Mặt trận cùng dân 'đồng khởi trữ nước ngọt'

Tuệ Phương 12/06/2017 09:35

Với việc những đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông xuất hiện ngày một nhiều hơn, hạn - mặn trở thành nỗi lo thường trực với người dân đồng bằng sông Cửu Long. Đã có những mùa vụ thất bát khi hàng trăm ngàn ha đất bị nhiễm mặn. Nhưng trong cái khó, lại ló cái khôn, người dân huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) đã đoàn kết giúp đỡ nhau hưởng ứng phong trào “Đồng khởi trữ nước” do Mặt trận tỉnh phát động, bảo đảm nước ngọt cho sinh hoạt, chăn nuôi.

Công trình trữ nước ngọt được xây dựng nhờ sự đóng góp của nhân dân và các nhà hảo tâm.

Hạn - mặn khốc liệt

Bây giờ, câu chuyện mùa lũ không về đã dần trở nên quen thuộc với người dân đồng bằng sông Cửu Long. Những cánh đồng mênh mông nhuộm một màu vàng úa trở thành niềm đau với bất kỳ người dân nào. Lũ không về, nước mặn xâm nhập ngày càng sâu hơn vào nội địa. Chẳng những cây lúa, nhiều cây ăn trái, rau màu khác cũng héo úa dần.

Bến Tre, nơi những con sông Tiền Giang, Hàm Luông, Ba Lai… đi qua là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Những con sông vốn đem phù sa màu mỡ, nay lại đem cái mặn từ biển trở vào.

Dịp cuối năm 2015 và đầu năm 2016, tình hình xâm nhập mặn, nắng hạn kéo dài đã làm trên 11.000ha lúa Đông Xuân huyện ven biển Ba Tri bị mất trắng, ước thiệt hại trên 320 tỷ đồng, đất nông nghiệp bị nhiễm mặn, nhiều vật nuôi thiếu nước uống… Đặc biệt, trên 15 ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trong đó có 8.116 hộ nghèo, cận nghèo, chính sách gặp khó khăn thiếu dụng cụ trữ nước ngọt. Con số trăm tỷ đặt ở những thành phố lớn phát triển công nghiệp - dịch vụ có thể là không lớn. Nhưng với người dân nơi đây, đó là bao mồ hôi, nước mắt mặn mòi.

Xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri, một trong những địa phương bị thiệt hại nặng trong đợt xâm nhập mặn của tỉnh. Hộ ông Võ Văn Môn, ấp Bến Vựa Bắc và các hộ dân nơi đây đang lao đao do thiếu nước chăn nuôi cũng như trồng trọt. Ông Môn cho biết, gia đình ông nuôi 16 con bò nhưng đã phải bán 4 con do thiếu thức ăn. Thông thường hàng năm ông Môn tận dụng nguồn thức ăn chính là từ lượng rơm sau khi thu hoạch lúa. Tuy nhiên, năm nay toàn bộ 5 công lúa nhà ông bị mất trắng do xâm ngập mặn diễn ra quá sớm.

Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất và chăn nuôi, xâm nhập mặn kèm hạn hán khiến nước sinh hoạt trên địa bàn cũng rất khó khăn. Bản thân gia đình ông Môn cũng phải mua 100 nghìn đồng/khối nước giếng khoan phục vụ chăn nuôi và tắm giặt còn nước uống và nấu ăn hàng ngày, gia đình vẫn phải dùng nguồn nước mưa dự trữ. Chi phí mua nước đắt đỏ, ông Môn cùng nhiều thành viên trong gia đình phải tái sử dụng nước nhiều lần nhằm tiết kiệm chi phí một cách tối đa nhất.

“Nhiều gia đình phải tranh thủ tích trữ nước mưa để chủ động nguồn nước trong mùa khô. Những gia đình nào không có khả năng xây dựng hồ chứa lớn thì sử dụng bao ni lông trải lên mặt đất rồi đắp bờ xung quanh tạo thành bồn chứa tạm, đủ sử dụng suốt mùa khô thì cũng không tốn quá nhiều tiền”- ông Môn cho biết.

Các xã khác trên địa bàn, nhất là các xã ven biển cũng bị nhiễm mặn nặng, dẫn đến hiện tượng thiếu nước ngọt trầm trọng. Chuyện hạn - mặn không thể trông chờ ông Trời, hay “lòng tốt” của những nguồn nước ở thượng nguồn Mê Kông. Phải làm gì đó để tự cứu mình. Chính trong bối cảnh khó khăn ấy, những sáng kiến mới bật ra.

Theo ông Nguyễn Quốc Duy- Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp, chính quyền địa phương đã phát động phong trào “Đồng khởi trữ nước ngọt” cho bà con trong xã. Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể vận động bà con giúp đỡ nhau các dụng cụ trữ nước, chủ động trữ nước từ rất sớm để chuẩn bị đối phó với hạn mặn. Và thực tế đã cho thấy, nhờ chủ động ứng phó, nhân dân đã thực hiện tốt các biện pháp trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt cũng như để chăn nuôi gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của nhập mặn.

Mặt trận quyết liệt vào cuộc

Nhận thức được chống hạn - mặn không phải “cuộc chiến” ngày một, ngày hai, không để bà con nông dân đơn độc trong cuộc chiến khốc liệt này, Ủy ban MTTQ huyện Ba Tri đã có thư ngỏ vận động các tổ chức, cá nhân, tổ chức nước ngoài, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đến khảo sát, tìm hiểu, ủng hộ tiền, vật chất hỗ trợ người dân khắc phục hạn mặn. Đồng thời, kết hợp phát động, kêu gọi nhân dân hưởng ứng phong trào trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt và vận động các nguồn lực hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng hạn mặn. Chính cuộc vận động đã khiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp ý thức được việc chung tay giúp bà con chống nhập mặn.

14 tổ chức, đơn vị đăng ký hỗ trợ để cùng địa phương khắc phục hạn mặn, với tổng số tiền 19,4 tỷ đồng. Mặt trận huyện cũng quyết liệt xây dựng mô hình dân vận khéo về phong trào trữ nước mưa, nước ngọt để phấn đấu mỗi ấp, khu phố trên địa bàn huyện phải có ít nhất một mô hình về vận động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt.

Ông Châu Anh Tuấn- Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ba Tri cho biết, qua phát động phong trào thi đua, huyện đã tiếp nhận các nguồn hỗ trợ cho 11.144 hộ có dụng cụ chứa nước, quà và nhu yếu phẩm với tổng số tiền trên 24,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bà con nhân dân cũng tích cực hưởng ứng phong trào trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi. Theo đó, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình mà người dân chọn các hình thức trang bị phù hợp như: Vay vốn trả góp, mua bồn, đóng cây nước, đào giếng đất, đào ao phủ bạt, nạo vét, đắp các mương vườn…Đến nay, toàn huyện đã có 5.941 hộ dân tự trang bị dụng cụ chứa nước với tổng kinh phí trên 12,5 tỷ đồng.

Ngoài các nguồn trên, Trung ương đã hỗ trợ gần 120 tấn gạo cho 2.562 hộ, 7.928 nhân khẩu trong huyện bị thiếu lương thực với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Hỗ trợ 23,6 tỷ đồng để cấp tiền thiệt hại cho người trồng lúa. Số tiền này đã được trao đến tay người dân. Hỗ trợ xây dựng hồ trữ nước ngọt trên tuyến kênh Lấp, có sức chứa 1 triệu mét khối nước với tổng kinh phí khoảng 68 tỷ đồng; nạo vét 49 tuyến kênh, dài 55km, kinh phí 5 tỷ đồng do tỉnh đầu tư để phục vụ sản xuất sinh hoạt và chăn nuôi. Công ty TNHH xây dựng Phục Hưng đầu tư và đưa vào hoạt động trạm cung cấp nước sạch tại xã An Hiệp, phục vụ cho 1.500 hộ dân, kinh phí trên 10 tỷ đồng…

“Trong hoàn cảnh khó khăn, người dân Ba Tri đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, từ đó giúp hộ dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, các gia đình chính sách được hỗ trợ dụng cụ trữ nước ngọt. Nhận thức của người dân qua đợt ảnh hưởng hạn mặn đã được nâng lên, song song với thực hiện chủ trương chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ lúa sang 2 vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp thì hiện nay, nếu hạn mặn xảy ra, người dân huyện Ba Tri hoàn toàn đủ khả năng bảo đảm nước ngọt cho sinh hoạt và chăn nuôi”- ông Tuấn khẳng định.

Chính từ phong trào “Đồng khởi trữ nước”, bà con nhân dân huyện Ba Tri đã tiết kiệm được những khoản chi phí lớn dành cho mua nước sinh hoạt, gia súc, gia cầm được cung cấp nước đầy đủ. Việc đào giếng, đào ao phủ bạt trữ nước… góp phần giảm thiệt hại cho các loại cây trồng khi nhập mặn kéo dài. Cuộc sống người dân ổn định hơn, yên tâm tìm các biện pháp ứng phó, thích nghi với những biến động mới ngày càng phức tạp hiện nay.

Với những thành tích trong việc đoàn kết nhân dân cùng chống lại hạn - mặn, ngày 10-6 vừa qua, ông Châu Anh Tuấn- Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã vinh dự được tham dự Lễ Tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 do Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương Tổ chức. Ủy ban MTTQ huyện Ba Tri là đơn vị duy nhất trong khối Mặt trận nhận được vinh dự này. Trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, cùng với việc nhiều quốc gia xây dựng đập nước trên dòng Mê Kông, sáng kiến “Đồng khởi trữ nước” của huyện Bến Tre cần được phổ biến nhân rộng như một phương pháp để người dân giúp nhau ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận cùng dân 'đồng khởi trữ nước ngọt'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO