Mạnh dạn tinh giản

Tuấn Việt 14/10/2017 08:05

ĐBQH Lê Thanh Vân, ủy viên thường trực UB Tài chính Ngân sách của QH từng nhận định: Làm quan bổng lộc nhiều, quyền lực lớn, cho nên người người nhăm nhăm làm quan. Đó chính là cội rễ của nhóm lợi ích, phân chia quyền lực và kinh tế. Sếp nhiều hơn lính, bộ máy sẽ nặng về quan liêu và chi phối. Hiệu quả công việc từ đó thực sự rất đáng lo ngại.

Một biếm họa về cái khó của tinh giản biên chế.

Có thể nêu ví dụ, những lình xình xung quanh bộ máy cồng kềnh tại Tổng cục Môi trường- Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đang đặt ra nhiều suy nghĩ về vấn đề tinh giản biên chế. Bởi trong kế hoạch tinh giản biên chế, Thủ tướng yêu cầu đến năm 2021, về cơ bản không tăng tổng biên chế của bộ, ngành.

Bộ Nội vụ cho biết, mỗi cơ quan, đơn vị phải đảm bảo xác định rõ tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu là 10% trong giai đoạn 2015 - 2021. Như vậy, trung bình mỗi năm mỗi cơ quan đơn vị tinh giản tối thiểu đạt 1,5% biên chế.

Cũng tại Bộ TNMT, việc các đơn vị có từ 2 đến 3 người lãnh đạo một người là có thực. Đơn cử như Phòng Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường (Cục Kiểm soát bảo vệ môi trường- Bộ TNMT) hiện có: 1 trưởng phòng, 3 phó trưởng phòng, 1 chuyên viên. Phòng Hậu kiểm và giám sát môi trường: 1 phó trưởng phòng phụ trách, 2 phó trưởng phòng, 1 chuyên viên. Phòng Kiểm tra thanh tra môi trường: 1 trưởng phòng, 2 phó trưởng phòng, 1 chuyên viên. Phòng Xử lý vi phạm môi trường: 1 phó trưởng phòng, 1 chuyên viên…

Thống kê cho thấy, riêng tại Cục Kiểm soát bảo vệ môi trường đang có 3 phó cục trưởng, 13 lãnh đạo cấp phòng nhưng chỉ có 6 chuyên viên (!)

Trên thực tế, Cục Kiểm soát bảo vệ môi trường cũng giống như nhiều cục quan trọng khác trong bộ máy công quyền hiện nay, quan nhiều hơn lính. Lấy ví dụ như Cục Quản lý thị trường- Bộ Công thương, tình trạng thừa thầy thiếu thợ vẫn tồn tại nhiều năm nay, dù trải qua không ít đợt tinh giản biên chế.

Phòng Chống buôn lậu: 1 trưởng phòng, 2 phó trưởng phòng, 1 chuyên viên. Tương tự là Phòng chống hàng giả và Phòng Kiểm soát chất lượng hàng hóa. Phòng tuyên truyền và quan hệ đối ngoại, có thời điểm chỉ có 1 trưởng phòng và 2 phó trưởng phòng.

TS Nguyễn Viết Chức- nguyên ĐBQH đã từng nhận định, tinh giản biên chế trong thực tế nói thật hay làm rất khó, và khi “đụng việc” mới thấy rối như tơ vò. Tâm lý nể nang, né tránh, anh không đụng đến tôi, tôi cũng không đụng đến anh phổ biến tới mức khi lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm chức danh thường đại đa số đồng ý, song chỉ khi đụng chạm đến quyền lợi, thì mới nặc danh, tố cáo. Bản thân những mắt xích “lãnh đạo” khi cơm chẳng lành canh chẳng ngọt mới dẫn tới những phanh phui, mà đáng ra những cánh tay giơ lên bổ nhiệm ấy phải là người chịu trách nhiệm chính cho những quyết định trước đó của mình.

Phòng Chống buôn lậu (Cục Quản lý thị trường), Phòng Kiểm tra thanh tra môi trường (Cục Kiểm soát bảo vệ môi trường), 3 lãnh đạo, 1 chuyên viên, những phòng ban tối quan trọng với xã hội nhưng lắm thầy ít thợ như vậy thì chống ai? Thanh tra ai? Hay chỉ nhăm nhăm nghĩ ra các văn bản điều hành phô trương ít thực tế, và mục tiêu cuối cùng để bảng lương tên mình hiển thị hệ số trách nhiệm 0,4 hay 0,6?

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho rằng, quy định hiện nay cho phép có bao nhiêu phòng ban, tối thiểu, tối đa bao nhiêu lãnh đạo, đương nhiên lãnh đạo ngành sẽ lắp cho đủ. Bộ máy nhiều tầng nấc trung gian, phân công nhiệm vụ không mạch lạc nên các chức vụ lãnh đạo chiếm đến 3/4 là điều đương nhiên.

Tổng biên chế cả nước tính đến 31/12/2015 là 3.563.000 người, nhưng đến 1/2/2017 không những không giảm, mà còn tăng lên gần 3.600.000 người. Địa phương hay các ban ngành không sai. Vấn đề đặt ra là cấu trúc bộ máy lãnh đạo như thế nào, liệu có nhiều chồng chéo? Nhiều nấc thang quyền lực, đang tạo ra những liên minh bổ nhiệm, thâu tóm lợi ích và dễ bề phân chia trách nhiệm khi “đụng việc” như những gì đang diễn ra, với bộ máy cồng kềnh của Tổng cục Môi trường- Bộ TNMT hiện nay.

“Nuôi bộ máy đang chiếm tỷ trọng lớn chưa từng thấy trong ngân sách khi chi thường xuyên dao động khoảng 70% ngân sách nhà nước. Nếu không cải cách bộ máy, để phình ra thì ngân sách sao nuôi nổi. Quan trọng hơn, bộ máy có quá nhiều người làm lãnh đạo, quản lý lại không hiệu lực, hiệu quả, đó thực sự là một nguy cơ với thể chế”- TS Lý nhấn mạnh.

Trên thực tế, Thanh tra Bộ TNMT, Thanh tra Tổng cục Môi trường, Thanh tra Cục Kiểm soát bảo vệ môi trường, trong nhiều trường hợp chỉ làm chung nhau một phần việc. Việc tinh giản cán bộ, cắt bỏ ghế quan chức hẳn sẽ không thể giáng cấp hay giống như vị phó giám đốc một sở tại Yên Bái không biết xếp vị trí ở đâu khi sáp nhập và cuối cùng là nhận lương và để chờ hưu sớm…

Theo ông Nguyễn Viết Chức, nói tới việc tinh giản biên chế đã rất ngại chứ chưa nói đến làm, bởi điều này ảnh hưởng tới trực tiếp quyền lợi từng cá nhân, từng cơ quan. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế khó mấy cũng phải làm, không làm không được vì chúng ta đang hội nhập sâu rộng quốc tế; đặc biệt trong thời kỳ đổi mới cũng đang đặt yêu cầu chất lượng cán bộ cũng như sự hoàn thiện của bộ máy công chức, viên chức nhà nước.

Còn nói như ĐBQH Lê Thanh Vân, nếu tính toán tốt, có thể tinh giản 50% mà bộ máy vẫn hoạt động. Ở đây, người đứng đầu phải có bàn tay thép, thiết lập kỷ cương phải có ý chí mạnh mẽ, quyết đoán thậm chí phải “nhẫn tâm” khi “cắt gọt”. Nếu không có đột phá, vẫn xử lý kiểu “cắt ngọn” rồi lại “đúng quy trình”, tất yếu sẽ không có lời giải hiệu quả cho vấn đề vô cùng hệ trọng này.

Câu chuyện ngành đường sắt tinh giản hơn 20% công chức gián tiếp, song những đoàn tàu vẫn chạy tốt. Thậm chí, tinh giản thêm 30% nữa, những đoàn tàu vẫn chạy tốt. Sự quyết đoán là cần thiết khi bộ máy hiện đang quá cồng kềnh, nhiêu khê.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạnh dạn tinh giản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO