Lương tăng nhưng người lao động vẫn phải tằn tiện

Tuệ Phương 12/07/2018 17:04

Tiền lương năm 2018 có cải thiện hơn năm 2017 nhưng chưa thể cải thiện hết những khó khăn mà người lao động đang bức xúc. Đó là khẳng định của PGS. TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ) Việt Nam, thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia.

Lương tăng nhưng người lao động vẫn phải tằn tiện

Quang cảnh cuộc họp.

Tại hội nghị công bố kết quả khảo sát tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2018 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức chiều ngày 12/7, tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết: Về tiền lương cơ bản, hàng tháng của người lao động nhận được trung bình 4.670 nghìn đồng, tăng 4,24% so với kết quả khảo sát năm 2017. Lơng cơ bản trung bình theo khảo sát năm 2018 cao hơn lương tối thiểu 39,8%; vùng I cao hơn 36,6%; vùng II cao hơn 27,9%; vùng III cao hơn 39,3% và vùng IV cao hơn 44,7%. Đặc biệt, vẫn còn một bộ phần người lao động nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Ngoài tiền lương cơ bản, người lao động làm việc còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập, giữ chân người lao động nhưng khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm.

“Tổng thu nhập trung bình của người lao động không kể tiền ăn ca đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng, tăng 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017. So với năm 2017, tỷ lệ người lao động cho biết thu nhập so với chi tiêu “có dư dật, tích lũy” tăng 1,3%; số người lao động gặp khó khăn, không đủ sống phải làm thêm giờ chỉ tăng nhẹ, nhưng tỷ lệ người lao động phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ tăng 5,8%. Mặc dù, tiền lương năm 2018 có cải thiện hơn năm 2017 nhưng chưa thể cải thiện hết những khó khăn mà người lao động đang bức xúc”, ông Vũ Quang Thọ khẳng định.

LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương cho biết, có khoảng 90% số doanh nghiệp đã điều chỉnh với 88,4% người lao động điều chỉnh lương tối thiểu. Mức điều chỉnh lương tối thiểu ở các loại hình doanh nghiệp cũng khác nhau. Nhiều doanh nghiệp điều chỉnh cho tất cả người lao động; một số doanh nghiệp chỉ điều chỉnh cho bộ phận thấp hơn lương tối thiểu, chỉ để đóng bảo hiểm mà không điều chỉnh đơn giá sản phẩm nên tiền lương thực tế không tăng.

Về tác động của việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đến các đối tượng liên quan, kết quả khảo sát cho thấy hầu hết các doanh nghiệp cho biết khi điều chỉnh lương tối thiểu vùng đã làm tăng quỹ tiền lương, làm tăng các khoản đóng góp theo lương và phải điều chỉnh bảng lương cho phù hợp.

Tác động chủ yếu là do doanh nghiệp phải chi trả các khoản đóng bảo hiểm mà không ảnh hưởng nhiều đến quỹ lương thực tế của doanh nghiệp cho người lao động. Bức tranh về mặt kinh tế của nước ta sáng sủa hơn, cao hơn nên doanh nghiệp phải chia sẻ với người lao động. Vì vậy, chính doanh nghiệp cũng phải đảm bảo mức lương cần thiết mới đảm bảo được chất lượng của người lao động.

“Căn cứ vào phần thiếu hụt mức lương tối thiểu vùng năm 2018, chưa được điều chỉnh để đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động còn thiếu khoảng 7%. Nếu tính trong 2 năm 2019 và 2020 thì mỗi năm phải bù đắp 3,5%. Do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất phương án tăng trung bình 8% năm 2019 để hội đồng tiền lương quốc gia làm cơ sở thương lượng trong các phiên họp”, ông Thọ khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lương tăng nhưng người lao động vẫn phải tằn tiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO