Mạnh tay với buôn lậu, hàng giả

Kiên Long 04/12/2015 15:24

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm, thị trường hàng hóa lại vào mùa sôi động: Thi đua chạy nước rút, tổng kết, xả hàng, lên kế hoạch cho năm mới… Buôn lậu, hàng giả, hàng nhái cũng đồng thời chạy đua, hoành hành. Và rồi các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cũng liên tục vạch kế hoạch, mở các đợt cao điểm chống và chống. Tuy nhiên, dư luận, rồi chính lực lượng phòng, chống buôn lậu vẫn phải than: Cuộc chiến chống buôn lậu, hàng giả vẫn… còn lắm gian nan.  

Mạnh tay với buôn lậu, hàng giả

Dù đã bắt giữ nhiều, nhưng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại,
hàng giả vẫn chưa được cải thiện (ảnh: T.L).

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, buôn lậu, hàng nhái, hàng giả cũng song hành phát triển. Thực tế cho thấy, mỗi khi lực lượng phòng, chống của cơ quan nhà nước Trung ương, địa phương làm mạnh, siết chặt thì nạn này co lại, giảm đi, nhưng cứ hễ cơ quan chức năng lơi lỏng là lại bùng phát. Như những vòi bạch tuộc, công khai, ngấm ngầm; bằng mọi con đường thủy, bộ, trên không; bằng mọi thủ đoạn…buôn lậu, hàng giả, hàng nhái mà hành vi, hiện trạng, hậu quả của nó thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi đơn vị, mọi gia đình. Và ngăn chặn nó, thật không đơn giản.

Tình trạng buôn lậu lâu nay được thể hiện rõ nét, sôi động vẫn là ở các tỉnh biên giới phía Bắc, Tây Nam và miền Trung. Người ta vẫn nhớ có những thời kỳ, nhiều khi có cả làng, cả bản ở biên giới Lạng Sơn đi cõng hàng lậu. Sát biên giới, nhan nhản là những kho chứa hàng lậu. Đã có nhiều vụ án lớn, nhỏ, bị can, bị cáo từ dân buôn cho đến cán bộ hải quan. Đến nay, mặc dù ngày nào các lực lượng chức năng cũng liên tục phát hiện, bắt giữ các vụ buôn bán hàng lậu, hàng giả. Tuy nhiên tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn chưa được cải thiện là bao.

Năm 2014, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý đến 206.000 vụ vi phạm (tăng 12,1% so với năm 2013), riêng xử phạt, truy thu thuế nộp ngân sách nhà nước 13.000 tỷ đồng (tăng 27% so với 2013), khởi tố 2.081vụ/2.275 đối tượng vi phạm. Năm 2015, theo số liệu của Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong 9 tháng năm 2015, các lực lượng chức năng cũng đã bắt và xử lý khoảng 139.000 vụ (tăng 23% số vụ so với cùng kỳ), thu về cho nhà nước 30.000 tỷ đồng (tăng16% thu ngân sách)… Tuy nhiên, số vụ bắt được cũng vẫn là con số nhỏ so với thực trạng đang diễn ra.

Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Mọi đánh giá đều khẳng định tệ nạn này phá hoại sản xuất trong nước, gây thất thu ngân sách, gây thiệt hại đối với người kinh doanh chân chính, làm vẩn đục môi trường kinh doanh. Nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng con người, năng suất lao động, trật tự an ninh quốc gia.

Cùng với các văn bản pháp luật trước đó, ngày 19/3/2014, Chính phủ đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban. Ngày 9/6/2015, Chính phủ tiếp tục có Nghị quyết 41/NQ-CP đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Ban chỉ đạo đã hoạt động khá tích cực, rồi các cấp, các ngành đã được giao nhiệm vụ cụ thể. Vậy nhưng, như các đại biểu trong cuộc họp của Ban chỉ đạo hôm 2-12 vừa qua đã nêu, việc chống vẫn tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”...

Nói về nguyên nhân, vẫn lại là những nguyên nhân cũ. Nào bờ biển và đường biên giới dài với tổng chiều dài đến 8.000 km, qua nhiều địa hình phức tạp, tạo điều kiện cho buôn lậu hoạt động; nền sản xuất còn nhỏ bé, sức cạnh tranh yếu; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; phân định trách nhiệm chưa rõ ràng, phối hợp giữa các lực lượng chưa chặt chẽ. Ở đâu lực lượng chức năng cũng than còn mỏng, thiếu phương tiện... Và có nguyên nhân quan trọng như chính Nghị quyết 41 đã nêu rõ: “Một số Bộ, ngành, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm chỉ đạo, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả xã hội vào đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, có khi vì lợi ích cục bộ đã làm ngơ, buông lỏng quản lý và đấu tranh; một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, biến chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và hàng giả…”. Ngay việc xử lý cũng “chưa thực sự khách quan, nghiêm minh, còn nể nang, bao che”. Số vụ phát hiện, bắt giữ nhiều, nhưng đa số xử lý hành chính, rất ít xử lý hình sự…

Nguyên nhân quan trọng, như ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 nhắc lại tại cuộc họp hôm 2-12: “Đừng lấy lý do các văn bản pháp luật chưa đầy đủ, chưa đủ sức răn đe. Cái quan trọng là chúng ta chưa kiên quyết, các lực lượng chưa thực sự vào cuộc, các địa phương chưa thực sự nỗ lực”. Và chính vì chưa thực sự vào cuộc, nhẹ tay của các cơ quan chức năng kia mà buôn lậu, hàng giả mặc sức hoành hành. Và rồi từ hàng lậu, là những hàng hóa cấm như vũ khí, hóa chất, chất cấm vẫn len lỏi… Ác thay, những chất cấm này lại dùng làm thức ăn chăn nuôi, bảo quản hoa quả, kích thích cây cối, vật nuôi sinh trưởng tràn lan… sinh bệnh để triệt hạ giống nòi. Có chất salbutamol (tiền chất thuốc chữa hen) không phải để sản xuất thuốc mà lại dùng trong nông nghiệp. Có chất đã không cho nhập như clenbuterol nhưng thị trường vẫn có như Thứ trưởng Bộ Y tế Phan Thanh Long nêu,... Ai cũng biết, cũng hiểu, nhưng lạ thay, tình hình vẫn thế. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải than “việc rõ như ban ngày, thế mà còn thiếu thống nhất, quá khó hiểu, việc này phải cải thiện”. Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Không để hàng giả, hàng kém chất lượng hoành hành, vi phạm nghiêm trọng mà vẫn nhởn nhơ trước pháp luật”.

Yêu cầu, biện pháp, năm nào các cơ quan chức năng cũng đã vạch ra. Ban Chỉ đạo 389, Nghị quyết 41 cũng đã nêu rõ từng khâu, từng bước, từng nhiệm vụ của các bộ, ban ngành. Tuy nhiên, biện pháp cơ bản nhất phải rất mạnh tay, không nể nang. Như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: “Phải xử lý hình sự, phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạnh tay với buôn lậu, hàng giả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO