Mảnh vườn cuối cùng của làng hoa Ngọc Hà

Ngọc Hà 03/04/2016 13:05

Không mấy người biết, giữa lòng Hà Nội, khuất sâu trong bốn bề của những biệt thự bê tông sừng sững vẫn còn sót lại một mảnh vườn cuối cùng của gia đình lão nông trọn đời say mê gìn giữ nét văn hóa thanh tao của chốn kinh kỳ.

Mảnh vườn cuối cùng của  làng hoa Ngọc Hà

Ông Trần Nguyên Bộ chăm sóc mảnh vườn nhà.

Dẫn chúng tôi ra vườn hoa, chỉ những luống cây xanh mướt, lão nông Trần Nguyên Bộ bảo, tôi không thích người ta gọi mình là người trồng hoa cuối cùng của làng hoa Ngọc Hà, bởi như thế tức là Hoa Ngọc Hà sẽ không có cơ hội hồi sinh, tôi chỉ muốn mình là người tiếp nối nghề tổ của cha ông.

Sinh ra ở làng hoa, lớn lên cùng những gánh hoa của bà, của mẹ, có lẽ vì thế mà ông yêu hoa, yêu nghề trồng hoa và gắn bó với nó như một định mệnh. Ông kể, trước đây người làng thường trồng các loài hoa như mẫu đơn, hồng, huệ, cúc, thược dược, lay ơn.... Ngày rằm, mùng một, các bà, các chị mặc áo tứ thân gánh hoa lên phố, bày những mẹt hoa tươi rói, rực rỡ sắc hương nơi cửa chùa. Ngày ấy, cả làng, nhà nào cũng trồng hoa. Có lẽ đấy thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của làng hoa Ngọc Hà.

Thế nhưng, thời kinh tế thị trường, âu cũng là vì cuộc mưu sinh, thước đất, thước vàng, người Ngọc Hà đã chọn một lối đi khác, họ bán đất, kinh doanh thay vì ngày ngày kẽo kẹt gánh nước trồng hoa. Và Hoa Ngọc Hà cứ thế lui vào trong ký ức… Không giống họ, hơn 40 năm qua, cứ sáng dậy là ông Bộ lại vác cuốc ra vườn, tảo tần với tiết nắng tiết mưa, chăm chút mảnh vườn rộng hơn 200m mà cha ông đã để lại.

Với non một sào đất, vợ chồng ông dành ra một nửa để trồng hoa giống. Cũng lạ, giờ hoa nhập ngoại nhiều với đủ loài đủ sắc, nhưng ông Bộ vẫn giữ những giống cây truyền thống mà chủ yếu là hoa cúc. “Ngày xưa thì nhiều loại lắm, nào violet, thược dược, susi, cẩm chướng…Nhưng giờ, âu cũng phải theo nhu cầu của người mua thôi”, ông bảo vậy.

Nghề làm cây giống đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật. Muốn cây khỏe, hoa đượm hương sắc thì đất phải nhiều màu mỡ. “Xưa, đất trồng hoa thường là đất bùn được vật từ dưới ao lên, có lẽ vì thế mà hoa Ngọc Hà bao giờ cũng được cả hương lẫn sắc. Giờ không còn ao hồ nữa nên gia đình tôi phải tìm mua đất phù sa Sông Hồng về phơi khô, đập nhỏ, rải đều vào các luống mỗi lần bắt đầu một đợt trồng mới”, bà Liên vợ ông cho biết.

Trồng cây giống vất hơn chăm con mọn, mưa nắng, sớm khuya là vậy mà giá một trăm cây cúc giống cũng chỉ vài chục ngàn đồng. Nhưng không vì thế mà vợ chồng ông Bộ – bà Liên nhân giống cây theo kiểu thị trường. Bởi theo ông Bộ, theo nghề đã khó nhưng giữ uy tín của nghề còn khó hơn.

Chỉ cách có mấy bước chân, ngoài kia phố xá nhộn nhịp, một mét đất kinh doanh cũng ra bạc triệu. Thế nhưng dường như cái lối sống thị trường ấy không mấy ảnh hưởng đến vợ chồng lão nông này. Tảo tần với nghề trồng hoa, vợ chồng ông đã nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Ông Bộ tự hào, sống trong cái thời “tấc đất, tấc vàng” nhưng cả 4 đứa con tôi, đứa nào cũng muốn giữ đất tổ, nghề tổ - cũng là giữ một nếp sống thanh tao giản dị của người Hà Nội xưa. Thật hiếm thay!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mảnh vườn cuối cùng của làng hoa Ngọc Hà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO