Ma trận hàng rởm

Nhật Minh 27/07/2016 11:15

Nắm bắt được tâm lý ham của rẻ của người tiêu dùng, nhiều đối tượng đã tìm mọi cách để tuồn ra thị trường đủ loại hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Thông tin về việc “cà phê rởm” được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cung cấp mới đây tiếp tục là tiếng chuông cảnh tỉnh người tiêu dùng: Chớ nên ham của rẻ.

Ma trận hàng rởm

May mặc là một trong những nhóm hàng bị làm giả nhiều nhất.

à phê rởm, đồ uống giả tràn lan

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) mới đây cung cấp một thông tin sốc: Phần lớn cà phê được bán tại vỉa hè, căng tin bệnh viện, hàng rong… đều là cà phê có hàm lượng caffeine thấp hoặc không có caffein, hay nói nôm na là “cà phê rởm”. Cụ thể, trong tháng 6 và 7 vừa qua, Vinatas đã thực hiện chương trình khảo sát hàm lượng caffeine trong 253 mẫu cà phê đen tại 4 tỉnh, thành phố của Việt Nam gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Sóc Trăng.

Mẫu khảo sát được mua ngẫu nhiên tại các địa điểm kinh doanh cà phê khác nhau gồm: Cà phê quán (cửa hàng lịch sự); quán cà phê nhỏ (quán cóc); căn tin bệnh viện; cà phê vỉa hè và xe đẩy. Kết quả khảo sát cho thấy có tới gần 1/3 lượng cà phê được tiêu thụ (chiếm 30,04%) có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/L), đặc biệt đáng báo động trong đó có tới 5 mẫu hoàn toàn không chứa caffeine. Các mẫu này đều được tìm thấy từ các điểm bán quen thuộc hàng ngày - cà phê nhỏ, vỉa hè, quán cóc và cà phê bệt.

Đáng chú ý, mẫu cà phê lấy tại các căng tin ở bệnh viện, vỉa hè, xe đẩy… gần 50% mẫu không chữa caffeine hay nói khác đi, phần lớn cà phê ở các địa điểm này đều là “cà phê rởm”. Và theo Vinatas, đợt khảo sát nhanh vừa rồi chủ yếu rơi vào phân khúc người bình dân. Điều đó cho thấy, chủ yếu các đối tượng vẫn đánh vào tâm lý “ưa hàng rẻ” của người tiêu dùng để trà trộn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.

Cuộc khảo sát nhanh của Vinatas tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo người tiêu dùng với thói quen mua sắm “ham của rẻ” sẽ tiếp tay, tạo cơ hội cho các sản phẩm hàng rởm, kém chất lượng có đất sống. Cà phê chỉ là một trong những sản phẩm vừa mới được phát hiện bị làm giả nhiều trên thị trường. Trước đó, báo chí cũng đã phanh phui hàng loạt lò sản xuất nước đóng chai bẩn, giả nhãn mác các thương hiệu lớn để “lòe” người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, không chỉ là tác nhân phá hoại môi trường kinh doanh, các sản phẩm cà phê rởm, đồ uống rởm còn tiềm ẩn nguy cơ hủy hoại sức khỏe của người tiêu dùng.

Cần thay đổi hành vi mua sắm

Một trong những nhóm hàng cũng bị làm giả, làm nhái nhiều chính là lĩnh vực quần áo, thời trang. Theo khảo sát của phóng viên, hiện trên địa bàn TP. Hà Nội mọc lên rất nhiều các cửa hàng, shop thời trang gắn mác “Made in Việt Nam” hoặc “Hàng Việt Nam xuất khẩu”. Tuy nhiên, giá cả ở các shop này không giống nhau, cùng một sản phẩm có thiết kế như nhau song giá ở mỗi điểm bán mỗi khác.

Theo chị Trương Lan Anh, người dân ở phố Đội Cấn, Hà Nội, có khi cùng một chiếc váy thiết kế như nhau nhưng có nơi bán 200.000 đồng, có nơi bán hơn 1 triệu đồng. “Là người tiêu dùng, làm sao chúng tôi có thể phân biệt được hàng giả, hàng nhái, nhất là quần áo lại càng khó phân biệt hơn” – chị Lan Anh chia sẻ.

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chính tâm lý thích hàng rẻ của người tiêu dùng đang đẩy họ rơi vào “ma trận hàng giả hiện nay. Ông Giang khẳng định, nếu là các sản phẩm dệt may “xịn” do các DN Việt Nam thiết kế và sản xuất như hàng may 10, Zara, Nhà Bè… thì hoàn toàn không có sản phẩm giá quá rẻ như các sản phẩm được bán trên thị trường hiện nay.

Bởi vậy, ông Giang khuyến cáo, người tiêu dùng muốn tránh hàng rởm, chỉ còn cách thật sáng suốt trong lựa chọn, không nên chỉ tìm mua hàng rẻ, như vậy là tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả, hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt tuồn vào thị trường.

Bà Nguyễn Thanh Huyền - Tổng Giám đốc Công ty May 10 cũng khuyến cáo, các sản phẩm thời trang chính hãng của công ty đều là hàng chất lượng cao nên giá không thể rẻ như kiểu “hàng chợ”, do đó, nếu người tiêu dùng mua một sản phẩm giá thấp mà gắn mác của May 10 thì chắc chắn đó là hàng nhái.

“Người tiêu dùng cần thay đổi tâm lý ham của rẻ, vì chính tâm lý này đang đẩy người tiêu dùng ngày càng xa DN Việt, và tạo cơ hội nhiều hơn cho các đối tượng tuồn hàng kém chất lượng vào thị trường trong nước.

Chỉ khi thay đổi tâm lý này, vấn nạn hàng giả hàng nhái mới có thể được dẹp bỏ. Bởi không ai khác, chính cách mua của người tiêu dùng là tác nhân làm thay đổi thị trường. Khi hàng rẻ tiền không tiêu thụ được nữa thì hàng rởm, hàng nhái cũng không còn đất sống thì DN Việt mới có thể bán được hàng chất lượng tốt mà không bị chính người tiêu dùng trong nước quay lưng” - bà Huyền nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ma trận hàng rởm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO