Luật Đường sắt: Cần kết nối với các loại hình giao thông

T.Dương 31/05/2017 06:00

Ngày 30/5, Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Băn khoăn về tính khả thi của một số điều để đảm bảo khi ban hành áp dụng được ngay và đi vào cuộc sống, ĐB Đặng Hoàng Tuấn (Long An) cho rằng, cần quy định cụ thể chính sách của Nhà nước trong các điều luật.

“Luật Đường sắt năm 2005 và Dự thảo Luật đều quy định trong quy hoạch phải có nội dung kết nối hạ tầng đường sắt. Tuy nhiên, thực tế, thời gian qua chúng ta đã không quan tâm phát triển đường sắt kết nối. Cụ thể các cảng biển mới xây dựng không có đường sắt kết nối như cảng Đình Vũ - Hải Phòng, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng để vận chuyển hàng hoá cho cảng Hải Phòng nay chuyển sang cảng Đình Vũ nhưng không xây dựng đường sắt kết nối. Hệ quả là giao thông trên quốc lộ 5 tắc nghẽn, trong khi đó đường sắt chỉ khai thác 4 đôi tàu ngày đêm, bằng 16% năng lực vận tải trên tuyến”- ông Tuấn dẫn chứng.

Đồng thời cho rằng, cần quy định cụ thể trong luật ngoài việc Bộ GTVT lập quy hoạch phát triển đường sắt và phải lập quy hoạch kết nối giao thông đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị, đường biển, hàng không trình Thủ tướng phê duyệt. UBND cấp tỉnh ngoài việc lập quy hoạch phát triển đường sắt đô thị phải lập quy hoạch kết nối giao thông đường sắt đô thị với các loại hình giao thông công cộng khác trình Thủ tướng phê duyệt.

“Việc quy định chính sách khuyến khích đầu tư trong Luật 2005 sau hơn 10 năm triển khai thực hiện đã không thể đi vào thực tế cuộc sống như mong muốn. Nếu Dự thảo Luật Đường sắt lần này vẫn quy định chung chung như vậy sẽ lại khó thực thi”- ông Tuấn bày tỏ.

Theo ĐB Võ Đình Tín (Đăk Nông), hiện Việt Nam còn sử dụng đường sắt khổ nhỏ, tốc độ chạy tàu còn chậm chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Do đó Luật sau khi ban hành phải tạo động lực phát triển đường sắt một cách toàn diện, phải có chính sách xã hội hoá mạnh mẽ, tạo cơ chế để Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới và nâng cấp đường sắt, cũng như điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh thu hồi vốn để tiếp tục xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

Còn ĐB Nguyễn Văn Chương (TP.HCM) cho rằng, đường sắt trải dài khắp cả nước, đây là lợi thế khi triển khai thế trận trên khắp cả nước, các vùng miền một cách linh hoạt, tập trung sức mạnh và phân tán lực lượng khi cần thiết, điều này hết sức lợi hợi, cần thiết trong tác chiến, bảo vệ bờ biển. Trong những thập kỷ tới, thách thức trên Biển Đông rất lớn, tác động trực tiếp đến khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta. Do vậy có một đường sắt hiện đại sẽ góp phần xây dựng kinh tế quốc phòng nói chung và khu vực phòng thủ trên biển đảo nói riêng.

Theo ông Chương, vì lợi ích lâu dài cần tích cực tìm ngân sách đầu tư cho ngành đường sắt, mua sắm đầu máy, công cụ, thiết bị để ngành đường sắt phát triển. “Xin đừng quên ngành đường sắt như mấy chục năm qua ta đã quên ngành vận tải chiến lược này”- ông Chương cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thể- Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho rằng, nếu đầu tư tốt cho hệ thống đường sắt, cải thiện tốc độ chạy tàu thì người dân sẽ chuyển sang đường sắt, giảm gánh nặng cho đường bộ vì vận chuyển bằng đường sắt an toàn hơn so với đường bộ. Nếu kết nối tốt thì giao thông vận tải phát triển. Cho nên cần giao trách nhiệm cho Chính phủ, Bộ GTVT hàng năm phải dành 35% vốn cho giao thông để ràng buộc trách nhiệm, có như vậy mới tạo được sự đột phá trong ngành đường sắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật Đường sắt: Cần kết nối với các loại hình giao thông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO