Lực đẩy và sức ỳ

Hoàng Mai 31/07/2017 07:30

Các chuyên gia khuyến nghị: Đổi mới phương thức vận hành, theo đó, bộ máy hành chính hiện đang được lay chuyển bằng “lực kéo” của Thủ tướng cần chuyển động mạnh hơn bằng lực đẩy xã hội.

Thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) với những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính.

Sáng 29/7, trong cuộc làm việc đầu tiên với Tổ tư vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước. Trong những ý kiến góp ý ấy, có một ý kiến khá đáng chú ý và dường như ý kiến ấy lại nhận được nhiều sự đồng tình từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Đó là ý kiến liên quan đến vấn đề cải cách bộ máy.

Cụ thể, các chuyên gia khuyến nghị: Đổi mới phương thức vận hành, theo đó, bộ máy hành chính hiện đang được lay chuyển bằng “lực kéo” của Thủ tướng cần chuyển động mạnh hơn bằng lực đẩy xã hội.

Không phải chỉ nhiệm kỳ này mà từ nhiều nhiệm kỳ trước, chuyện người đứng đầu Chính phủ phải ra công điện gửi các bộ ngành, địa phương sau mỗi dịp lễ, Tết nhằm yêu cầu bắt tay ngay vào việc không phải là chuyện gì mới mẻ. Nhưng, trong nhiệm kỳ này, việc Thủ tướng gửi công điện yêu cầu các cơ quan Nhà nước, các công bộc của dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm đúng, làm đủ, làm tốt những việc được giao hình như có tần suất dày hơn.

Đơn cử, mới nhất đó là vào cuối tuần qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó đề nghị lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương bố trí thời gian tham gia đầy đủ, đúng giờ các cuộc họp do lãnh đạo Chính phủ chủ trì.

Khi được mời dự họp, các bộ, cơ quan, địa phương cử cán bộ tham dự đúng thành phần được mời, hạn chế cử người dự họp thay, tham dự suốt thời gian họp, không tự ý vắng mặt. Trường hợp yêu cầu công việc đột xuất không thể tham dự hoặc không tham dự đầy đủ nội dung chương trình, phải báo cáo và được sự đồng ý của lãnh đạo Chính phủ chủ trì cuộc họp.

Các bộ, cơ quan, địa phương được mời dự họp phải đăng ký trước thành phần, số lượng người dự họp theo đúng đề nghị tại giấy mời. Khi tham dự các cuộc họp, đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương phải chủ động chuẩn bị các nội dung để đóng góp ý kiến về các vấn đề được thảo luận tại cuộc họp nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong việc tham gia giải quyết các công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ cần đọc qua nội dung văn bản của Văn phòng Chính phủ đủ thấy, riêng chuyện họp để bàn chuyện quốc kế dân sinh; bàn chuyện liên quan đến chương trình hành động, chương trình phát triển của các đơn vị mà còn chuyện họp thay, họp chiếu lệ thì có thể thấy, không có gì đảm bảo từ bàn họp đến việc triển khai trên thực tiễn không có tồn tại, bất cập, khó khăn.

Có thể không khó để nhận thấy, suốt năm của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII, Thủ tướng đã phải xắn tay chỉ đạo rất nhiều vụ việc cụ thể; trong đó, có những vụ việc nhẽ ra chỉ cần giải quyết trong phạm vi một bộ, ngành hay địa phương (nơi xảy ra vụ việc) nhưng vẫn phải để Thủ tướng có ý kiến. Nó cho thấy 2 vấn đề.

Thứ nhất, Thủ tướng rất sát sao trong công việc. Nhưng ở khía cạnh thứ hai, nó tạo cảm giác, bộ máy rất chậm chuyển động (như trên đã nói) hoặc thậm chí không chuyển động gì đến khi Thủ tướng chỉ đạo. Một bộ máy công quyền mà vận hành chậm chạp như thể đã rất già nua thật không thể theo kịp với quá trình vận hành của xã hội đang phát triển nhanh như ngày nay.

Có lẽ, cũng vì lý do ấy mà các chuyên gia trong Tổ tư vấn của Thủ tướng mới đưa ra nhận xét khá hình ảnh, bộ máy đang được lay chuyển bằng “lực kéo’ của Thủ tướng cần phải chuyển động mạnh hơn bằng lực đẩy của xã hội. Có điều, cần lý giải nguyên nhân, vì sao, xã hội đã phát triển mà bộ máy vẫn chỉ chuyển động theo lực kéo của Thủ tướng.

TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ từng cho rằng, đó là do tư tưởng đổi mới, cải cách của Đảng, Nhà nước chưa được chấp hành triệt để. Trong khi Chính phủ còn ôm đồm nhiều việc, chính quyền địa phương thì ỷ lại trông chờ chỉ đạo từ trên. Bộ, ngành chưa chuyển đổi việc quản lý xã hội bằng chính sách pháp luật, bằng hướng dẫn xã hội và kiểm tra, kiểm soát.

Thực tế, bộ máy công quyền vẫn còn khá cồng kềnh, biên chế thì nhiều nhưng người làm việc hoặc biết làm việc xem ra lại không nhiều tại nhiều cơ quan công quyền. Câu chuyện được mang ra dẫn chứng nhiều trong tuần qua về các cán bộ cấp cơ sở tại phường Văn Miếu càng cho thấy rõ thực tế cán bộ vừa thừa vừa thiếu và trình độ của đội ngũ cũng rất có vấn đề. Một cán bộ hợp đồng được điều ra ngồi tại bộ phận một cửa, thái độ phục vụ thì tỏ ra xem thường dân.

Nhưng, vấn đề không phải chỉ cần xem xét thái độ của anh cán bộ tên Hiếu; mà cái chính là cần xem lại từ quan niệm của lãnh đạo chính quyền cấp cơ sở phường Văn Miếu. Không biết, họ quan niệm thế nào, suy nghĩ gì mà lại điều động một người như vậy ra để tiếp dân.

Từ một vụ việc ấy có thể thấy, việc Hà Nội đứng thứ 58/63 về cải cách hành chính cũng chả khó hiểu gì. Và từ câu chuyện của Hà Nội cũng dễ hiểu, vì sao hiệu quả của bộ máy nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp ở nhiều nơi không đạt chuẩn. Mà đã không đạt chuẩn, đương nhiên Thủ tướng phải đốc thúc bằng cách này hay cách khác.

Nhưng, vào thời điểm này khi mà trình độ phát triển của chúng ta đã ở một bước khác và khi lực đẩy xã hội cũng khá nhiều; đòi hỏi của xã hội của người dân cũng khá cao, nhẽ thì, cơ quan công quyền phải có những bước đột phá trong cải cách hành chính, trong đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện cho bộ máy chuyển động nhanh hơn, mạnh hơn thì vẫn chưa đạt được. Bộ máy hành chính vẫn đông mà chưa tinh; việc đưa ra khỏi bộ máy những công bộc yếu kém xem ra mới chỉ nói nhiều làm chưa được bao nhiêu; Nhà nước vì thế vẫn còn phải chi nhiều tiền cho bộ máy…

Nếu tất cả những chuyện ấy không được tính toán và giải quyết sớm, xem ra, bộ máy sẽ vẫn mãi ì ạch và vẫn chỉ mãi mong sống trong bao cấp cho khỏe re và mặc kệ lực đẩy xã hội. Như thế sẽ rất nguy hiểm cho tiến trình phát triển chung của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lực đẩy và sức ỳ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO