Mật động vật bổ hay hại?

Trịnh Tùng 06/09/2016 06:20

Gần đây, khi số vụ bị ngộ độc do sử dụng mật động vật tăng lên, người ta bắt đầu cảm thấy băn khoăn về tác dụng của loại mật này. Sự hoài nghi đó là có cơ sở khi mà việc lạm dụng mật động vật hại nhiều hơn lợi.

Hình ảnh trong một clip tuyên truyền giảm thiểu nhu cầu và tình trạng tiêu thụ mật gấu.

Những ca ngộ độc chết người

Hơn 1 tháng trước, tại Hà Nội xảy ra trường hợp tử vong do nuốt mật cóc để chữa bệnh. Đó là bênh nhân T., 27 tuổi, có tiền sử viêm gan B. Được người thân khuyên nên dùng mật cóc để chữa bệnh, anh đã nuốt mật cóc, sau đó hôn mê bất tỉnh và phải nhập viện cấp cứu.

BS Nguyễn Trung Cấp- phụ trách Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nhiệt đới Trung ương cho biết, dù được cứu chữa rất tận tình nhưng bệnh nhân đã tử vong do bị suy gan nặng, suy hô hấp. Cũng theo BS Cấp, bệnh viện cũng đã từng tiếp nhận một số trường hợp ngộ độc, hôn mê, tử vong vì nghe lời đồn thổi, nuốt mật cóc chữa ung thư.

Tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cũng từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc do dùng mật động vật như mật gấu, mật cá trắm, mật lợn, mật vịt… để chữa bệnh. Bệnh nhân V., 38 tuổi, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, vào cấp cứu trong tình trạng suy gan với biểu hiện vàng da, vàng mắt, tiểu ít do suy thận cấp.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, do bị đau dạ dày, anh V. đã mua mật cá trắm về dùng. Sau khi nuốt mật cá trắm khoảng 2 giờ, anh đau bụng dữ dội, nôn và tiêu chảy, mặt sưng, bụng to trướng, phải gấp rút vào viện chữa trị.

BS Nguyễn Trung Nguyên- Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết, nhiều người vẫn tin rằng mật động vật có thể chữa được bệnh. Ví dụ như người ta cho rằng nuốt mật cá trắm đen sức khỏe được tăng cường, mật lợn có thể chữa đau bụng, nuốt mật rắn, mật cóc chữa ung thư, bị suy thận thì nuốt mật vịt; hay là mật gấu tăng cường khả năng đàn ông... Nhưng điều đó không đủ cơ sở kiểm chứng; sử dụng thiếu cân nhắc, nhất là lạm dụng sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Quan niệm sai lầm

Nhiều người cho rằng mật động vật có giá trị cao về sức khỏe. Không chỉ sử dụng mật động vật tươi, khô, trong nhiều trường hợp người ta còn nuốt trực tiếp túi mật đó. Theo giới y học cổ truyền, thì đó là những quan niệm sai lầm. Từ sai lầm có thể dẫn đến nguy hại cho sức khỏe lẫn tính mạng.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận mật động vật cũng có những công dụng tích cực khi bào chế thành những vị thuốc. Nhưng cần nói ngay rằng, liều lượng và nguyên tắc bào chế là tối quan trọng, nếu không sẽ lập tức từ lợi chuyển sang hại.

Trên thực tế thì y học cổ truyền không bao giờ coi mật động vật là thuốc bổ mà đó chỉ là thuốc bệnh; với những lưu ý là khi dùng phải hết sức thận trọng về liều lượng, phương thức bào chế, cách sử dụng và nhất thiết phải có sự chỉ định, theo dõi của các thầy thuốc có chuyên khoa.

Nhưng, những năm gần đây, nhiều người bỏ qua những lời khuyên ấy, lạm dụng mật động vật (nhất là nuốt chửng) nên dẫn đến ngộ độc, nhất là suy gan, suy thận.

Một vấn đề nữa cũng rất đáng chú ý, theo BS Nguyễn Thị Bay (ĐH Y Dược TP HCM) thì khi sử dụng mật động vật không biết chúng được nuôi dưỡng như thế nào, người dùng sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, vi sinh vật. Khi mật gấu kham hiếm, người ta tìm các loại mật khác có vị đắng tương tự.

Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh tác dụng của chúng nhưng tác hại thì đã thấy rõ. “Tất cả mật động vật đều có chất độc, dù hàm lượng khác nhau nhưng nếu sử dụng nhiều, đều có thể nguy hiểm đến tính mạng”- theo bà Bay.

Mật gấu, thật và giả

Riêng với mật gấu, lâu nay người ta vẫn tranh luận lợi hay không lợi. Nhưng dẫu thế thì việc tìm kiếm mua bán, sử dụng mật gấu vẫn khá phổ biến. Không ít cảnh báo của giới chuyên gia lĩnh vực y học cổ truyền cho rằng, nhiều người tưởng mật gấu trị bách bệnh nên mua uống thường xuyên với tâm lý không bổ chỗ này thì bổ chỗ khác. Chính điều đó đã khiến người dùng bị suy thận, trụy tim mạch.

Theo BS Nguyễn Văn Hướng, mật gấu tính hàn, thường dùng để giải nóng cho gan mật, dùng làm thuốc hỗ trợ tiêu hóa. Mật gấu còn dùng để chữa các bệnh hỏa sinh ra chứng co giật ở cả người lớn và trẻ em, chữa các bệnh đau đầu, đau mắt do gan nóng. Tuy nhiên, nó chỉ phát huy tác dụng khi được dùng với liều lượng thích hợp.

BS Hướng cho biết, mật gấu phải dùng với bài thuốc Đông y, tùy bệnh mà tỷ lệ mật được gia giảm cho hợp lý. Những người có bệnh gan, thận, tim thể hàn (lạnh) nếu uống mật gấu sẽ rất nguy hiểm, có thể dẫn đến suy thận, suy gan, hạ huyết áp, trụy mạch. Đã có những trường hợp đột tử khi nuốt một lượng mật gấu chỉ nhỏ bằng hạt đỗ xanh.

Vị bác sĩ này kể, ông đã từng điều trị cho một số bệnh nhân nam, có thói quen uống rượu pha mật gấu. Họ bị ngộ độc, mặt xám đen, chân tay cũng đen. Để lâu còn mất hết móng tay, móng chân...

Mật gấu được săn lùng trên thị trường, với giá cao. Cũng chính vì thế đã xuất hiện mật gấu giả, mật gấu kém chất lượng. Không ít người nuôi gấu chỉ với mục đích lấy mật để kinh doanh: hàng tháng đều tiêm thuốc gây mê cho con vật ngất đi, rồi dùng xi-lanh hút mật. Cũng là mật gấu nhưng hàm lượng thấp, dễ bị nhiễm ký sinh trùng và các loại vi khuẩn, nên khi sử dụng hại nhiều hơn lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mật động vật bổ hay hại?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO