Mất khả năng lao động vì một tai nạn hy hữu

Anh Minh 04/03/2022 15:06

Từ một lao động chính trong gia đình, chị Nguyễn Thị Anh (thôn Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) trở thành tàn phế do không may bị một tai nạn hy hữu. Thế nhưng phía đối tượng gây hại – Công ty CP Xi măng Tiên Sơn Hà Tây lại chỉ “hứa” bồi thường 45 triệu đồng…

Chị Nguyễn Thị Anh hoàn toàn mất khả năng lao động, mọi việc đều phụ thuộc vào chồng.

Khoảng 17h ngày 3/1/2021, trong khi đang làm việc trong khu vực vườn nhà, chị Nguyễn Thị Anh bất ngờ bị bức tường gạch của Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn Hà Tây (có địa chỉ trụ sở chính tại thôn Phú Dư, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hoà, Hà Nội) đổ sập vào lưng.

Sau đó, chị Anh được chồng và người thân đưa đến Bệnh viện đa khoa Vân Đình để cấp cứu trong tình trạng chị Anh đã hoàn toàn mất cảm giác hai chân. Sau đó, chị Anh tiếp tục được đưa lên Bệnh viện Quân y 103 để chữa trị.

Theo gia đình nạn nhân, mặc dù bức tường của Công ty Tiên Sơn đã cũ nát, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, thế nhưng phía công ty không hề có bất kỳ động thái nào nhằm cảnh báo cho gia đình về sự nguy hiểm bên cạnh bờ tường đó.

Chẩn đoán lúc ra viện trong tóm tắt hồ sơ bệnh án Bệnh viện Quân y 103 (ngày 20/1/2021) nêu rõ, chị Anh bị chấn thương cột sống tuỷ sống, gãy nhiều mảnh D12 mất vững, Frankel A do tai nạn lao động/Thắt lưng hoá S1. Đứt dây chằng vàng ngang mức tổn thương...

Chị Anh phải làm phẫu thuật giải ép, nắn chỉnh và cố định lại cột sống. Hậu quả để lại, chị Anh gần như bị liệt phần thân dưới, hai chân không thể di chuyển được, mất hoàn toàn khả năng lao động.

Anh Nguyễn Kiều Hưng (chồng chị Anh) cho hay, ngay khi đưa vợ vào viện, anh đã có liên hệ với ông Phạm Mạnh Cường, đại diện Ban xây dựng của Công ty Tiên Sơn để xác nhận vụ việc. Sau đó, cũng chính ông Cường là người chủ động đề nghị hỗ trợ 20 triệu đồng cho phía gia đình.

Trong thời gian chị Anh phẫu thuật, Tổng Giám đốc Công ty Tiên Sơn là ông Nguyễn Văn Công cũng có đến thăm hỏi hỗ trợ 5 triệu đồng tiền thuốc men.

Dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và mất khả năng lao động, tuy nhiên sau khi ra viện được khoảng hơn 1 tháng, gia đình chị Anh mới nhận được lời mời lên làm việc với phía Công ty Tiên Sơn. Theo đó, Công ty chỉ đề xuất bồi thường 45 triệu đồng căn cứ theo những giấy tờ, hoá đơn viện phí mà phía gia đình cung cấp. Trong thời gian chị Anh về nhà tiếp tục điều trị, phía công ty cũng không hề đến thăm hỏi, động viên với lý do dịch bệnh.

Kể từ khi xuất viện về nhà, hai chân của chị Anh gần như bị liệt hoàn toàn. Từ một lao động chính trong gia đình, chị trở thành kẻ tàn phế, di chứng để lại gần như suốt phần đời còn lại.

Chị Anh cho biết, trước khi sự việc xảy ra, chị là công nhân của một công ty thiết bị dây điện ô tô tại địa phương với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng. Chồng chị cũng làm việc trong ngành xây dựng, thu nhập của cả 2 vợ chồng đủ để chi tiêu cho cuộc sống với 3 người con.

Tuy nhiên, từ khi phẫu thuật đến nay, gia đình gần như kiệt quệ, anh Hưng vẫn chưa thể đi làm lại do còn phải ở nhà chăm sóc vợ. Hai vợ chồng bỗng dưng thành tay trắng, gánh nặng đè lên đôi vai của anh Hưng. Do ảnh hưởng của tai nạn, những ngày trở trời trái gió, người chị Anh lại đau ê ẩm. Chị trở thành gánh nặng của cả gia đình, thiệt hại không chỉ về sức khoẻ mà còn cả tinh thần.

Do vậy, việc Công ty Tiên Sơn chỉ đưa ra mức bồi thường 45 triệu đồng cũng như thái độ thờ ơ, không thăm hỏi… khiến cho gia đình và người dân thôn Hữu Vĩnh không khỏi bức xúc.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Việt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), mức bồi thường 45 triệu đồng mà phía Công ty Tiên Sơn đưa ra hoàn toàn không thoả đáng do hậu quả để lại cho nạn nhân quá nặng nề.

Luật sư Việt cho hay, tại Khoản 3 Điều 584, Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại quy định rất rõ căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trường hợp của chị Nguyễn Thị Anh là tài sản gây thiệt hại nên chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản (ở đây là Công ty Tiên Sơn) phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Cụ thể, với đối tượng gây thiệt hại là công trình xây dựng, Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ rõ: “Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng công trình xây dựng phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng đó gây thiệt hại cho người khác”.

Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động được tính từ thời điểm mất hoàn toàn khả năng lao động cho đến khi người đó chết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Điều 593 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Luật sư Việt khẳng định: "Trường hợp của chị Anh, các khoản bồi thường theo luật định được hiểu gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của chị Anh; thu nhập thực tế bị mất của chị".

Ngoài ra, chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của chồng chị là anh Hưng (người chăm sóc); khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần lên đến 50 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định (cụ thể là 1.490.000 VNĐ x 50 = 74.500.000 đồng).

“Từ đây có thể thấy, việc Công ty Tiên Sơn đưa ra mức chấp nhận bồi thường đúng bằng khoản chi phí phẫu thuật điều trị tại bệnh viện cho chị Anh hoàn toàn chênh lệch với mức bồi thường hợp pháp mà đáng lẽ nạn nhân phải được nhận”, luật sư Việt nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mất khả năng lao động vì một tai nạn hy hữu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO