Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với việc xuất bản báo ở Tổng hành dinh kháng chiến

Thành Luân 08/04/2016 14:56

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng với Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và một số cán bộ Văn phòng Trung ương Mặt trận đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt để bàn cụ thể về việc xuất bản tờ báo Giải Phóng, tiền thân của báo Đại Đoàn Kết vào tháng 9/1964…

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với việc xuất bản báo ở Tổng hành dinh kháng chiến

Nhà báo Trần Thanh Phương
phát biểu tham luận tại Hội thảo Khoa học. (Ảnh: Hồng Phúc).

Nhà báo Trần Thanh Phương, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết cho biết như vậy tại Hội thảo Khoa học “Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An” diễn ra vào ngày 8/4 tại TP Tân An, tỉnh Long An.

Hội thảo do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An phối hợp cùng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng tổ chức. Đến dự có TS Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Châu – Trưởng nam của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; ông Võ Anh Tuấn, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp quốc và các nước Cuba, Zimbabwe, Nam Tư, Zambia, Hy Lạp cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đến dự.

Trong đó, TS Lê Bá Trình, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có bài tham luận quan trọng với tiêu đề “Hoạt động và cống hiến của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đối với Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam” (Báo Đại Đoàn Kết sẽ thông tin sâu về bài phát biểu này trên báo in, số ra ngày 9/4).

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Nhà báo Trần Thanh Phương cho biết, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ có công rất lớn trong việc ra đời tờ báo Giải phóng, tiền thân của báo Đại Đoàn Kết. Đó là vào tháng 9/1964, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, cùng với Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và một số cán bộ Văn phòng Trung ương Mặt trận đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt để bàn cụ thể về việc xuất bản tờ báo Giải Phóng - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

“Trong Ban lãnh đạo báo khi đó có Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Mặt trận, sau này Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận tham gia trực tiếp trong vai trò chủ nhiệm của tờ báo, còn anh Kỳ Phương làm chủ bút (tức Tổng Biên tập)”.

Cũng theo Nhà báo Trần Thanh Phương, khi báo Giải phóng chuẩn bị xuất bản số đầu tiên vào ngày 20/12/1964 thì trước ngày này Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã làm việc chỉ đạo Ban Biên tập báo Giải phóng rằng “Chúng ta nỗ lực tối đa để tờ báo có thể ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ tư ngày thành lập Mặt trận. Sau đó, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm để cải tiến hình thức và nâng cao về nội dung. Độc giả báo Giải phóng không chỉ là nhân dân ở vùng giải phóng mà còn ở vùng ven và cả nội thành nữa. Làm sao khi đọc báo Giải phóng, nhân dân miền Nam sẽ được động viên tinh thần yêu nước, tin tưởng ở sức mạnh của cách mạng…”.

Là người nghiên cứu sâu sắc về lịch sử báo Cứu Quốc - Giải phóng - Đại Đoàn Kết, Nhà báo Trần Thanh Phương cũng rất ấn tượng, bởi trong thời kỳ Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch Mặt trận đã giao trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang đối với nhiệm vụ chính trị của báo, là “Làm sao cho báo Giải phóng sẽ vượt vĩ tuyến 17 ra tới đồng bào miền Bắc, cổ vũ bà con ngoài đó đóng góp sức người, sức của vào cuộc chiến đấu trên nửa miền đất nước. Báo Giải phóng cũng sẽ đến với bạn bè quốc tế, giúp cho họ hiểu rõ và hiểu đúng cuộc kháng chiến của chúng ta”.

Nói về những số báo đầu tiên của báo Giải phóng, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết nhớ lại, khi báo Giải phóng ra số đầu tiên vào ngày 20/12/1964 thì một nhà báo Pháp là Madelene Riffoud đã chụp một bức ảnh rất đẹp về chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ tại Tổng hành dinh kháng chiến ở miền Nam. Bức ảnh đã được chọn làm ảnh bìa cuốn sách “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Cả nước tôn vinh Anh” do NXB Văn học xuất bản năm 1995.

Trong một bài viết về ký ức với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bà Madelene cho biết “Trong cuộc đời làm báo của tôi, tôi gặp gỡ không ít các lãnh tụ chính trị, nhưng tôi phải thừa nhận rằng ít người có lòng yêu nước thương dân một cách chân thành và sâu sắc như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ông là một biểu tượng của cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập thống nhất của đất nước, vì tự do hạnh phúc của đồng bào mình”.

“Ở Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - con người, sự hiểu biết sâu rộng, tư cách và phẩm chất của một trí thức lớn hòa quyện một khối. Từ việc lớn đại sự quốc gia đến những việc nhỏ, Luật sư đều chu đáo như nhau.

Nói như ông Trần Bạch Đằng khi nhận xét về Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã nói rằng: “Dù chưa gặp Bác Hồ một lần - Nỗi ân hận khôn nguôi của Luật sư - anh vẫn xứng đáng là người học trò giỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Nhà báo Trần Thanh Phương xúc động nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với việc xuất bản báo ở Tổng hành dinh kháng chiến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO