp những tiến bộ lớn mà ông đã đạt được kể từ khi nhậm chức hồi tháng 7 vừa qua. Đó là việc các nhà lãnh đạo EU đã công nhận rằng cần thay đổi thỏa thuận “ly hôn” đạt được hồi năm ngoái giữa lãnh đạo EU với bà cựu Thủ tướng Anh Theresa May.

Hôm nay (24/9), theo kế hoạch, Thủ tướng Anh B.Johnson sẽ có các cuộc thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bên lề kỳ họp của Đại hội đồng LHQ. Hồi tuần trước, Anh đã chia sẻ tài liệu kỹ thuật với EU, trong đó London nêu ý tưởng giải quyết điều khoản chốt chặn- vấn đề gây tranh cãi với EU. Tuy thế thì tới thời điểm này, Thủ tướng B.Johnson vẫn đang cố gắng thúc đẩy cam kết Brexit diễn ra đúng thời hạn (ngày 31/10 tới) bất kể có hay không có thỏa thuận với EU. Điều khoản “chốt chặn” về vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland là nội dung gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận Brexit. Điều khoản này quy định sau Brexit, Anh sẽ ở lại Liên minh thuế quan trong khi vùng Bắc Ireland duy trì quan hệ thương mại gần gũi hơn với EU để đảm bảo tránh một đường biên giới cứng trên đảo Ireland, cũng như sự toàn vẹn của “Hiệp ước ngày thứ Sáu tốt lành” ký kết năm 1998 vốn mang lại sự ổn định ở vùng này sau cuộc xung đột kéo dài 30 năm khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Phe chống EU tại Anh kịch liệt phản đối vì cho rằng điều khoản này sẽ khiến Anh “mắc kẹt vô thời hạn” trong những quy định thuế quan của EU và khó tiến tới mục tiêu tự do về kinh tế.

“Nín thở chờ đợi”

Xung quanh điểm mấu chốt này, giới quan sát cho rằng chí ít thì Brexit “không thỏa thuận” sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng và tức thì đối với ngành công nghiệp ô tô, làm suy giảm sức cạnh tranh và gây ra những thiệt hại lớn. Điều đó tác động trực tiếp tới những “ông lớn” sản xuất ô tô của EU lẫn nước Anh.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 23/9, các hiệp hội những nhà sản xuất ô tô và xe máy EU đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng của việc Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại song phương hậu Brexit. Các tổ chức công nghiệp trên toàn châu Âu cùng với 21 hiệp hội doanh nghiệp ô tô quốc gia, trong đó có Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô Anh (SMMT), cho rằng các mức thuế mới đối với các loại ô tô và xe tải có thể khiến ngành công nghiệp của Anh và EU thiệt hại 5,7 tỷ euro (6,3 tỷ USD) nếu kịch bản Brexit “không thỏa thuận” xảy ra. Và người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với tình trạng giá cả gia tăng nếu các nhà sản xuất không khắc phục được những chi phi tăng thêm này.

Nhưng, ông B. Johnson khăng khăng cho rằng, nếu điều này diễn ra thì Brexit vẫn phải đúng thời hạn, kể cả việc hàng hóa của Anh sẽ phải chịu các mức thuế theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)- đối với các ô tô do Anh sản xuất và xuất khẩu thì mức thuế này là 10%.

Phản ứng tức thời, Christian Peugeot- Chủ tịch Ủy ban các nhà sản xuất ô tô Pháp cho rằng, Brexit không chỉ là vấn đề của Anh mà liên quan tới tất cả hiệp hội, tổ chức và doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp ô tô châu Âu. Ngành công nghiệp ô tô châu Âu hiện có sản lượng hơn 19 triệu xe/năm và sử dụng gần 14 triệu lao động. Trong khi Anh là một thị trường xuất khẩu ô tô lớn của châu Âu, thì nước này cũng có nền công nghiệp ô tô phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, nếu Brexit “không thỏa thuận” diễn ra, thì các doanh nghiệp sẽ không thể vận hành các hoạt động sản xuất - kinh doanh ở một thị trường chung theo cách thức mà họ đã thích nghi.

Và như vậy, nói tóm lại, trong “cuộc chiến Brexit”, cả EU lẫn nước Anh đều đang “nín thở chờ đợi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luẩn quẩn Brexit

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO