Lúng túng giáo dục kỹ năng sống

Thanh Xuân 30/07/2017 08:10

Theo nhận định của nhiều nhà quản lý giáo dục, dù hiện nay trường học đã quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhưng đại đa số mới dừng ở việc cung cấp kiến thức chứ chưa hình thành kỹ năng cho các em, nên khi gặp tình huống thực tế, trẻ vẫn lúng túng, không vận dụng được vào cuộc sống.

Mới đây, tại hội nghị Định hướng công tác giáo dục kỹ năng sống trong trường học do Sở GD&ĐT TP HCM tổ chức, ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT), cho biết việc giáo dục kỹ năng sống trong trường phổ thông hiện nay được chia thành 2 dạng: Tổ chức theo hình thức chuyên đề hoặc lồng ghép, tích hợp vào các tiết học. Tuy nhiên, do Bộ GD&ĐT chưa quy định thời lượng cũng như mô hình đào tạo cụ thể, nên mỗi nơi sẽ dựa vào tình hình thực tế (như đặc điểm địa hình, nhu cầu phụ huynh, kinh nghiệm người quản lý…) để triển khai.

Tuy vậy, vẫn tồn tại nhiều đơn vị chỉ lồng ghép kiến thức về kỹ năng sống vào một số hoạt động trên lớp, sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, nên nội dung giảng dạy chủ yếu dừng ở việc trang bị một số kỹ năng cơ bản, chưa có tính liên tục, chuyên sâu. Đặc biệt chưa gây được hứng thú dẫn đến khả năng tiếp nhận của học sinh không cao.

Theo nhận định của nhiều nhà quản lý giáo dục, dù hiện nay trường học đã quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhưng đại đa số mới dừng ở việc cung cấp kiến thức chứ chưa hình thành kỹ năng cho các em, nên khi gặp tình huống thực tế, trẻ vẫn lúng túng, không vận dụng được vào cuộc sống.

Nói như TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý học Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thì dạy kỹ năng sống cho học sinh phải khác hoàn toàn với cách dạy các bộ môn văn hoá.

Trên thực tế, thấu hiểu sự thiếu hụt kỹ năng của trẻ trong cuộc sống, mà hiện nay rất nhiều gia đình đã cho con tham gia các khóa tập huấn tại các trung tâm đào tạo kỹ năng sống ngoài nhà trường. Tuy nhiên, quan điểm giữa gia đình và trung tâm đào tạo, giữa trung tâm đào tạo này với trung tâm đào tạo khác không phải lúc nào cũng thống nhất.

Ths Nguyễn Thị Thu Hà, Học viện Quản lý giáo dục (Hà Nội), ghi nhận thực tế là các trường phổ thông hiện nay đang đặt mục tiêu dạy chữ cao hơn dạy làm người cho học sinh. Bản thân mỗi giáo viên lại hiểu, tiếp cận và thực hiện nhiệm vụ giáo dục kỹ năng sống theo những cách khác nhau. Vì vậy có thể học sinh Việt Nam ngày càng có thành tích cao trên các đấu trường học tập nhưng lại thiếu nhiều kỹ năng cơ bản như tồn tại, tự bảo vệ bản thân…

Trước nhiều biến động mới mẻ trong cuộc sống, thiết nghĩ, trẻ em không chỉ cần người lớn cho ăn ngon, mặc đẹp. Trong quá trình phát triển và hình thành nhân cách của mỗi cá nhân, từ giai đoạn mầm non, trẻ cần được trang bị kỹ năng sống để định hướng phát triển một cách tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lúng túng giáo dục kỹ năng sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO