Mái ấm của trẻ thiệt thòi

HẠNH NGUYÊN 11/09/2022 08:02

Trung thu của những đứa trẻ khác đều tròn đầy nhưng với trẻ em mồ côi, Trung thu nào cũng… khuyết. Bởi có những nỗi đau không gì bù đắp, có những thiếu thốn chẳng thể lấp đầy.

Niềm vui của trẻ em mồ côi Hà Tĩnh sau khi được nhận quà Trung thu.

Làng trẻ đặc biệt

Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh lặng lẽ khép mình giữa lòng phố thị đông đúc - xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh. Nơi đây, đang nuôi dưỡng 107 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa.

Tết Trung thu ở đây luôn đến sớm. Từ ngày 10/8 âm lịch, hội trường đã nhộn nhịp lời ca, tiếng hát, tiếng trống rộn rã hòa nhịp với điệu múa lân sôi động. Mỗi khi có đoàn đến tổ chức hội diễn, những đứa trẻ lành lặn, có nhận thức được mời đến hội trường xem biểu diễn văn nghệ và nhận quà. Bên trong Làng, nhiều trẻ tật nguyền nằm một chỗ, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi chỉ biết đến Trung thu qua lời kể và những món quà do cán bộ trung tâm mang về.

Trên sân khấu, tiếng trống, tiếng nhạc huyên náo. Phía dưới, các em hòa mình vào niềm vui chung bằng tiếng cười, tiếng vỗ tay nhưng những giây phút ấy dường như lướt qua nhanh, nhường chỗ cho những niềm riêng. Nhìn những ánh mắt u buồn ấy, tôi không dám hỏi thăm bởi tôi sợ sẽ chạm đến nỗi đau của các em.

Thiếu vắng bố mẹ, cán bộ của Làng trở thành bố, thành mẹ của các cháu. Bà Đặng Thị Thanh Lương, cán bộ công tác 30 năm ở Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh cho biết: Mỗi dịp Trung thu, các cháu được cộng đồng san sẻ yêu thương, dành nhiều phần quà để bù đắp thiệt thòi cho các cháu. Từ ngày 10/8 âm lịch đến nay, hầu như ngày nào cũng có các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đến tặng quà, tổ chức chương trình văn nghệ, giao lưu với các cháu. Được mọi người quan tâm, yêu thương nên các cháu vui vẻ hẳn lên.

Với những đứa trẻ mồ côi, dù Trung thu có vui nhộn hơn ngày thường nhờ lời ca, tiếng hát hay đủ đầy quà bánh nhưng ẩn sâu trong đôi mắt các em là tiếng lòng, nỗi khát khao yêu thương và vòng tay đùm bọc của bố mẹ. Khi được hỏi: “Có em nào tâm sự, kể với bố, mẹ ở Làng về những kỷ niệm đón Trung thu với bố mẹ ruột không?”, bà Lương lắc đầu.

Cháu bé Nguyễn Văn Mậm được chăm sóc chu đáo.

Đừng để thêm nỗi đau

Tạm xa hội trường huyên náo, tôi được chị Trần Thị Thanh Toàn, cán bộ Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh dẫn vào thăm các cháu không thể đến vui hội cùng chúng bạn. Chị Toàn là trẻ em mồ côi lớn lên ở Làng, học xong đại học, chị quay trở lại Làng làm việc, nơi đây còn có 3 người nữa giống chị.

Trong số 107 trẻ em mồ côi ở đây có tới 91 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, trong đó có 9 cháu phải phục vụ hoàn toàn và có 7 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Trong các căn phòng nhỏ của ngôi nhà cấp 4 khá cũ, 9 đứa trẻ được bố trí ở riêng để cán bộ của Làng tiện chăm sóc.

“Mậm đau!”, đứa trẻ nằm trong giường cũi kêu lên nhiều lần. Vừa đưa tay nắn bóp cho cháu, chị Toàn kể: Cháu bé này được Làng nhận về nuôi cách đây 6 năm. Không ai biết tên hay tuổi chính xác của cháu nên Làng đặt tạm là Nguyễn Văn Mậm. Cháu bị bỏ rơi ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), lúc đó cháu được đặt trong thùng carton, tay chân dị tật, gào khóc đau đớn lắm. “Cháu bị dị tật bẩm sinh nên mới bị bỏ rơi”, chị Toàn kể.

Ngoài những đứa trẻ nằm một chỗ lâu năm thì căn phòng bên cạnh có cháu Nguyễn Thị Nhàn (12 tuổi), mới được đón từ một xã nghèo của huyện miền núi Hương Sơn xuống. Nhàn ít nói, luôn thu mình ngồi vào một góc. Cháu mồ côi bố mẹ từ nhỏ, ở với ông bà nhưng vì tuổi cao, sức yếu không thể chăm sóc nên Nhàn được chuyển về Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh. Tình trạng đặc biệt như thế, Nhàn được điều trị tại Trung tâm điều trị trẻ tự kỷ, ngay trong khuôn viên Làng.

Khi tôi đề nghị được thăm các cháu sơ sinh, chị Toàn ngăn lại. Chỉ tay về căn phòng đóng kín, nơi có 2 cán bộ đang chăm sóc 7 cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi, chị Toàn khẽ nói: Các cháu còn ít ngày tuổi, không có sữa mẹ nên sức đề kháng kém, sức khỏe yếu, chỉ có 2 người chuyên chăm sóc cho các cháu được tiếp xúc và ở riêng trong phòng chứ người ngoài không được đến gần vì hơi người sẽ khiến các cháu quấy khóc.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh chia sẻ: Các dịp lễ, Tết, trẻ em mồ côi ở Làng nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng. Ngay như Tết Trung thu này, đã có khoảng 10 đoàn đến thăm, tặng quà, tổ chức chương trình văn nghệ với mong muốn bù đắp phần nào thiệt thòi cho trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa.

Theo ông Sơn, hiện nay, Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đang nuôi dưỡng, chăm sóc, hỗ trợ cho 107 trẻ em mồ côi. Điều đáng mừng là trong số đó có 18 cháu đang theo học tại nhiều trường đại học trên cả nước. Theo quy định, hàng tháng, mỗi cháu được hỗ trợ 1.490.000 đồng, ngay cả các cháu học đại học cũng được nhận số tiền đó.

Trăn trở trước tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngày càng nhiều, ông Nguyễn Hồng Sơn bày tỏ: Những người mẹ bỏ rơi con thường là lầm lỡ hoặc nạn nhân của các vụ án đáng tiếc như hiếp dâm... Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi nếu khỏe mạnh sẽ có các gia đình hiếm muộn nhận nuôi, chỉ những đứa trẻ yếu mới vào đây chăm sóc, nuôi dưỡng nên rất khó khăn cho đơn vị.

“Món quà thiết yếu nhất đối với các cháu ở đây là những đồ dùng thiết yếu như gạo, bỉm, sữa. Vì các cháu dị tật nằm một chỗ phải dùng bỉm hằng ngày nên số tiền đó không đủ để trang trải. Nếu các nhà hảo tâm hỗ trợ bỉm, sữa, gạo thì tiền theo chế độ sẽ dành thêm mua thức ăn, bổ sung dinh dưỡng cho các cháu”, ông Sơn chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mái ấm của trẻ thiệt thòi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO