Mất tiền oan vì bị mạo danh nhân viên booking của khách sạn 

Đức Huy 17/06/2022 14:16

Với thủ đoạn giả danh saler, booking cho các khách sạn, cơ sở lưu trú, các đối tượng lừa đảo dễ dàng “móc ví” được nhiều du khách bất cẩn. Một số nạn nhân cho biết, số tiền bị mất lên tới cả chục triệu đồng, nhiều khi phải hủy cả chuyến đi.

Địa chỉ thật, tài khoản ảo

Tối ngày 5/6, sau khi đăng bài vào các hội nhóm tìm kiếm homestay, villa quanh Hà Nội trên Facebook, em Phạm Trung Đ. (Hà Đông, Hà Nội) ngay lập tức nhận được tin nhắn zalo từ một người lạ có tên tài khoản là Phạm Duy Trường. Người này tự nhận là nhân viên đặt phòng của homestay K. khu vực Hồ Đồng Đò (Sóc Sơn, Hà Nội).

Sau khi kiểm tra địa chỉ xác thực và thấy ưng ý với mức giá cũng như cơ sở vật chất, Đ. bảo Trường gửi thông tin cá nhân để kiểm tra mức độ tin tưởng. Thấy “con mồi” đã bước đầu “dính mồi”, Trường gửi một loạt các giao dịch gần đây cùng căn cước công dân.

Vì bất cẩn nên Đ. không nhìn rõ các vết tẩy xóa trên tấm ảnh căn cước được Trường chụp gửi qua Zalo. Các phông chữ cũng như khoảng cách dòng rất rõ để thấy được đã có sự can thiệp, chỉnh sửa bởi phần mềm photoshop.

Đặc biệt họ và tên trên tấm thẻ này không được viết hoa toàn bộ mà chỉ viết hoa chữ cái đầu mỗi từ. Một số dòng kẻ bị lệch và in đậm hơn hẳn so với ảnh chụp thông thường. Tuy nhiên, các hoa văn chìm lại rất giống thật, điều này có thể nhận ra rằng, tấm căn cước này đã được cắt ghép từ một bản thật khác.

Tấm thẻ căn cước công dân giả được đối tượng lừa đảo gửi cho khách hàng với đầy những vết tẩy xóa nếu để ý kỹ và đem ra đối chiếu sẽ nhận thấy.

Bằng vài thủ thuật đơn giản, Trường đã qua mắt được nạn nhân và báo giá với Đ. như một nhân viên đặt phòng thực thụ. Sau một hồi kỳ kèo, Trường tìm đủ mọi cách để Đ. có thể chuyển khoản toàn bộ tiền đặt phòng từ lí do mùa du lịch đông, cho đến phải thêm phụ thu, đặt cọc toàn bộ sẽ có thêm ưu đãi.

Ban đầu Đ. nghe vậy cũng khá nghi ngờ nhưng vì chuyến đi gấp gáp nên đành phải chuyển khoản toàn bộ số tiền 4.000.000 đồng vào số tài khoản có tên Nguyễn Anh Tú để đặt chỗ.

Một lúc sau, cảm thấy chột dạ và không gọi lại được Trường để lấy số người quản gia, Đ. tìm lại thông tin trên fanpage của homestay và hỏi thông tin, bấy giờ người chủ thực sự mới nói rằng Đ. đã bị lừa.

“Tất cả địa chỉ phía tài khoản Zalo kia đưa ra đều là thật, mình đã kiểm tra rất kỹ và mọi người đều ưng ý với homestay này. Không ngờ, mình đã bị lừa. Mình thấy rất hối hận vì điều này”, Đ. cho biết.

Sau khi thực hiện vụ lừa trên, Trường đổi tên Zalo, Facebook và tiếp tục đón đợi “con mồi” mới. Các tài khoản mạng xã hội được đối tượng sử dụng để lừa đảo đăng rất nhiều bài viết kèm ảnh về khách sạn, homestay để tạo nên sự uy tín đối với khách.

Thủ đoạn giả mạo nhân viên đặt phòng khách sạn này còn tiếp tục nở rộ hơn nữa, đặc biệt khi thị trường du lịch nóng lên từng ngày như hiện nay.

Cùng cảnh ngộ với Đ., em Nguyễn Thị Q.A. (Cầu Giấy, Hà Nội) đã từng mất đến 17 triệu đồng tiền đặt cọc với hình thức lừa ở trên.

Q.A chia sẻ: “Sau khi bị lừa mình có rút ra được một kinh nghiệm là bằng mọi giá phải kiểm tra rõ uy tín của người đặt phòng, không nên đặt từ các saler lẻ mà phải đặt từ một mối quen, nếu cảm thấy ổn và làm việc rõ ràng thì mình không nên thay đổi nhân viên booking”.

Nâng cao cảnh giác trước khi quá muộn

Một trong những lí do khiến cho sự việc này rất khó giải quyết là bởi, khi khách thực hiện giao dịch chuyển tiền đến tài khoản của đối tượng lừa đảo, đây là một tài khoản cá nhân và có nội dung.

Chẳng hạn, khi chuyển khách sẽ ghi: “Tiền tour Phú Quốc + Tên” , “Tiền Tour Đà Nẵng + Tên”,... vì vậy dù có làm đơn khiếu nại để đòi ngân hàng cũng cho rằng đây là một giao dịch có mục đích rõ ràng. Nạn nhân duy nhất tại đây chỉ là người đi du lịch.

Không chỉ nhập vai vào một nhân viên booking, các đối tượng lừa đảo còn đóng vai một vị khách du lịch đang muốn sang nhượng lại phòng vì các lí do như gia đình có việc đột xuất, cá nhân có chuyến đi công tác,...

Họ bán lại với giá rẻ chỉ còn bằng một nửa so với giá gốc thấy trên các ứng dụng booking hay trên fanpage. Lợi dụng tâm lý ham rẻ nhiều người tiếp tục dính vào cạm bẫy này.

Bạn Nguyễn Khánh H. (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Một trong những điều mình nghĩ lại sau khi bị lừa là vì đã quá ham rẻ. Mình rút ra kinh nghiệm rằng nếu đã chọn đặt phòng thì phải đặt từ ứng dụng hay từ một nơi uy tín nếu có sao còn có thể khiếu nại được”.

Các cảnh báo lừa đảo bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên hội nhóm tìm homestay, villa, khách sạn.

Hiện nay trên một số hội nhóm dành cho khách du lịch, tìm phòng khách sạn, cơ sở lưu trú, tình trạng lừa đảo này đang được cảnh báo rất nhiều và dù rằng trung bình mỗi tháng có một vụ lừa vẫn rất nhiều người còn chủ quan và vì thấy rẻ nên sa lưới những kẻ mạo danh này.

Theo lời khuyên được đưa ra bởi đại diện công ty du lịch lữ hành Hanoi Tourism, chị Nguyễn Thị Phương Thùy: “Thứ nhất, khách hàng cần phải lựa chọn một công ty uy tín, có đăng ký kinh doanh, còn hoạt động để đặt dịch vụ. Thứ hai, khi quyết định ký hợp đồng với công ty, có đóng dấu của công ty, có điều kiện hoãn hủy rõ ràng. Tránh làm việc với 1 sale cá nhân nào cả. Thứ ba, những người bán tour đều có xác nhận của công ty về việc đặt dịch vụ của khách hàng (có đóng dấu của công ty). Những lưu ý trên là cách tốt nhất để đảm bảo quyền lợi của khách hàng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mất tiền oan vì bị mạo danh nhân viên booking của khách sạn 

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO