Ma trận thực phẩm vùng biên

Đức Sơn 27/02/2017 07:30

Tới các chợ ở vùng biên giới Lạng Sơn, nhiều người đã choáng trước vô vàn loại chủng loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, chủ yếu đến từ bên kia biên giới bằng cách nhập lậu. Thực phẩm bày bán la liệt, với giá “siêu rẻ”. Đáng sợ nhất là loại gia vị “siêu ngọt”: chỉ cần 1 lạng gia vị này có thể làm cho hàng chục nồi lẩu, hàng trăm bát phở có vị ngọt đậm đà như thể nấu bằng nước xương ống và thịt. Cùng đó là các loại nội tạng gia súc, gia cầm được ngâm, tẩm hóa chất cũng rất khả nghi.

Chợ Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Hoàng Văn Đức.

Dịp này, Lạng Sơn có nhiều lễ hội lớn nhỏ. Khách đông, nhu cầu lớn, và thực phẩm không rõ nguồn gốc sử dụng bày bán tràn lan, nên nỗi lo về nguy cơ ngộ độc thực phẩm đang rất nóng.

Ẩn họa

Theo thống kê, hàng năm toàn tỉnh Lạng Sơn có hơn 300 lễ hội lớn, nhỏ khác nhau, trong đó chủ yếu là tổ chức dịp đầu năm mới. Là tỉnh vùng biên giáp Trung Quốc, có đường biên giới dài, có nhiều đường mòn, lối mở khiến cho việc thẩm lậu thực phẩm “bẩn” từ bên kia bên giới vào nội địa phục vụ mùa lễ hội diễn biến rất phức tạp.

Thực tế, khảo sát tại các chợ ở vùng biên giới Lạng Sơn và trung tâm tỉnh lỵ, chúng tôi không khỏi “lạnh gáy” về thực trạng mất an toàn thực phẩm. Đã lên đến vùng biên giới, ai cũng muốn trải nghiệm, thưởng thức “của ngon, vật lạ” và đem về làm quà. Vậy là sau lễ hội, lễ chùa, người ta lại “ùn ùn” kéo nhau lên các chợ ở cửa khẩu để ăn, chơi, mua sắm.

Chợ cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng) vốn được mệnh danh là “thiên đường mua sắm” thời điểm này thu hút rất nhiều du khách. Tại đây, thực phẩm thuần Việt chiếm con số rất ít, còn thực phẩm có nguồn gốc Trung Quốc và thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc chiếm đại đa số.

Các loại hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc như: rượu bia, bánh kẹo, rau, củ, quả, gia vị, chất phụ gia…và cả thực phẩm, bánh kẹo không rõ nguồn gốc nhưng hình thức bắt mắt bày bán la liệt, chất thành đống thu hút được rất nhiều khách hàng.

Các loại hàng có nhãn mác chữ Trung Quốc bày bán la liệt với giá rất “bèo”, ví dụ như các loại bánh kẹo 20.000/kg, ô mai hoa quả chưa đến 30.000 đồng/kg, nước hoa quả đóng có giá chưa đến 10.000 đồng…được du khách tiêu thụ rất nhiều.

Tay chỉ vào đống táo, chị Vân, chủ một sạp hàng ở chợ Tân Thanh cho biết, táo Trung Quốc mẫu mã rất đẹp, quả nào cũng to đều và màu bắt mắt. Nhưng không biết họ tẩm ướp thứ gì để được rất lâu, nhiều khi ế hàng để được cả vài tháng trời táo vẫn tươi roi rói.

Các mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc Trung Quốc chủ yếu nhập lậu qua các đường mòn biên giới, rồi đem bán tràn lan ở chợ cửa khẩu, nhưng rất ít khi bị kiểm tra, xử phạt. Ở chợ Tân Thanh và chợ cửa khẩu Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), chúng tôi được một số tiểu thương giới thiệu về loại gia vị làm lẩu và phở siêu rẻ, siêu ngọt mà theo lời giới thiệu thì loại này kinh doanh “siêu lợi nhuận” nên khách hàng tiêu thụ rất mạnh.

Theo đó, chỉ cần 1 lạng gia vị này có thể làm cho hàng chục nồi lẩu, hàng trăm bát phở trở nên ngọt, đậm đà như thể nấu bằng nước xương ống và thịt. Mỗi lạng chất phụ gia như vậy chỉ có giá vài chục nghìn nên nhiều người hoa mắt vì lợi nhuận đã mua về để kinh doanh bất chấp sự nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Khi chúng tôi thắc mắc loại gia vị không có nhãn mác, nguồn gốc này vận chuyển vào nội địa có bị công an bắt không thì chủ hàng liền tiết lộ chỉ cần đặt cọc tiền, cho địa chỉ sẽ gửi hàng đến tận nơi khách yêu cầu.

Nằm ở vị trí Trung tâm TP Lạng Sơn tại chợ Đông Kinh, thực phẩm Trung Quốc cũng bạt ngàn không kém so với chợ vùng biên. Cơ man các loại thực phẩm từ thịt, hoa quả, bánh kẹo, xì dầu, thực phẩm chức năng... Và hầu như mỗi người vào chợ này đều mua một món đồ thực phẩm nào đó của Trung Quốc vì bắt mắt và lạ miệng.

Có lẽ đáng ngại nhất là các loại thịt động vật, nội tạng gia súc, gia cầm được ngâm, tẩm hóa chất độc hại được nhập lậu từ Trung Quốc và bày bán tràn lan ở khắp các chợ ở Lạng Sơn. Những thứ nội tạng này khi vào các quán nhậu, cửa hàng ăn uống lại trở thành món khoái khẩu của thực khách. Ai dám chắc rằng, các nhà hàng không sử dụng các loại thực phẩm “bẩn” siêu rẻ và các loại gia vị để nấu lẩu “siêu rẻ, siêu ngọt”.

Ban đêm, những quán lẩu, quán nướng vỉa hè với những món lẩu, những đĩa nầm, mề, chân gà nướng vàng ruộm thơm phức nức níu chân người. Nhưng mấy ai biết rằng, phần lớn những món ăn hấp dẫn đó ẩn chứa những mỗi nguy hại cho sức khỏe.

Các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc bày tràn lan tại chợ cửa khẩu Lạng Sơn.

Ngành chức năng kêu khó

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Trường- quyền Chi cục trưởng Chi cục QLTT Lạng Sơn cho biết, hàng thực phẩm nhập từ Trung Quốc về rất nhiều, nhưng trong quá trình nhập thực phẩm qua khu vực cửa khẩu còn nhiều “kẽ hở”. Đồng thời, thực phẩm thẩm lậu qua biên giới bằng đường mòn, lối tắt còn nhiều.

Trong năm vừa qua, riêng lực lượng QLTT đã phát hiện và tịch thu hàng nghìn vụ, riêng thịt gia súc, gia cầm đã là 50 tấn, hàng trăm nghìn các loại bao gói sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Khi phóng viên đề cập đến vấn đề ở các chợ quy mô lớn như chợ cửa khẩu Tân Thanh, chợ Đồng Đăng, chợ Đông Kinh có tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan vậy lực lượng QLTT quản lý như thế nào, thì ông Nguyễn Văn Trường khẳng định, lực lượng QLTT thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ thì lực lượng chức năng sẽ tịch thu và tiêu hủy ngay.

Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Chi cục QLTT Lạng Sơn nêu khó khăn rằng cán bộ QLTT ít, không thể trải ra khắp các địa bàn được, trong khi đó, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra hiện nay rất thiếu thốn, kiểm tra chủ yếu bằng cảm quan, thực tế kinh phí đào tạo cho cán bộ làm công tác chuyên môn về an toàn thực phẩm rất là khó khăn. Ngoài ra, thời gian giám định chất lượng các sản phẩm rất là lâu, kinh phí tốn kém.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Tùng- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lạng Sơn cho biết, vừa qua các vụ ngộ độc lớn, tập thể ở Lạng Sơn chưa xảy ra, nhưng ngộ độc nhỏ lẻ vẫn có.

Theo thống kê của Chi cục này qua ba đợt thanh tra gần đây, Chi cục kiểm tra 5.136/7.324 cơ sở thì phát hiện tới 916 cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là sản xuất thực phẩm ở môi trường vệ sinh không đảm bảo; không tuân thủ các điều kiện về đảm bảo an toàn đối với dụng cụ, Sử dụng nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc…

Nguyên nhân được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lạng Sơn chỉ ra là các nhà hàng kinh doanh ăn uống chưa trang bị đầy đủ các trang thiết bị, con người chế biến thực phẩm cũng chưa chấp hành. Mặt khác, công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp chưa thường xuyên.

Hệ thống quản lý còn bất cập, năng lực cơ quan quản lý còn hạn chế đặc biệt là tuyến huyện, xã chưa có cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, về đội ngũ cán bộ an toàn thực phẩm thiếu cả về số lượng và kiến thức chuyên sâu. Công tác tham mưu chưa chủ động, chưa kịp thời, đôn đốc kiểm tra giám sát chưa sâu sát. Giám sát mối nguy cơ, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm chưa chủ động.

Cũng theo Chi cục này, việc thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm, kiểm soát thực phẩm chưa nhiều. Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ rất khó kiểm soát. Việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc tuyến cơ sở quản lý đạt thấp…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ma trận thực phẩm vùng biên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO