Lủng củng cộng điểm ưu tiên

Đoàn Xá 04/05/2016 09:29

Sau việc các thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học ở kỳ thi THPT Quốc gia, thì  việc cộng điểm ưu tiên của theo quy định khu vực 1, khu vực 2, khu vực 2 nông thôn và khu vực 3 vẫn có sự chênh lệch giữa nơi cư trú và nơi đang theo học khiến nhiều thí sinh cảm thấy lo lắng, chưa an tâm. Với mức chênh lệch từ 0,5 cho tới 1,5 điểm việc hưởng mức ưu tiên khác nhau có ảnh hưởng rất lớn đến việc xét tuyển đại học của thí sinh.

Lủng củng cộng điểm ưu tiên

Ảnh minh họa.

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, các thí sinh có hộ khẩu thường trú trên 18 tháng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, hải đảo, xã thuộc diện đầu tư theo chương trình 135, xã có thôn đặc biệt khó khăn… thuộc diện ưu tiên khu vực 1. Khi xét tuyển vào các khối trường đại học, cao đẳng sẽ được cộng thêm 1,5 điểm ưu tiên.

Như các học sinh đang theo học tại trường THPT ở huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) học cùng một lớp nhưng khác xã nên các chế độ hưởng ưu tiên khác nhau. Thậm chí, khoảng cách điểm cộng giữa các học sinh có thể lên đến 1,5 điểm giữa học sinh ở xã biên giới và học sinh ở thị trấn Trảng Bàng. Đây không phải là trường hợp cá biệt mà hiện nay, có hàng ngàn địa phương đơn vị cấp xã đang tồn tại sự khác nhau về điểm ưu tiên này.

Ngoài ra, sự không đồng nhất giữa quy định về khu vực ưu tiên giữa nơi đang theo học và nơi cư trú cũng xảy ra đối với học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn nằm trong một thành phố trực thuộc tỉnh. Đó là các thành phố như Tam Kỳ (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Cam Ranh (Khánh Hòa) hay Châu Đốc (An Giang)…

Ở các thành phố trực thuộc tỉnh này đều có ít nhất 1 hay vài xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Theo quy định, thí sinh ở các xã này sẽ nằm trong khu vực 1, được cộng thêm 1,3 điểm ưu tiên. Tuy nhiên vừa qua rất nhiều thí sinh ở trong các thành phố trên khi đăng ký dự thi thì bị chuyển sang khu vực 2, điểm ưu tiên bị giảm xuống.

Theo giải thích của các cán bộ đăng ký nhận hồ sơ thì thí sinh có hộ khẩu ở các thành phố trực thuộc tỉnh thì xếp vào nhóm khu vực 2. Điều này khiến nhiều thí sinh cảm thấy lo lắng và nảy sinh sự sai lệch giữa quy định của Bộ GD&ĐT và phần mềm tuyển sinh của chính bộ này. Một cán bộ của Bộ GT&ĐT cho rằng, quy định khu vực ưu tiên là xét theo địa điểm mà trường THPT của thí sinh theo học chứ không phải theo hộ khẩu.

Và điều này lại có sự sai lệch với chính quy định rằng các thí sinh ở xã biên giới, xã hải đảo, xã đặc biệt khó khăn, xã nằm trong chương trình 135 của Chính phủ… thì được xếp vào đối tượng ưu tiên khu vực 1.

Vẫn biết các quy định ưu tiên là hình thức cộng điểm giúp cho các thí sinh ở vùng khó khăn là cần thiết nhưng quy định thiếu chặt chẽ, chưa đồng nhất làm nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh khi kỳ thi chưa chính thức bắt đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lủng củng cộng điểm ưu tiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO