Mạng xã hội đang thể hiện tâm thế xã hội

Cẩm Thuý (thực hiện) 17/06/2021 09:00

Giữ gìn văn hoá và đạo đức xã hội thế nào trong thời buổi mạng xã hội lên ngôi là một thách thức không hề nhỏ. PGS.TS Phạm Quang Long trò chuyện với chúng tôi những trăn trở ở khía cạnh của người từng làm công tác quản lý văn hoá.

PGS.TS Phạm Quang Long.

PV:Thưa ông, trước tất cả những thực trạng về ứng xử văn hoá hiện nay, ông suy nghĩ gì về vai trò của quản lý văn hoá? Liệu có phải quản lý văn hoá chưa theo kịp có phải là nguyên nhân khiến văn hoá xuống cấp không?

PGS.TS Phạm Quang Long: Tôi muốn đề cập đến một vấn đề gốc rễ hơn quản lý văn hoá. Đó là văn hoá quản lý. Văn hóa quản lý ở ta đang có phần khủng hoảng. Bác Hồ nói về điều này rất giản dị: Cái gì có lợi cho dân thì cố mà làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Đó là tâm và tầm của người cán bộ. Tôi cho rằng hiện tượng thoái hóa, biến chất, tình trạng tham nhũng, sự xuống cấp của đạo đức xã hội bắt đầu từ sự xuống cấp của văn hóa quản lý. Mà văn hóa quản lý bắt đầu từ chính sách quản trị xã hội. Vậy muốn thay đổi văn hóa quản lý phải thay đổi quản trị xã hội. Mỗi cá nhân được giao làm công tác quản lý phải được tuyển chọn theo những tiêu chí của pháp luật và công việc chứ không theo những “quy trình” chỉ dành cho một số người để một khi đã được lựa chọn họ không có điều kiện sa đọa. Mỗi cá nhân làm quản lý có nhân cách văn hóa sẽ tạo ra một văn hóa quản lý đáp ứng được đòi hỏi của xã hội. Thay đổi văn hóa quản lý xã hội sẽ là động lực để hướng xã hội đến tầm văn hóa vì con người.

Thưa ông, điều đáng lo ngại nhất, trong bức tranh tổng thể của sự xuống cấp văn hoá và đạo đức xã hội hiện nay, là gì?

- Cá nhân tôi cho rằng lo nhất hiện nay là một bộ phận đánh mất ý thức về nhân cách, danh dự, liêm sỉ. Chất người trong mỗi cá nhân đang suy kiệt. Người tử tế thì vật vã để giữ mình; người hư hỏng thì tìm mọi cách để sống cho sướng hơn chứ không phải để tốt hơn.

Khi có những vấn đề lệch lạc về văn hoá, có bao nhiêu phần là trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hoá thưa ông?

Văn hóa luôn vận động, đổi mới, sản sinh những giá trị mới, đào thải những gì không hợp thời… trong khi lý thuyết về văn hóa, nhất là văn hóa đương đại không được nghiên cứu cẩn thận. Nhiều vấn đề của văn hóa không đem lại lợi ích trước mắt nhưng nó cần cho sự phát triển lâu dài đã bị loại khỏi vùng chú ý.

- Ngành văn hoá phải chịu trách nhiệm chính nhưng không thể đổ tất cả những yếu kém về đạo đức xã hội hiện nay cho một bộ, một ngành được. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” là tư tưởng lớn đồng thời cũng là một chân lý khoa học. Người làm văn hóa không có tầm nhìn, không đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất thì không thể tham mưu cho nhà nước những chính sách đúng được.

Văn hóa luôn vận động, đổi mới, sản sinh những giá trị mới, đào thải những gì không hợp thời… trong khi lý thuyết về văn hóa, nhất là văn hóa đương đại không được nghiên cứu cẩn thận. Rất nhiều vấn đề của văn hóa không đem lại lợi ích trước mắt nhưng nó cần cho sự phát triển lâu dài đã bị loại khỏi vùng chú ý. Các nước tiên tiến chú ý nhiều khía cạnh thực tiễn vì họ đã nghiên cứu rất kỹ những vấn đề lý thuyết, truyền thống, giao thoa, tích hợp, những giá trị phái sinh… nên họ thực hiện các chính sách văn hóa vừa có tầm nhìn xa trông rộng, vừa bài bản, vừa gắn với giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Ở ta không ít người nhầm lẫn những vấn đề của văn hóa với những công việc cụ thể của một đơn vị quản lý. Vấn đề của văn hóa không phải và không thể là những lĩnh vực được giao cho Bộ Văn hoá quản lý. Có rất nhiều vấn đề vượt ra ngoài những công việc cụ thể này mà muốn giải quyết được phải cần sự chỉ đạo của Nhà nước và phối hợp của các bộ, ban ngành khác, sự tham gia của toàn xã hội. Tôi nói một ví dụ nhỏ thế này thôi: tình trạng nói dối tràn lan trong mọi cấp, mọi lĩnh vực hiện nay làm sao một ngành văn hóa giải quyết được?

Các nhà báo luôn có mặt ở các điểm nóng để chuyển tới độc giả những thông tin, hình ảnh trung thực nhất. Ảnh: TL.

Vấn đề tiếp theo là ta thiếu cán bộ được đào tạo bài bản và thiếu cơ chế thích hợp. Không nói đặc thù nhưng rõ ràng văn hóa đa diện như thế nhưng lại chỉ có mấy ngành đào tạo ở trường Văn hóa (mà kiến thức thì còn quá mỏng) cho một lĩnh vực lớn như thế thì làm sao đáp ứng được? Không hiểu chuyên môn thì làm sao dám quyết những vấn đề chuyên môn, làm sao có thể chỉ đạo cấp dưới triển khai công tác hiệu quả và làm sao có thể tham mưu cho cấp trên đề ra những chính sách văn hóa phù hợp? Do đó tôi đề nghị thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề này, có sự thay đổi từ nhận thức ở cấp cao đến tổ chức thực hiện. Mà điều đầu tiên là không điều cán bộ không hiểu lĩnh vực văn hóa sang lãnh đạo văn hóa.

Trở lại với vấn đề ông nói ở trên là văn hoá quản lý, điều mà ông cho rằng nó tác động không nhỏ đến văn hoá và đạo đức xã hội. Ông có thể nói cụ thể hơn?

- Quản lý là một khoa học. Và cái đích của công tác quản lý phải là văn hóa. Đó là văn hóa cho cộng đồng, là mọi chủ trương, chính sách, hành động, phát ngôn của người làm quản lý phải hướng đến phụng sự xã hội, làm lợi cho xã hội theo những quy định của pháp luật. Không làm được điều đó thì sự quản trị xã hội ở cả tầm vĩ mô và vi mô đều hỏng. Ở cấp nào cũng đòi hỏi nhà quản lý không chỉ cần tri thức chuyên môn ở lĩnh vực mình quản lý đủ để hiểu ngành, để tránh việc đưa ra những quyết định ngớ ngẩn, vừa hỏng việc, vừa gây hại cho xã hội. Mặt khác, công tác quản lý cũng không thể cứ làm theo kiểu “kinh nghiệm chủ nghĩa” mà nó là một khoa học thực sự, có đối tượng, có lý thuyết của nó. Người làm công tác quản lý, vì vậy, không thể chủ quan về việc mình là thủ trưởng, đã được học qua nhiều lý thuyết về quản lý ở học viện này, lớp bồi dưỡng kia… nên tự cho rằng mọi chuyện trong địa hạt mình cai quản, mình “biết tuốt” rồi, quyết cái gì cũng “từ đúng trở lên”. Hơn nữa, khi mình đưa ra hỏi ý kiến cộng sự, ai cũng đồng tình, thậm chí còn khen hay, khen đúng. Nhưng khi những “quyết định” ấy đi vào cuộc sống mới bộc lộ hết những cái hoặc thái quá, hoặc bất cập, thậm chí sai lầm. Nhưng, những quyết định đã đưa ra ấy rất khó được thay đổi. Vì sao vậy? Ở đây, tôi chỉ muốn bàn đến một khía cạnh khác của vấn đề: đó là những phán quyết chủ quan, rất sai nhưng vẫn cố bảo vệ của nhà quản lý và những phát ngôn do “nhất thời hưng phấn” nhưng vì đó là những cái “ngôn” của những người có quyền quyết định nên người ta cứ phải thi hành thành nguyên nhân bao chuyện dở khóc, dở cười. Tất cả những việc ấy, nếu nhìn sâu vào bản chất, có mẫu số chung là văn hóa quản lý-một khía cạnh của khoa học quản lý, đã đang rất “có vấn đề”.

Ông tham gia mạng xã hội như thế nào?

- Tôi tham gia mạng xã hội như nhu cầu của bản thân và thấy nó được nhà nước cho phép, như một công dân bình thường. Tôi không tham gia mạng xã hội như có người nghĩ “chơi cho vui” mà tôi vì công việc.

Từ góc nhìn của mình ông nhìn thấy gì về tâm thế xã hội ở trên mạng ngày nay?

- Tôi thấy mạng xã hội phản ánh những vấn đề xã hội, tâm thế xã hội, nhu cầu giao tiếp của con người… Mạng xã hội cũng như một xã hội thu nhỏ, có người này, người kia. Và người ta ứng xử, giao tiếp với nhau cũng như ngoài xã hội (ngoại trừ những người mạo danh, đội lốt để gây nhiễu, gây rối. Ngoài xã hội thì công an, luật pháp điều chỉnh các hành vi ấy, trong mạng xã hội cũng cần như vậy). Nhiều nhà khoa học đăng các kết quả nghiên cứu của mình lên đó và tôi đọc được trên mạng, không cần mua sách, không xcần đi thư viện. Tôi còn tham gia những nhóm gia đình, họ hàng, lớp đại học, nhóm cựu sinh viên… Có việc gì gửi tin lên đó, rất tiện. Nói như thế để thấy không gian mạng rất cần cho mọi người. Tôi coi không gian mạng như một thành tựu của trí tuệ nhân loại và tôi sử dụng nó để phục vụ nhu cầu của mình.

Nhưng, tôi nói cảm nhận của cá nhân, mà cảm nhận thì đầy cảm tính, võ đoán, có thể đúng, có thể sai là: cả cái tốt, lẫn cái xấu thuộc căn tính người Việt đều bộc lộ trong không gian mạng này. Tôi lấy mấy ví dụ ai cũng thấy là: thứ nhất, tinh thần lá lành đùm lá rách, chia sẻ với nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Ví dụ những ngày này người ta đã gửi hàng ngàn, hàng triệu lời chia sẻ, động viên với những vùng dịch, với tuyến đầu chống dịch, người ta đã quyên góp tiền của giúp đỡ những người yếu thế, bất hạnh, đã lên án những hành vi bất lương… Mạng là nơi mà dễ “đọc” nhất tâm thế xã hội và cũng là nơi dễ ‘đọc” nhất tâm lý đám đông, nhiều khi nói mà chưa hiểu biết, chưa suy nghĩ chín chắn, chưa đọc hết những thông tin đã lên tiếng khen hay chê theo kiểu thích thì khen, không thích thì chê chứ không căn cứ vào logic sự việc. Đấy là những điều tôi nhận thấy. Rồi còn có tâm lý thích phô trương, thích phê phán theo kiểu ta là nhất…Mấy thứ ấy có làm tôi thấy nản nhưng nghĩ lại lại thấy đó là một xã hội thu nhỏ nên lại bình tâm lại. Mình chọn lọc mà đọc.

Ông thường viết gì trên trang cá nhân, ông có đặt ra một nguyên tắc nào đó khi thể hiện ý kiến trên mạng xã hội?

- Bây giờ tôi viết ý kiến mình trên mạng có hai mục đích: tôi viết trên trang của tôi, như vậy, tôi tự tìm hiểu xem những gì tôi suy nghĩ có gần với quan tâm của người khác không, để mình không xa với những vấn đề của cuộc sống. Thứ hai, về già tôi đâm thích viết ra những gì ấp ủ vì mình ngẫm về chúng nhiều, lại có thời gian nữa.

Ông đọc những gì người ta viết và thể hiện trên mạng, đặc biệt là ý kiến các trí thức, ông có suy nghĩ như nào?

- Tôi không đọc người khác nhiều. Theo tôi, đó là nơi bộc lộ quan niệm của nhiều người, trong đó có các trí thức về các vấn đề xã hội mà họ quan tâm. Nhiều nhất là những quan tâm về mức độ đúng đắn của chính sách, tư cách của các nhà quản lý, những lo lắng cho tiền đồ đất nước. Ngoài ra cũng có những ý kiến ở phạm vi hẹp hơn. Rất nhiều ý kiến đáng quan tâm nghiên cứu vì tôi nhận thấy sự đúng đắn trong đó. Tôi nghĩ chưa bao giờ mạng xã hội lại thể hiện tâm thế xã hội đa diện như hiện nay. Nhà quản lý cần nghe nhiều, thấy nhiều, nghĩ nhiều, biết nhiều trước khi quyết thì mạng xã hội là nơi cũng cấp rất nhiều thứ cần biết, cần nghe, cần ngẫm đấy chứ. Cần có sự sàng lọc nhưng đó là nơi để “đo” tâm thế xã hội, đo sự đồng thuận, đo lòng dân, đo nhiều thứ lắm. Nhưng cũng có những tiếng nói chia rẽ nhân tâm. Trong khi sức mạnh của một đất nước phải là ở sự đồng thuận, sự tuân thủ luật pháp.

Những tình huống mới phát sinh trong cách sử dụng mạng xã hội hiện nay như hiện tượng livestream “bóc mẽ” nghệ sĩ như vừa qua thật sự là quá mới mẻ và khó lường. Thưa ông, làm thế nào để điều chỉnh được kịp thời ở góc độ quản lý?

- Câu này cực khó nói vì chưa bao giờ tôi nghĩ tới điều này. Nó không phải là việc của tôi. Nhưng tôi nghĩ quản lý tốt nhất là quản lý theo luật. Một bộ luật đảm bảo đầy đủ các quy định vì lợi ích quốc gia, quyền công dân là bộ luật tốt nhất. Và mọi việc cứ theo các chế định luật pháp mà làm. Còn điều này ngoài luật nhưng các nhà quản lý nên lưu ý: đừng nghĩ phải quản tất cả mà cần quản thế nào để mỗi người sử dụng mạng nhận thức được họ tuân thủ và thực hiện nghĩa vụ vi lợi ích quốc gia và của chính họ. Đừng như ta đã sai lầm nhiều lần, sửa mãi vẫn hỏng là quản cái thứ cần buông và lại buông cái thứ cần quản.

Vì một công dân tử tế không ai nghĩ đến việc làm hại đất nước mình, trong đó có mình. Một đất nước tử tế, bình yên bắt đầu từ những công dân tử tế, thượng tôn pháp luật nhưng pháp luật lại phải được xây dựng từ cái gốc vì dân.

Thưa ông, một chính sách phù hợp nhất để chấn hưng văn hoá thời điểm này cần đặt ra trên nguyên tắc nào?

- Tôi không thể nói chính sách cụ thể vì cái đó do các nhà lập pháp được nhân dân nuôi để nghĩ về điều đó. Tôi chỉ nói nguyện vọng về tinh thần xây dựng chính sách, mục đích của chính sách thôi. Đó phải là những chính sách vì con người, vì sự phát triển toàn diện của xã hội, con người, làm cho con người được tự do, hạnh phúc. Chính sách của Nhà nước để điều chỉnh hành vi con người hướng tới mục tiêu đó, cho nên cần đặt nhân dân, đất nước lên đầu, làm sao chính sách phụng sự nhân dân, đất nước tốt nhất. Tư tưởng phụng sự nhân dân, tư tưởng vì dân phải thấm sâu vào nhận thức, tình cảm, kỹ thuật soạn thảo chính sách, phải có tầm nhìn xa kết hợp với giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Nó không phải là chủ nghĩa dân túy mà nó phải mang tinh thần nhân văn sâu sắc.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quản lý là một khoa học. Cái đích của công tác quản lý phải là văn hóa. Đó là văn hóa cho cộng đồng, là mọi chủ trương, chính sách, hành động, phát ngôn của người làm quản lý phải hướng đến phụng sự xã hội, làm lợi cho xã hội theo những quy định của pháp luật. Không làm được điều đó thì sự quản trị xã hội ở cả tầm vĩ mô và vi mô đều hỏng. Ở cấp nào cũng đòi hỏi nhà quản lý không chỉ cần tri thức chuyên môn ở lĩnh vực mình quản lý đủ để hiểu ngành, để tránh việc đưa ra những quyết định ngớ ngẩn, vừa hỏng việc, vừa gây hại cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạng xã hội đang thể hiện tâm thế xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO