Lương và mục tiêu tái tạo sức lao động

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú 04/08/2019 08:10

Trung tuần tháng 7 vừa qua, Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng 5,5 % so với mức lương năm 2019.

Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì mong muốn của người lao động và tổ chức công đoàn lớn hơn mức 5,5%, tuy nhiên vì muốn chia sẻ với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh để có điều kiện tiếp tục chăm lo cho người lao động, vì vậy chúng tôi tạm hài lòng.

Lương và mục tiêu tái tạo sức lao động

Sức lao động là một loại hàng hóa đặc biệt, cần phải được coi trọng và đối xử đặc biệt.

Được tin này, hàng chục triệu công nhân lao động trên cả nước vui mừng, bởi với họ thu nhập không gì khác ngoài lương, do đó, lương tăng sẽ có thêm một khoản thu nhập trong năm tới. Tuy nhiên đằng sau câu chuyện tăng lương tối thiểu này vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.

Tiền lương và thu nhập của người lao động có liên quan hữu cơ với nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đời sống tiêu dùng. Tùy theo mức trượt giá hàng năm, nhiều năm qua người lao động đều đặn được tăng lương bình quân từ 5% - 6%/năm song nếu lạm phát thực tế tăng nhanh hơn tiền lương thì việc tăng hàng năm này không còn nhiều ý nghĩa nữa. Ở nước ta, đầu tư xã hội, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa là 3 trụ cột quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Riêng về tiêu dùng nội địa, có ý nghĩa hai mặt: Vừa góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, vừa cải thiện đời sống người lao động. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ, tiêu dùng xã hội 6 tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng trưởng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Đó là một điểm đáng phấn khởi, tuy nhiên chúng ta chưa thể bằng lòng với việc nâng lương để cải thiện đời sống theo định kỳ hàng năm như hiện nay cũng như mức tăng trưởng của tiêu dùng xã hội hàng năm vẫn còn khiêm tốn.

Theo đánh giá của Ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, “69% công nhân lao động không có đủ tiền để trang trải cho sinh hoạt của mình, 31% nói họ không tiết kiệm được gì từ tiền lương”. Qua số liệu trên, có thể khẳng định rằng, phần lớn người lao động hiện nay đều có mức lương dưới mức chuẩn để đủ sống, họ đang phải vật lộn với công việc để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhiều người rơi vào vòng xoáy nợ nần, sống nghèo nàn, không có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, không đủ điều kiện chi trả học hành cho con cái. Nhìn rộng ra các nước khác có thể thấy, mức lương tối thiểu trung bình của Việt Nam là 3,34 triệu đồng, chỉ bằng 37% mức lương sàn châu Á. Do vậy công nhân lao động buộc phải làm thêm giờ để tăng thu nhập từ 11-16% hàng tháng, mặc dù họ không muốn làm thêm.

Công nhân ở các khu công nghiệp khi đi chợ chủ yếu mua mớ rau, đậu phụ,… ở các chợ dân sinh, nơi đó giá cả dễ chịu hơn song cũng rất nhiều rủi ro về chất lượng hàng hóa và an toàn thực phẩm. Sống trong nhà trọ không đảm bảo những điều kiện tối thiểu để duy trì sức khỏe dài lâu cho mình và gia đình, họ mua sắm quần áo rẻ tiền, kém chất lượng để dùng, từ thu nhập còn khó khăn, nhiều người không có tiền dự phòng cho những lúc ốm đau, hoạn nạn xảy ra. Hầu như ít được đi vui chơi và chi tiêu cho giải trí công cộng. Trên thực tế hiện nay cũng có một số người lao động được may mắn làm việc ở một số doanh nghiệp có sức mạnh về nhiều mặt nên đời sống thu nhập có khá hơn các khu vực khác. Tuy nhiên, những may mắn này không phải là phổ biến.

Xét về sức mua xã hội, yếu tố cầu của nền kinh tế cho thấy, nếu được quan tâm đúng mức, đảm bảo được mức sống tối thiểu thì chắc chắn sức mua ở thị trường nội địa Việt Nam sẽ được cải thiện, không phải 10% - 11% như bình quân hiện nay mà có thể đạt mức tăng từ 14% - 15% hàng năm . Một khi tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ được cải thiện thì sản xuất có cơ hội mở rộng và ngày càng phát triển. Đây là mối quan hệ hữu cơ và rất biện chứng giữa tiền lương, thu nhập và sản xuất tiêu dùng xã hội.

Ở nước ta về lâu dài, người lao động cần được đãi ngộ theo xu hướng ngày càng được cải thiện, trước hết là được bù đắp để tái sản xuất giản đơn cho bản thân mình. Nếu tiền lương thu nhập không đủ sống tối thiểu, sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy cho bản thân và gia đình họ đồng thời cho cả xã hội. Sức khỏe họ ngày càng giảm sút và phải dừng lao động khi còn đang ở độ tuổi làm việc. Nghĩ sâu xa hơn, đó là những gia đình này sẽ không sinh ra những đứa con khỏe mạnh cho sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Chính vì vậy phải đặt ra một cách nghiêm túc việc đảm bảo tiền lương và thu nhập cho những thành viên lao động trong xã hội, nếu được quan tâm đúng mức chắc chắn họ sẽ có đủ sức sáng tạo, nhiều sáng kiến sẽ được nảy sinh. Lập luận của VCCI trong hội đồng tiền lương rằng: “nếu tăng lương quá nhanh thì sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản xuất các sản phẩm, làm suy giảm sự cạnh tranh, vì vậy VCCI chỉ đề nghị tăng 3% lương, khác xa với mức 8% mà Tổ chức Công đoàn Việt Nam đề nghị. Suy nghĩ đó có phần đúng nhưng chưa thật đầy đủ bởi vì: Nếu lương và thu nhập của người công nhân không đủ sống tối thiểu thì trước mắt thì lâu dài lấy đâu ra đội ngũ lao động khỏe mạnh để làm việc trong các doanh nghiệp. Sức lao động là một loại hàng hóa đặc biệt, cần phải được coi trọng và đối xử đặc biệt. Tổ chức Công đoàn Việt Nam - đại diện cho công nhân và lao động cần phải có những chính kiến rõ ràng để bảo vệ lợi ích tối thiểu cho người lao động.

Các chính sách và luật pháp có liên quan đến công nhân và lao động được ban hành cần chặt chẽ minh bạch, theo hướng tạo điều kiện cho công nhân và giới chủ doanh nghiệp có những thương lượng bàn bạc một cách thấu đáo và hợp lý, hợp pháp để vừa có lợi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vừa quan tâm đến đời sống người lao động một cách thỏa đáng. Nghị quyết 27 của BCH Trung ương khóa XII đã ghi rõ: “Đến năm 2020, mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của bản thân họ và gia đình”. Vấn đề ở đây là tìm những giải pháp thực hiện mục tiêu của Đảng đề ra một cách sớm nhất để chăm lo một “nguồn vốn” quý nhất của mọi thời kỳ của một xã hội phát triển và văn minh, cũng chính là đáp ứng lòng mong mỏi của công nhân và lao động cả nước hiện nay và trong tương lai.

Lương và mục tiêu tái tạo sức lao động - 1

Người lao động xếp hàng rút tiền khi kỳ lương đến.

* Theo đánh giá của Ban Quan hệ lao động- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam “69% công nhân lao động không có đủ tiền để trang trải cho sinh hoạt của mình, 31% nói họ không tiết kiệm được gì từ tiền lương”. Qua số liệu trên, có thể khẳng định rằng, phần lớn người lao động hiện nay đều có mức lương dưới mức chuẩn để đủ sống. Nhìn rộng ra các nước khác có thể thấy, mức lương tối thiểu trung bình của Việt Nam là 3,34 triệu đồng, chỉ bằng 37% mức lương sàn châu Á. Do vậy công nhân lao động buộc phải làm thêm giờ để tăng thu nhập từ 11-16% hàng tháng, mặc dù họ không muốn làm thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lương và mục tiêu tái tạo sức lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO