Luật Giáo dục đại học: Sửa thế nào?

Lam Nhi 28/09/2017 09:35

Từ 159 báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục đại học góp ý sửa đổi Luật Giáo dục đại học 2012, Bộ GDĐT sẽ tổng hợp, lựa chọn để sử dụng trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của GDĐH. Nhiều vấn đề được đề cập nhưng theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ GDĐH, trong lần sửa đổi này, có thể có những nội dung không sửa đổi được hết do sẽ phải trình vào tháng 5 và thông qua tháng 10 năm 2018 rất gấp nên khó đạt hết được những kỳ vọng.

Những thành tựu đạt được

Đánh giá sau 5 năm thực hiện Luật GDĐH, Bộ GDĐT cho rằng Luật đã quy định các nội dung khá toàn diện về GDĐH, tạo môi trường pháp lý cho các cơ sở GDĐH phát triển và khẳng định vị thế trong hệ thống GDĐH Việt Nam cũng như trên bình diện quốc tế.

Cụ thể, Luật GDĐH đã nâng các quy định tại các văn bản dưới luật đã được thực hiện kiểm nghiệm thành các quy định có tính pháp lý cao để các cơ sở giáo dục đại học có hướng phát triển ổn định. Thứ hai, Luật đã đặt nền móng vững chắc cho tự chủ ĐH. Bước đầu, cơ sở GDĐH đã được giao quyền tự chủ trong hầu hết các mặt hoạt động như: công tác quản lý tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, về hoạt động tuyển sinh và đào tạo… Thứ ba, Luật đã đổi mới công tác quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ ĐH thông qua các quy định khung để hình thành các quy chuẩn như: mở trường, mở ngành, chuẩn giảng viên… Thứ tư, Luật đã chú trọng công tác bảo đảm chất lượng nhằm nâng cao chất lượng GDĐH, tạo cơ sở pháp lý để từng bước hình thành văn hóa chất lượng trong các trường để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Vì vậy, theo Bộ GDĐT lần sửa đổi này không phải thay mới hoàn toàn, mà vẫn có tính kế thừa.

Sửa chi tiết đến đâu?

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, hiện có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau từ các bên trong góp ý sửa đổi Luật GDĐH 2012. Cần phải bàn tiếp như việc tiếp cận hướng theo luật khung hay pháp điển hóa những nội dung đã được quy định ở các văn bản dưới luật đã ổn định. Như đề xuất của TS Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM), trong sửa đổi luật càng chi tiết, rõ ràng, minh bạch thì càng tốt, tránh được kiện tụng, vướng mắc, khó giải quyết khi thực thi. Bởi hiện nay nhiều trường vi phạm luật nhưng chế tải xử lý không rõ gây nên nhiều bất cập.

Ở góc độ khác, PGS TS Hoàng Minh Sơn cho rằng, không chỉ trong Luật GDĐH mà cả Luật GD nói chung cần quy định cụ thể về các chức danh giảng viên; quy định rõ các cấp độ tự chủ và vai trò, trách nhiệm của bộ chủ quản, hội đồng trường… để tránh những cách hiểu sai khi thực hiện.

Từ thực tiễn trong đào tạo ngành y tế, Phó Cục trưởng Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế Nguyễn Minh Lợi cho rằng, khi sửa đổi, Luật GDĐH cần quy định đặc thù đào tạo y tế, làm cơ sở khi triển khai. Đào tạo ngành y có hai bộ phận quan trọng là đào tạo tại trường và đào tạo lâm sàng tại cơ sở y tế. Cần thể chế hóa nội dung này trong Luật GDĐH sửa đổi sắp tới.

“Ngay cả việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của từng khối ngành đào tạo cũng cần được quy định, xác định rõ trong Luật GDĐH sửa đổi. Bởi thực tế, hiện nay nhiều trường ĐH đa ngành cũng đào tạo khối ngành sức khỏe, nhưng có sự chênh lệch về năng lực so với các trường đào tạo chuyên ngành, cho nên cần thể chế rõ ràng hơn”- ông Lợi nhấn mạnh.

Theo bà Phụng, thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những sửa đổi phù hợp để trình Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật Giáo dục đại học: Sửa thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO