Mặt trận chủ động giám sát, phản biện

Tuấn Quang 07/10/2017 09:10

Vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang và Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị “Phản biện xã hội Dự thảo đề án cấp nước nhỏ lẻ phục vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2018-2020”. Hoạt động này đã tạo tiếng vang trong hệ thống chính trị của địa phương, góp phần nâng cao vai trò của Mặt trận trong công tác giám sát, phản biện.

Tính đến hết năm 2016, Hậu Giang có 63,89% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT, tương đương với 95.398 hộ. Do đó, Hậu Giang vẫn còn hơn 36% dân số (tương đương 48.128 hộ dân) vẫn chưa được sử dụng nước đạt chuẩn.

Phản biện tại Hội nghị, ông Đặng Cao Trí - Trưởng ban Kinh tế ngân sách - Hội đồng Nhân dân tỉnh đánh giá cao sự cần thiết của đề án. Tuy nhiên, ông Trí cho rằng, đề án phải xem xét một số vấn đề như: Một số điểm chưa phù hợp với cơ sở pháp lí để thực hiện, không nêu được giải pháp huy động nguồn vốn từ xã hội hóa mà chủ yếu sử dụng nguồn vốn từ ngân sách, trong khi nguồn vốn đối ứng từ người dân cũng khá lớn mà thu nhập của các hộ này chủ yếu ở vùng khó khăn. Ngoài ra, nhiều số liệu điều tra, khảo sát của đề án vẫn chưa được cập nhật và không chính xác.

Còn PGS TS Bùi Thị Nga- Trường ĐH Cần Thơ băn khoăn, liệu đưa hệ thống máy lọc nước RO, cộng với hệ thống lọc sơ bộ có phù hợp với điều kiện ở nông thôn, trong khi hệ thống RO chủ yếu phù hợp với đô thị vì đã có sẵn nước máy.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, bà Huỳnh Thị Ngọc Hồng nêu quan điểm: Đề án phải xem xét nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt quan tâm đến thực trạng, nhu cầu sử dụng nước sạch của bà con, xem xét lại các tiêu chí phân bổ, hỗ trợ, định mức cho các huyện, thị, thành một cách phù hợp.

Ông Huỳnh Hữu Kế - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hậu Giang ghi nhận tinh thần phản biện, tích cực thẳng thắn, chân thành của các cá nhân, đơn vị, tổ chức có liên quan đến Đề án. Ông Kế cho biết: Tính đến nay, MTTQ tỉnh cũng đã tiếp nhận 220 ý kiến góp ý của người dân liên quan đến đề án. Trong đó, vẫn có nhiều ý kiến chưa đồng tình và đóng góp đề hoàn thiện đề án. Đề nghị Trung tâm NS&VSMTNT cần xem lại toàn bộ ý kiến phản biện của các cá nhân, đơn vị, tổ chức đóng góp cho Đề án.

Trong đó, cần lưu ý đến các cơ sở pháp lí của Đề án, nhất là các chỉ đạo của Trung ương về vấn đề nước sạch nông thôn. Đồng thời, thống kê lại thực trạng các công trình cung cấp nước sạch tại địa phương, xác định rõ tỉ lệ hộ nhỏ lẻ, phân tán có nhu cầu về nước sạch, cũng như điều tra cụ thể về nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, cần xem xét phương án huy động vốn, cũng như nguồn lực đầu tư xã hội hóa.

Ông Huỳnh Hữu Kế nhấn mạnh: Công tác phản biện, cùng với sự tham gia của các chuyên gia, tổ chức, đơn vị quản lí là những đóng góp chân thành, thẳng thắn, và hữu ích cho đơn vị lập đề án, cũng như công tác tham mưu trong quá trình thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận chủ động giám sát, phản biện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO