Mạnh tay với thực phẩm bẩn

Minh Phương 28/07/2016 09:00

Mặc dù chế tài xử lý các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được nâng cao hơn dự kiến, có thể phạt tù đến 20 năm, thế nhưng, vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn đang là mối đe dọa, ám ảnh người tiêu dùng trong từng bữa ăn. Theo công bố của cơ quan chức năng, tỷ lệ thịt lợn chứa chất cấm salbutamol, thủy sản nhiễm kháng sinh vượt ngưỡng cho phép, rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vẫn ở mức cao…

Mạnh tay với thực phẩm bẩn

(Ảnh: TL).

Len lỏi vào thị trường bằng mọi cách

Từ ngày 1/7, các đối tượng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm có thể bị phạt tù đến 20 năm, có nghĩa, vấn đề an toàn thực phẩm đã ngày càng được coi trọng hơn và hình sự hóa những hành vi vi phạm. Dù đã được đưa vào Bộ Luật hình sự, chế tài xử phạt đã được nâng cao, thế nhưng, theo nhận định của cơ quan chức năng, các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn ở mức cao. Cụ thể, theo kết quả kiểm tra của Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm salbutamol là 0,42%; mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng chiếm 3,98%; mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng chiếm 1,3%. Đáng lưu ý, có tới 5,3% mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh và chất cấm vượt ngưỡng.

Đáng chú ý, Nguyễn Tiến Đạt - Trưởng phòng Kiểm soát chất lượng hàng hóa, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) nhấn mạnh, tình hình vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng trong xã hội. Cụ thể là vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện 6 tấn ngó sen, me chua đã quá hạn sử dụng; 4 tấn ruốc gà không rõ nguồn gốc, gần 5 tấn thực phẩm đông lạnh đang trong giai đoạn bốc mùi hôi thối, trên 10 tấn dược liệu các loại do nước ngoài sản xuất không có nhãn hàng hóa, 5 tấn mỡ bẩn, 550 kg phụ gia, gia vị không rõ nguồn gốc… Ngoài ra, Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh còn phát hiện 2 tấn thịt lợn thối, 3 tấn thịt trâu tẩm ướp hóa chất giả thịt bò; Chi cục Quản lý thị trường Hưng Yên phát hiện 4,2 tấn thịt lợn gồm lợn ốm, lợn chết không có giấy kiểm dịch vệ sinh ATTP…

Những vụ việc số trên cho thấy, các đối tượng vẫn đang tìm mọi cách để tuồn được thực phẩm bẩn vào thị trường bất chấp luật đã hình sự hóa các hành vi vi phạm.

Theo giới chuyên gia trong ngành, vấn nạn thực phẩm bẩn khó có thể dập tắt do lợi nhuận đem lại quá lớn, làm mờ mắt một số nhà sản xuất. Chỉ cần xem và nghe cách người ta trồng dưa chuột để thu hoạch nhanh, quả đẹp mắt đã có thể thấy, nếu người sản xuất không có tâm, thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ không thể có được sản phẩm an toàn. Theo tiết lộ của một nông dân ở Hải Dương, trồng dưa chuột là phải phun thuốc sâu liên tục, và muốn thu hoạch nhanh, quả dưa đẹp, bóng, bắt mắt thì chỉ cần kích thích thêm một loại thuốc nôm na là thuốc “tăng phọt” thì sẽ sớm được thu hoạch trái dưa to và đẹp. Cứ thử hình dung, nếu dưa sạch, quả nhỏ, xấu mã, và còn lâu mới được thu hoạch, trong khi dưa được phun thuốc tăng phọt thì bán được giá và thu hoạch sớm, nhà sản xuất sẽ chọn cách nào? Đây chính là lý do khiến nhiều đối tượng sử dụng các loại chất kích thích đưa vào quá trình sản xuất để tăng lợi nhuận.

Mạnh tay với thực phẩm bẩn - 1

Mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng chiếm 3,98%.

Có hiện tượng nuôi dưỡng... buôn lậu?

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hướng tới hình thành hệ thống chợ đầu mối nông sản an toàn và dẫn tới siêu thị. Việc hình thành hệ thống các điểm bán nông sản an toàn trên cả nước sẽ hạn chế được số nông sản bẩn, không rõ nguồn gốc” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết.

Vì lợi nhuận quá lớn, các đối tượng sẵn sàng bơm thuốc kích thích, chất tạo nạc, bơm kháng sinh vào các loại cây, con… đánh đổi cả sức khỏe, sự an toàn, thậm chí cả tính mạng của người tiêu dùng. Và có lẽ, chính vì sự coi thường tính mạng của người dân như vậy, nên nhà quản lý đã cương quyết hình sự hóa những hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Án phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù. Song, câu hỏi đặt ra là, vì sao đã hình sự hóa, chế tài xử phạt đã được nâng lên, nhưng vẫn còn xảy ra hàng loạt các sự vụ vi phạm như đã kể trên? Phải chăng đã có chế tài mạnh, nhưng vẫn buông lỏng quản lý? Câu trả lời được ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đưa ra rất thẳng thắn: “Còn có hiện tượng đội ngũ chống buôn lậu… nuôi dưỡng buôn lậu”. Ngoài ra, theo ông Phú, nguyên nhân khiến cho người tiêu dùng vẫn đang phải ăn nhiều loại thực phẩm bẩn, còn do kênh phân phối hiện nay đang có vấn đề, gây cản trở việc tiếp cận của người tiêu dùng với thực phẩm sạch.

Để giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, Nhà nước cần đẩy mạnh xây dựng các công cụ để kiểm soát an toàn thực phẩm. Song song với đó, phải tăng yếu tố “sạch” trong sản xuất, phân phối thực phẩm phải nâng cao chất lượng, điều kiện sống của người dân thì mới có thể thanh lọc được vấn nạn thực phẩm bẩn đang từng ngày từng giờ đe dọa bữa cơm của người Việt. “Bên cạnh đó, nhằm ràng buộc trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cần xây dựng chuỗi sản xuất để nếu một cơ sở trong chuỗi vi phạm sẽ bị đào thải ra khỏi thị trường” – một chuyên gia nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạnh tay với thực phẩm bẩn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO